Tưng bừng Lễ hội truyền thống tại 'đấu trường cờ tướng' đất Thăng Long

Tại Hội cờ làng Thịnh Yên, ông Hoàng thời Lê là người giỏi cờ đã vận động Nhân dân góp công góp của xây đền thờ Vua cờ Đế Thích ngay cạnh chùa Hưng Khánh. Từ đó đến nay, Chùa Vua (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) trở thành đấu trường cờ tướng danh tiếng bậc nhất Thăng Long.

Sáng nay, 18/2 (mùng 9 Tết Giáp Thìn), tại di tích Chùa Vua trên phố Thịnh Yên (quận Hai Bà Trưng) tưng bừng diễn ra Lễ hội truyền thống Chùa Vua, do BQL di tích phường Phố Huế tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo quận Hai Bà Trưng, lãnh đạo phường Phố Huế và đông đảo người dân địa phương, du khách thập phương.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Phố Huế, Chùa Vua là tên gọi chung của chùa Hưng Khánh, điện Thiên đế thờ Đế Thích, đền thờ Trần Hưng Đạo và điện mẫu ở làng Thịnh Yên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay là phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đặc biệt, nơi đây có thể coi là một “cờ miếu” của Thăng Long, bởi diễn ra các cuộc đấu cờ tướng đỉnh cao suốt mấy trăm năm.

Chùa Vua đã được công nhận di tích lịch sử-văn hóa-thể thao độc đáo của nước ta, ngoài chức năng thờ phụng tín ngưỡng truyền thống thì còn là nơi phát huy và thi đấu một môn thể thao đặc biệt: Cờ tướng - cờ người.

Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng, lãnh đạo phường Phố Huế và đông đảo người dân tham dự Lễ hội truyền thống Chùa Vua

Thời Lê (1428-1527), khu vực Chùa Vua là làng Thịnh Yên có chùa Hưng Khánh thờ Phật, vốn có truyền thống chơi cờ tướng lâu đời. Hội cờ làng Thịnh Yên thu hút nhiều danh kỳ và bà con hâm mộ cờ tướng về dự, trong đó có ông Hoàng thời Lê là người giỏi cờ, đã đứng ra vận động Nhân dân góp công góp của xây dựng đền thờ Vua cờ Đế Thích ngay cạnh chùa Hưng Khánh.

Từ đó đến nay, Chùa Vua trở thành đấu trường cờ tướng danh tiếng bậc nhất Thăng Long.Trải qua các triều đại cùng thăng trầm của thời cuộc, Chùa Vua không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là cơ sở cách mạng. Sư cụ Hoàng Đình Điều, một võ tướng của Đề Thám đã quy y xuất gia, trụ trì tại ngôi chùa, đã được Nhà nước truy tặng là người có công với nước. Những năm đầu thành lập Đảng đến Cách mạng Tháng Tám, đây là trụ sở Ủy ban Cách mạng lâm thời tiểu khu 7; thời kỳ toàn quốc kháng chiến trở thành nơi cất giữ đạn dược, lương thực của bộ đội...

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phố Huế Phan Bá Tường đánh hồi trống khai mạc Lễ hội truyền thống Chùa Vua

Đặc biệt, với mục đích tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cho người dân Thủ đô và quảng bá trong nước, quốc tế về các di tích cách mạng trên địa bàn Hà Nội, ngày 29/12/2023, quận Hai Bà Trưng đã tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng công trình “Bản đồ số địa chỉ đỏ” tại Chùa Vua, giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về di tích này.

Lễ hội Chùa Vua được tổ chức hằng năm vào các ngày mùng 6, 7, 8, 9 tháng Giêng, trong đó mùng 9 là chính hội. Tại đây, Hội cờ thu hút đông đảo danh thủ trong nước đến so tài; Nhân dân đến cầu phúc, cầu tài, cầu bình an và chọn một vị trí thích hợp để xem trận chung kết Giải cờ - nét độc đáo của Lễ hội, đồng thời thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng và các đại biểu, người dân tiến hành dâng hương tại Lễ hội Chùa Vua

Lãnh đạo phường Phố Huế khẳng định, Lễ hội truyền thống Chùa Vua đã trở thành sự kiện văn hóa của Thủ đô được tổ chức hằng năm để tăng ni phật tử, người dân địa phương và quý khách gần xa về lễ Phật, tôn vinh Đức Vua cờ Đế Thích, tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ và cầu nguyện cho Quốc thái dân an, thế giời hòa bình. Đồng thời là cơ hội tăng thêm tình đoàn kết tôn giáo với mong muốn “sống ích đời đẹp đạo”.

Đặc biệt, Chùa Vua tiếp tục nhận đỡ đầu các cháu có hoàn cảnh khó khăn và phát nguyện mỗi ngày hàng trăm suất cháo cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Hai Bà Trưng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Sau đây là một số hình ảnh đặc sắc tại Lễ hội truyền thống Chùa Vua sáng nay:

Lễ hội truyền thống Chùa Vua được tổ chức hằng năm để tăng ni phật tử, người dân địa phương và quý khách gần xa về lễ Phật, tôn vinh Đức Vua cờ Đế Thích, tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh cho độc lập dân tộc. Chùa Vua đã được công nhận di tích lịch sử-văn hóa-thể thao độc đáo của nước ta, ngoài chức năng nơi thờ phụng tín ngưỡng truyền thống thì còn là nơi phát huy và thi đấu một môn thể thao đặc biệt: Cờ tướng - Cờ người

Hội cờ thu hút đông đảo danh thủ trong nước đến so tài Chùa Vua đã trở thành đấu trường cờ tướng danh tiếng bậc nhất Thăng Long. Hội cờ thu hút đông đảo danh thủ trong nước đến so tài

Đến với Lễ hội Chùa Vua, người dân còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc

Lễ hội Chùa Vua đã trở thành sự kiện văn hóa hằng năm của quận Hai Bà Trưng nói riêng và Thủ đô nói chung

Nhằm tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử và quảng bá về các di tích cách mạng trên địa bàn Hà Nội, quận Hai Bà Trưng đã đưa vào sử dụng công trình ''Bản đồ số địa chỉ đỏ'' tại Chùa Vua. Các hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Chùa Vua (quận Hai Bà Trưng) thu hút đông đảo du khách trong nước và bạn bè quốc tế

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tung-bung-le-hoi-truyen-thong-tai-dau-truong-co-tuong-dat-thang-long.html