Từng bước giảm thiểu và xóa bỏ tình trạng tảo hôn

Vân Hồ là huyện có tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội. Từng bước giảm thiểu và xóa bỏ tình trạng tảo hôn, huyện Vân Hồ đã đẩy mạnh công tác dân vận, giúp thay đổi nhận thức, hành vi, trách nhiệm của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cán bộ bản Co Tang, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ tuyên truyền các hộ dân không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.

Cùng ông Sồng A Của, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Co Tang, xã Lóng Luông đến thăm gia đình cặp vợ chồng S.A.P và G.T.D cùng sinh năm 2008. Trong ngôi nhà gỗ nằm liêu xiêu trên mỏm đồi, chị D. địu trên lưng đứa trẻ chưa đầy một tuổi, đôi tay mải miết dệt vải lanh. Chị D. thật thà nói: Chúng em lấy nhau năm 15 tuổi, khi cả hai còn đang học lớp 10, sau đó cũng bỏ học. Cuộc sống bây giờ khó khăn vì không ai có công việc ổn định, phải sống phụ thuộc vào bố mẹ. Sắp tới, hai vợ chồng tôi dự định sẽ gửi con cho ông bà để xuống dưới xuôi làm công nhân.

Xã Lóng Luông có gần 1.000 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 90%. Năm 2023, xã có 35 trường hợp tảo hôn, tăng 16 trường hợp so với năm 2022 và cao nhất toàn huyện. Qua tìm hiểu, bên cạnh một số nguyên nhân như nhận thức của bà con còn hạn chế, ý thức pháp luật của người dân chưa cao, thì tình trạng tảo hôn còn do phong tục, tập quán của đồng bào nơi đây. Khi người con gái đã theo người con trai về nhà và được chấp nhận thì sẽ được làm lễ cúng nhập ma nhà chồng. Sau đó, nhà trai sẽ cử người về thông báo cho bố mẹ nhà gái và cô gái cũng không được quay về gia đình nữa.

Ông Sùng A Cang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lóng Luông, cho biết: Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là phổ biến Luật hôn nhân và gia đình; phát huy vai trò Ban công tác Mặt trận, người có uy tín ở các bản trong việc vận động đồng bào thực hiện quy ước, hương ước, xóa bỏ các hủ tục. Đồng thời, tăng cường nắm địa bàn, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp tảo hôn, nhất là sau thời điểm Tết cổ truyền dân tộc Mông, bởi đây là lúc bà con thường tổ chức lấy vợ, gả chồng cho con. Trong 2 tháng đầu năm 2024, toàn xã có 8 cặp tảo hôn, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, huyện Vân Hồ có 112 trường hợp tảo hôn, chủ yếu ở các xã Lóng Luông, Vân Hồ, Tân Xuân, Chiềng Xuân... Tuy số lượng các cặp tảo hôn đã giảm so với những năm trước, nhưng vẫn ở mức cao. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” với nhiều giải pháp cụ thể.

Đồng chí Nguyễn Hồng Thành, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Vân Hồ, thông tin: Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong năm 2024, Ban Dân vận sẽ triển khai xây dựng thí điểm mô hình CLB “Nói không với tảo hôn” tại một số trường THCS, THPT và một số bản vùng dân tộc thiểu số. Trong đó thành phần nòng cốt là đảng viên, người đứng đầu đơn vị, trưởng các đoàn thể... CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ, đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tập trung nâng cao nhận thức cho người dân và các em học sinh về tác hại của tảo hôn; trợ giúp pháp lý, vận động bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Sau khi thực hiện thí điểm sẽ đánh giá hiệu quả của mô hình, từ đó nhân diện ra toàn huyện.

Tiếp tục phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, vai trò của các tổ chức đoàn thể và người uy tín ở cộng đồng để nâng cao công tác dân vận giảm thiểu tảo hôn; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, huyện Vân Hồ quyết tâm đẩy lùi tình trạng tảo hôn và nâng cao chất lượng dân số của địa phương.

Hoàng Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/tung-buoc-giam-thieu-va-xoa-bo-tinh-trang-tao-hon-Dr4VRRJSg.html