Từ vụ thầy bói lừa 'cắt vía âm' chiếm đoạt 1,6 tỷ đồng: Hệ lụy đáng buồn từ những niềm tin mù quáng

Lo sợ, tin tưởng vào những lời Soa nói rằng phải 'cắt vía âm' để tránh khỏi tai ương, chị Q. đã nhiều lần chuyển khoản với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng để làm lễ giải hạn.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đang tạm giữ Trần Thị Soa (SN 1985, trú tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cơ quan chức năng, từ năm 2017 đến nay, Soa hành nghề bói toán nên nhiều người tìm đến xem, làm lễ cúng giải hạn, trong đó có chị T.T.Q. (trú tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An). Đến tháng 5/2023, do vướng nợ nần nên Soa đã lợi dụng niềm tin vào bói toán của chị Q. để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nghĩ là làm, Soa dọa mẹ con chị Q. phải đặt tiền làm lễ, cắt vía âm, đổi vía dương nếu không sẽ gặp tai họa. Do lo sợ và tin tưởng mù quáng vào những lời Soa nói, chị Q. đã chuyển khoản 1,6 tỷ đồng. Khi có tiền trong tay, đối tượng dùng đầu tư chứng khoán nhưng tiếp tục thua lỗ, mất trắng.

Đối tượng Trần Thị Soa tại cơ quan công an

Khi biết mình bị lừa, chị Q. đã tới cơ quan công an trình báo vụ việc. Nhận được tin báo, cơ quan công an đã tiến hành thu thập chứng cứ, bắt giữ Trần Thị Soa. Tại cơ quan điều tra, bước đầu Soa thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Công an Nghệ An thông báo, những ai bị Nguyễn Thị Soa lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì nhanh chóng liên hệ với Phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh này để phối hợp, giải quyết.

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Ts. Ls. Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Hành vi bói toán nhảm nhí như "cắt vía âm", "di cung hoán số"... để nhận tiền của người nhẹ dạ cả tin rồi chiếm đoạt là hành vi diễn ra khá nhiều trong đời sống xã hội.

Pháp luật Việt Nam cho phép mọi công dân được quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Tuy nhiên hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải trong khuôn khổ pháp luật. Luật tín ngưỡng tôn giáo quy định: Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

Bên cạnh các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo hợp pháp thì trong xã hội vẫn xuất hiện những hiện tượng mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi. Nhiều đối tượng thực hiện các hoạt động bói toán, đồng cốt để tuyên truyền những điều nhảm nhí khiến cho nhiều người mê tín, dị đoan lâm vào tình trạng hoang mang, lo sợ, đó là thời cơ để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bởi vậy, các hành vi tuyên truyền những thông tin nhảm nhí, hoang đường, không có trong giáo lý giáo luật của các tôn giáo và không phù hợp với tín ngưỡng của người Việt Nam thì đó là hành vi mê tín dị đoan.

Ts.Ls Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm về vụ việc

Trong vụ việc trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn lừa đảo của đối tượng này. Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối có tính chất mê tín dị đoan để nạn nhân tin tưởng đưa tiền rồi sau đó chiếm đoạt tiền thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên thì đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự.

Cũng theo ông Cường, để giảm thiểu những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mê tín dị đoan thì cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức văn hóa để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Kịp thời phát hiện ra những đối tượng thực hiện hoạt động mê tín dị đoan để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật .

Trải lòng của người mẹ trong vụ Tina Dương lừa đảo hàng chục tỷ đồng

Chi Lê

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tu-vu-thay-boi-lua-cat-via-am-chiem-doat-16-ty-dong-he-luy-dang-buon-tu-nhung-niem-tin-mu-quang-172231104162642779.htm