Tuần 20-24/7: Nóng bỏng cuối tuần, chứng khoán mở đợt sóng mới

(Vietstock) - Kết thúc tuần giao dịch qua, chỉ số VN-Index có bước đột phá khi “nhảy” từ 428.67 điểm lên 454.71 điểm, tăng mạnh 26.04 điểm (+6.07%) với 4 trong 5 phiên giao dịch tăng điểm. Đây được xem là tuần giao dịch thành công nhất của chỉ số này kể từ trung tuần Tháng Sáu.

A. KINH TẾ TÀI CHÍNH Kinh tế, tài chính thế giới Những tín hiệu lạc quan trong thời gian qua cho thấy kinh tế thế giới đã qua thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc suy thoái được xem là nặng nề nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1930. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục dự báo chỉ ở mức yếu. Kinh tế Mỹ Những chỉ số kinh tế được công bố trong tuần thể hiện nhiều tín hiệu lạc quan. Leading indicators (tổng hợp 10 chỉ số có vai trò quan trọng nhất đối với nền kinh tế) của Mỹ đã có tháng tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Chỉ báo Leading indicators của kinh tế Mỹ trong Tháng Sáu đã tăng 0.7%, cao hơn mức dự báo 0.5% của giới phân tích. Kết quả này được tổng hợp từ sự ổn định, và tăng trưởng của các chỉ số thành phần. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng chậm lại. Trong tuần rồi, số người nộp xin trợ cấp thất nghiệp là 554,000 người, thấp hơn so với dự báo. Chỉ số giá nhà đất trong Tháng Năm cũng tăng ngoài dự báo, với mức tăng 0.9% so với tháng trước. Ngoài ra, thị trường nhà đất còn đón nhận thông tin lạc quan khác, đó là sự gia tăng vượt bậc của các doanh số bán nhà cũ. Tháng Sáu, doanh số bán nhà cũ đạt mức 4.89 triệu đơn vị, tăng 120,000 đơn vị, tương ứng với mức tăng 3.6% về mặt giá trị so với tháng trước. Bên cạnh những chỉ số cơ bản của nền kinh tế, sự lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ được cổ vũ bởi những thông tin tích cực vượt mong đợi từ các báo cáo kết quả kinh doanh trong quý II của nhiều doanh nghiệp lớn. Điều này thể hiện rằng tình hình kinh tế nước Mỹ, cũng như thế giới đã có nhiều cải thiện, hỗ trợ cho công việc kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi. Theo dự báo của Conference Board, kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm 2009 có thể đạt mức tăng trưởng 0.5%, còn con số này theo khảo sát của Bloomberg là ở mức 1.5%. Kinh tế châu Âu Những thông tin về nền kinh tế châu Âu trong tuần vừa qua cho thấy triển vọng kinh tế Lục địa già sẽ không phục hồi nhanh như kỳ vọng. Trong Tháng Năm, số đơn đặt hàng mới của ngành công nghiệp giảm 0.2% so với tháng 4, mức giảm thấp hơn con số của tháng trước (1%). Trước đó, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng rằng chỉ số này sẽ tăng ở mức 1.9%. Niềm tin vào triển vọng kinh doanh ở các nước châu Âu gia tăng. Trong Tháng Bảy, chỉ số này với kinh tế Đức là 86.5 điểm (so với mức 85.9 của Tháng Sáu), với Pháp là 78 điểm (so với mức 75 điểm Tháng Sáu). Nhiều khả năng, kinh tế Đức trong quý này tăng trưởng trở lại khi cầu của thế giới phục hồi, và chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định tiếp tục duy trì lãi suất qua đêm ở mức 1%, mức kỷ lục thấp trong nhiều năm qua. Chính sách này sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi kinh tế khu vực. Kinh tế châu Á Kinh tế Nhật Bản vẫn thể hiện sự hồi phục khi giá trị xuất khẩu trong Tháng Sáu tăng 14.4%, thặng dư thương mại tăng 70.3% so với tháng trước. Tuy nhiên, những con số này đều thấp hơn so với kỳ vọng trước đó. Điều này cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế của Nhật vẫn còn khá chậm chạp. Trong tuần này, thông tin lạc quan đến từ một nền kinh tế lớn khác của châu Á, Hàn Quốc. Theo công bố của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, GDP quý II của nước này đã tăng 2.3% so với quý I. