Tự ý sửa đổi báo cáo mật, nguyên Chủ tịch huyện Hóc Môn bị cảnh cáo Phóng to Nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Tuấn Tài. Ảnh: VnExpress.

Trong thời gian giữ chức Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, ông Lê Tuấn Tài đã tự ý sửa đổi báo cáo đã được Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua và để xảy ra nhiều sai phạm khác.

Tin tức trên báo Dân trí cho biết, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM vừa có thông tin về việc kỷ luật cảnh cáo ông Lê Tuấn Tài - Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn vì đã ký phê duyệt nhiều phương án mặt bằng – thiết kế hạ tầng kỹ thuật không đúng quy định.

Ông Tài còn chậm trễ xử lý vi phạm xây dựng không phép, sai phép; chưa xử lý dứt điểm một số vụ việc sai phạm mà đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh. Đặc biệt, vị Phó Bí thư Huyện ủy còn tự ý sửa đổi, bổ sung báo cáo đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn thông qua.

Ngay sau khi sự việc được phát hiện, ông Tài đã nghiêm túc tự phê bình, nhận thấy trách nhiệm, khuyết điểm và sai phạm của bản thân trong quá trình lãnh đạo, điều hành. Do đó, cơ quan này thống nhất hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Tài và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bố trí công tác khác.

Nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Tuấn Tài. Ảnh: VnExpress.

Báo VnExpress đưa tin, với sai phạm tương tự, ông Lý Hiếu Thanh - Phó Chủ tịch HĐND, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cũng bị khiển trách.

Ngoài ra, do không tham mưu UBND huyện kế hoạch thực hiện quyết định của UBND thành phố về diện tích tối thiểu tách thửa và quy trình chung giải quyết hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên - Môi trường; tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa chưa đúng quy định, ông Hà Minh Dương, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hóc Môn cũng bị kỷ luật khiển trách.

Qua đề xuất xử lý của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã xem xét, quyết định kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Hà Ngọc Hùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hóc Môn.

Ông Hùng là người tham mưu cho UBND huyện ký phê duyệt nhiều phương án tổng mặt bằng - thiết kế hạ tầng kỹ thuật không đúng quy định; xử lý vi phạm xây dựng không phép, sai phép còn chậm; chưa xử lý dứt điểm một số vụ việc sai phạm mà đơn tố cáo, báo chí phản ánh.

Trước đó, vào ngày 5/7, tại kỳ họp thứ nhất HĐND huyện Hóc Môn nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Lê Tuấn Tài trúng cử đại biểu HĐND huyện nhưng không được giới thiệu để HĐND huyện bầu giữ chức danh Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn.

Điều 266 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)

b, Dấu hiệu pháp lý

- Khách thể: tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, xâm phạm đến hoạt động bình thường và uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức. Ngoài ra, hành vi phạm tội còn xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức hoặc công dân.

+ Đối tượng phạm tội ở đây là hộ chiếu, thị thực (visa), hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức (giấy chứng nhận đăng ký xe, đăng ký kết hôn, giấy chứng minh, thẻ thương binh, khai sinh, bằng lái…).

- Mặt khách quan:

Người phạm tội có các hành vi như:

+ Sửa chữa nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật.

+ Làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật.

Hành vi sửa chữa, làm sai lệch các giấy tờ trên, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như; Tẩy xóa, viết thêm hoặc bằng những thủ đoạn khác công nghệ cao như dùng hóa chất để tẩy xóa hoặc viết lại, in lại khác với nội dung ban đầu.

Dùng giấy tờ đã bị sửa chữa, làm sai lệch để thực hiện hành vi trái pháp luật là sử dụng giấy tờ bị sửa chữa, làm sai lệch vào mục đích phi pháp như: dùng hộ chiếu đã bị sửa chữa để xuất cảnh trái phép, dùng giấy khai sinh bị sửa chữa để không phải nhập ngũ, dùng giấy chứng nhận hải quan đã bị sửa chữa để tiêu thụ hàng nhập lậu,…

Chỉ cần người phạm tội có một trong hai hành vi là “sửa chữa” hoặc “làm sai lệch” nội dung các đối tượng trên thì đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi của tội phạm này. Nội dung “sửa chữa” hoặc “làm sai lệch” là bất kỳ nội dung nào có trong các đối tượng đã nêu. Tuy nhiên, hành vi “sửa chữa” hoặc “làm sai lệch” này chỉ cấu thành tội phạm khi người phạm tội sau khi “sửa chữa” hoặc “làm sai lệch” đã sử dụng giấy tờ đó để thực hiện hành vi trái pháp luật và gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Mặt chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích của hành vi sửa chữa là để sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật mới cấu thành tội phạm.

- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Nếu hành vi này được thực hiện bởi người có thẩm quyền quản lý hoặc cấp các loại giấy tờ đó thì cấu thành tội giả mạo trong công tác.

b. Hình phạt

1. Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

BẢO KHÁNH (Tổng hợp)

Xem thêm video:

Nguồn: tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/tu-y-sua-doi-bao-cao-mat-nguyen-chu-tich-huyen-hoc-mon-bi-canh-cao-a169601.html