Tục xông nhà dịp Tết của người Việt

Tết xưa, người đến xông nhà đốt bánh pháo để mừng nhà chủ và chúc tụng chủ nhà những điều may mắn quanh năm.

XÔNG NHÀ

Tục này đã trình bày ở trên khi nói về mấy tục lệ trong đêm trừ tịch.

Trong trường hợp, người nhà không có ai tự xông nhà lấy, người ta phải kén người xông nhà. Người được kén là người tốt vía nhanh nhẹn dễ dãi để sáng mồng một tới xông nhà, mang lại ảnh hưởng tốt đẹp cho nhà chủ quanh năm.

Người đến xông nhà đốt bánh pháo để mừng nhà chủ và chúc tụng chủ nhà những điều may mắn quanh năm. Nhà chủ cũng chúc tụng lại khách xông nhà và cảm ơn khách đã mang lại sự may mắn cho nhà mình. Xông nhà còn được gọi là xông đất.

XUẤT HÀNH

Tục này cũng đã trình bày ở trên về tục lệ đêm trừ tịch, nhưng có nhiều người không xuất hành vào đêm trừ tịch, mà người ta còn kén ngày kén giờ.

Những người làm ăn, quanh năm phải ra đi, nhân ngày Tết thường chọn ngày giờ để xuất hành và thường người ta đi ra khỏi đất làng xã mình, hay ít nhất cũng đi ra khỏi thôn mình.

Người ta chọn hướng. Mỗi năm chỉ có một hướng hợp. Ra đi theo hướng tốt bằng một lối và lúc trở về làng mình lại theo một lối khác. Không ai xuất hành nghịch hướng vì e gặp sự không may trong năm.

Người ta lại kén ngày kén giờ, vì trong ba ngày đầu năm có ngày xấu, có ngày tốt, và một ngày có giờ xấu có giờ tốt.

Người kiêng kỹ chỉ xuất hành nhằm hôm tốt ngày vào giờ hoàng đạo.

Trong một làng, thường thường dân làng theo một hướng xuất hành, cùng đi trên một nẻo đường. Họ gặp nhau vui vẻ lắm, chúc tụng lẫn nhau, nói nói cười cười, áo quần lòe loẹt xúng xính. Đi xuất hành, người ta đồng thời hái lộc như đã nói ở trên.

Bắn pháo hoa mừng năm mới ở Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

LỄ TẾT

Dân ta thờ phụng tổ tiên. Người ta thờ phụng tổ tiên nhà mình, lại tôn trọng cả tổ tiên người khác.

Nhân ngày Tết, người ta đến nhà nhau, trước là để lễ Tết, sau là để chúc tụng lẫn nhau.

Việc lễ Tết các cụ là một việc rất hệ trọng. Ngày Tết, các cụ đi lễ hết các nhà họ xa họ gần trong làng, và khắp hết các nhà lân bang hàng xóm. Các cụ đi không hết, các cụ cắt con cháu đi thay.

Đừng ai tưởng đi lễ Tết như vậy là nhẹ nhàng. Rất mệt. Đến mỗi nhà phải lễ trước bàn thờ bốn lễ, ba vái, phải lên gối, xuống gối cúi đầu. Có nhiều nhà, có ông bà mới mất, thờ riêng một bàn thờ, khách đến Tết phải lễ cả ở bàn thờ này.

Đi lễ như vậy, đi suốt buổi, khắp họ hàng bè bạn, hàng ngày phải lên gối xuống gối mấy trăm lần. Tới mỗi nhà lại chúc Tết nói chuyện, ăn trầu uống nước. Có nhà lại ép mời khách nếm bánh chưng, xôi chè lam nóng bỏng, mứt kẹo do nhà làm ra. Khách không dám từ chối sợ làm giông chủ nhà.

Người mỏi mệt vì lễ bái, bụng luôn no vì ăn uống, môi cắn chỉ vì nhai trầu. Lại thêm suốt ngày phải bận quần áo chỉnh tề, khăn đóng áo dài, chân đi giày đi dép. Tuy vậy, vẫn không ai bỏ qua việc lễ Tết. Đây là một bổn phận đối với họ hàng bè bạn. Người ta đến lễ tổ tiên mình, mình phải đáp lễ.

Đi lễ Tết không như ngày nay đi chúc Tết ở thành thị. Ở thành thị, bây giờ người ta đến chúc Tết với nhau vì xã giao, còn xưa kia, mục đích chính của việc đi chúc Tết là lễ Tết trước rồi mới chúc Tết sau.

Con rể đến lễ Tết nhà bố mẹ vợ, học trò đến lễ Tết nhà thầy, người dưới đến lễ Tết nhà người trên, kẻ hàm ơn đến lễ Tết nhà người đã ra ơn cho mình...

KHAI BÚT

Nhà văn, nhà thơ thường có lệ khai bút đầu năm vào ngày Nguyên Đán.

Các văn nhân, thi sĩ sẵn sàng son mực bút nghiên giấy tờ, đốt bình trầm trước án thư kén giờ hoàng đạo khai bút viết văn làm thơ.

Thơ làm xong, gặp có khách đến nhà hoặc khi đến bạn hữu chúc Tết, người nọ đọc cho người kia nghe rồi cùng ngâm vịnh.

CHƠI CÀNH ĐÀO

Hoa đào màu đỏ nhạt rất hợp với cảnh xuân. Ngày Tết, người ta thường kén hoa đào để cắm ở trong nhà. Tục còn tin rằng cành đào trừ được ma quỷ do tích cũ đã trình bày trong chương Cây cối với mê tín dị đoan về hai vị thần là Thần Trà và Uất Lũy.

CỦA VÀO NHƯ NƯỚC

Nhân ngày mồng một Tết, tại các thành thị cũng như thôn quê, có những người đi gánh nước thuê, gánh nước tới đổ vào mọi nhà và chúc những nhà này quanh năm làm ăn phát đạt của vào như nước.

Gia chủ vui vẻ mở hàng cho người gánh nước một món tiền gấp mấy lần ngày thường và cũng mong của sẽ vào như nước quanh năm như lời chúc tụng của người gánh nước.

Toan Ánh/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tuc-xong-nha-dip-tet-cua-nguoi-viet-post1458971.html