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua. Thị trường vàng, dầu thô Trong tuần, những tín hiệu lạc quan của kinh tế thế giới, cùng với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán khiến cho giá vàng không duy trì được đà tăng mạnh của tuần trước. Hiện giá vàng đang ở mức khoảng 950 USD/oz. Trong khi đó, triển vọng lạc quan của kinh tế là lực đẩy giá dầu tăng trong tuần rồi. Hiên giá dầu thô biển Bắc giao Tháng Tám đang ở mức 68.9 USD/thùng. Thị trường chứng khoán Chứng khoán thế giới có một tuần giao dịch khởi sắc, được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực từ kinh tế, và đặc biệt là kết quả kinh doanh tốt ngoài dự báo của các nhiều doanh nghiệp Mỹ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones vượt qua mốc 9,000 điểm - mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua, tăng 37% sơ với mức giá thấp nhất 6,626.94 điểm được thiết lập vào ngày 06/03/2009. Kinh tế tài chính trong nước Theo thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong Tháng Bảy vừa qua, đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có dấu hiệu được kìm hãm khi chỉ đạt 0.52% so với Tháng Sáu trước đó. Như vậy, CPI trong Tháng Bảy đã phá vỡ xu hướng đi lên liên tiếp của chỉ sô này 3 tháng trước đó (Tháng Tư tăng 0.35%, Tháng Năm tăng 0,44% và Tháng Sáu tăng 0.55%). Tính tích lũy từ đầu năm 2009 đến nay, CPI của nước ta mới chỉ gia tăng 3.22%. Điểm nhấn đáng chú ý trong diễn biến giá cả tháng vừa qua là mặc dù giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối ổn định (CPI lương thực giảm 0.78%; thực phẩm tăng 0.06%), thì giá cả dịch vụ ăn uống ngoài gia đình lại tăng mạnh tới 1.16% do cả nước đang bước vào mùa tuyển sinh Đại học. Bên cạnh đó động thái điều chỉnh tăng giá xăng trong thời gian qua cũng đã đóng góp 0.2% vào mức gia tăng CPI. Liên quan đến tính CPI, kể từ tháng 10/2009 rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam tăng thêm 70 mặt hàng lên 564 mặt hàng. Sự bổ sung thêm một số mặt hàng vào rổ hàng hóa tính CPI là một sự cần thiết để CPI phản ánh đúng hơn lạm phát trong nền kinh tế. Cũng trong tuần qua, báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục và đạt được tăng trưởng 6.5% trong năm 2010. ADB đánh giá rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ hồi phục cao trong khu vực. Liên quan đến việc xuất hiện luồng thông tin cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phát hành tín phiếu bắt buộc để rút bớt tiền trong lưu thông, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ NHNN, đã khẳng định luồng thông tin trên chỉ là tin đồn. Ông Bảo còn cho biết: “Định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là linh hoạt và có định hướng trong từng thời kỳ. Các chính sách mới, điều chỉnh mới đều được triển khai một cách công khai, minh bạch, tạo sự chủ động thông tin cho thị trường”. Theo nhận định của chúng tôi, luồng thông tin sai lệch trên nhiều khả năng xuất phát từ động thái của NHNN về việc sẽ tăng cường kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm, với mức tăng trưởng dự kiến năm 2009 được hạ xuống khoảng 25% - 27% thay cho dự tính khoảng 30% đưa ra trước đó. Theo đó, dường như giới đầu tư đã quan ngại quá mức về khả năng NHNN lựa chọn giải pháp phát hành tín phiếu bắt buộc làm sự lựa chọn hàng đầu. Về chính sách Nhà ở xã hội, trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh một số cơ chế, chính sách theo hướng phù hợp với thực tiễn hiện tại. Theo đó, Thủ tướng quyết định giảm 50% mức thuế suất VAT (từ 22/7 đến hết 31/12/2009) đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở phục vụ cho học sinh, sinh viên, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, và nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Đồng thời, Thủ tướng cũng quyết định sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở cho các đối tượng trên. B. Thị trường chứng khoán Việt Nam: Kết thúc tuần giao dịch qua, chỉ số VN-Index có bước đột phá khi “nhảy” từ 428.67 điểm lên 454.71 điểm, tăng mạnh 26.04 điểm (+6.07%) với 4 trong 5 phiên giao dịch tăng điểm. Đây được xem là tuần giao dịch thành công nhất của chỉ số này kể từ trung tuần Tháng Sáu. Trong ngày giao dịch đầu tuần, VN-Index tụt sâu xuống mức 412.88 điểm mở ra mối quan ngại lớn lao về khả năng chỉ số này sẽ xuyên thủng vùng hỗ trợ 400-410 điểm để lùi về mức 366-370 điểm. Các tín hiệu kỹ thuật lẫn cơ bản đều cảnh báo nguy cơ trước một đợt sóng giảm lớn nếu VN-Index không trụ nổi trong ngày giao dịch kế tiếp. Tuy nhiên, những cảnh báo không trở thành hiện thực. Thông tin đầu tuần từ Conference Board công bố các chỉ báo kinh tế hàng đầu Mỹ lạc quan cho thấy suy thoái Mỹ đã đến hồi kết. Bên cạnh đó, giá dầu tăng vọt (lên khoảng 70 USD) nhờ Trung Quốc đẩy sản lượng lọc dầu lên mức kỷ lục 16 tháng càng khẳng định sự hồi phục kinh tế ngày một rõ ràng hơn. Giá chứng khoán toàn cầu từ Mỹ đến châu Á đều tăng điểm mạnh trong ngày Thứ Hai đã cản dòng bán của nhà đầu tư trong nước sáng Thứ Ba. Điều này trở thành bước đệm cho sự hồi phục ngoạn mục của chứng khoán Việt Nam các phiên sau đó khi bên bán luôn trong cảnh quan sát và cầm chừng đầu giờ, đuối thế vào cuối giờ. Các phiên giao dịch từ Thứ Ba đến Thứ Năm đều có chung kịch bản khi đà tăng của VN-Index ngày một mạnh dần trong từng giờ và qua từng phiên giao dịch. Đến phiên cuối tuần chỉ số này lập kỷ lục tăng điểm của 1 tháng rưỡi qua (kể từ ngày 8/6) khi bứt phá tăng đến 20.51 điểm và vượt qua mốc tâm lý 450 điểm khá dễ dàng. Trong phiên Thứ Sáu, sàn TPHCM ghi nhận con số thống kê đáng ngạc nhiên với toàn bộ 166 mã chứng khoán niêm yết đều đồng loạt tăng giá, trong đó ngoài DCL và SAV không tăng trần, 164 mã còn lại đều đóng cửa ở giá cao nhất có thể. Phiên cuối tuần với trạng thái sốt giá đồng loạt khẳng định xu hướng tăng ngắn hạn đang trở lại và xem như “chốt” trước tâm lý cho mở đầu tuần sau. Các mã ngành tài chính như STB, VCB, CTG, SSI, BVH… đều tăng trần với dư mua nhiều triệu cổ phiếu mỗi loại và hầu như không có người bán trong suốt nửa giờ giao dịch cuối trước khi đóng cửa tuần. Trạng thái khan hàng bất ngờ có thể trở thành “đề tài” mới dù trong tuần trước nhiều người vẫn còn để ngỏ câu hỏi “tiền đã đi đâu?”. Đáng chú ý, cổ phiếu CTG của Vietinbank vừa lên sàn ngày 16/7 sau khi rớt giá liền 3 phiên đã hưởng lợi đáng kể từ xu hướng tăng của thị trường khi tăng giá liên tiếp 3 ngày để trở lại giá 38,900 đồng/cp, gần sát mức giá ngày chào sàn của mã này. CTG dư mua gần 1.2 triệu đơn vị ở giá trần trong phiên cuối tuần. Thống kê trong 5 phiên giao dịch tuần qua, Sở GDCK TPHCM báo cáo có gần 115.86 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, 5.1 triệu cổ phiếu thỏa thuận giúp tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt xấp xỉ 4.400 tỷ đồng, bình quân 880 tỷ đồng mỗi phiên. Giao dịch chứng chỉ quỹ ghi nhận có tất cả 9.19 triệu chứng chỉ được chuyển nhượng, đạt giá trị giao dịch khoảng 93.22 tỷ đồng. Tại Sở GDCK Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng tăng mạnh từ 144.17 điểm cuối tuần trước lên mức 154.62 điểm khi đóng cửa sáng nay. Mức tăng 10.45 điểm (+7.25%) được đóng góp chính trong 2 phiên tăng nóng cuối tuần dù 3 phiên đầu tuần HNX “lình xình” 1 tăng 2 giảm với mức biến động dưới 2 điểm mỗi phiên. Quan sát trên đồ thị kỹ thuật của VN-Index và HNX-Index, chúng tôi cũng cho rằng thị trường đã đảo chiều và bắt đầu thể hiện tín hiệu tăng khá mạnh trong ngắn hạn khi đường MACD (26,12) cắt đường EXP (9) dưới mức 0. Đường chỉ số cũng lần đầu tiên kể từ ngày 15/6 tăng qua mức trung bình 10 phiên mà không bị “dội ngược” trở lại cũng như đang tiếp cận biên trên của dải bollinger. Các doanh nghiệp niêm yết ồ ạt công bố báo cáo tài chính và hơn 50% trong số đó cho biết mức lãi quý 2 tăng trường vượt bậc so 3 tháng đầu năm. Thông tin tốt từ trong và ngoài nước đều đang khá tích cực, một xu hướng tăng mạnh sẽ xuất hiện trong tuần tới? “Tôi cho rằng VN-Index có thể lên được đến 480 điểm trước khi đánh giá lại”, nhà nghiên cứu độc lập Lê Đạt Chí thận trong khi cho biết về khả năng lên điểm của thị trường sắp tới.

Nguồn VietStock: http://www.vietstock.com.vn/tianyon/index.aspx?articleid=123608&channelid=36