Từ việc kiểm tra người lái xe không đội mũ bảo hiểm…

Thời gian qua, số vụ không chấp hành, chống người thi hành công vụ có chiều hướng tăng cả về số vụ và mức độ, tính chất vi phạm.

CSGT tỉnh Tuyên Quang lập biên bản xử lý với lái xe Lâm Hữu L do phớt lờ việc ra tín hiệu của đoàn xe ưu tiên. Ảnh: Cục CSGT

Tòa án Nhân dân (TAND) quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh Văn Tuấn, SN 2002, quê Nam Định, về tội “Cố ý gây thương tích”. Cáo trạng thể hiện, tối 13/4/2022, Đinh Văn Tuấn cùng với N.V.C, quê Nam Định, rủ nhau đi uống rượu. Đến khoảng 21h45 cùng ngày sau khi uống rượu xong, Tuấn điều khiển xe mô tô chở C di chuyển trên đường Hoàng Quốc Việt theo hướng từ Hoàng Quốc Việt ra đường Phạm Văn Đồng.

Khi đi đến khu vực số nhà 252 đường Hoàng Quốc Việt thuộc phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, do Tuấn và C không đội mũ bảo hiểm nên Đại úy Hoàng Minh Hiếu, cán bộ Đội CSGT số 7, Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội, thuộc Tổ công tác Y7/141 CATP Hà Nội, đang làm nhiệm vụ tại đó đã ra tín hiệu yêu cầu Tuấn dừng xe.

Tuy nhiên Tuấn đã không chấp hành hiệu lệnh mà tiếp tục tăng ga bỏ chạy, lạng lách và đâm trực tiếp khiến Đại úy Hoàng Minh Hiếu gãy chân đồng thời Tuấn và C cùng ngã ra đường. Sau đó, tổ công tác đã tiến hành bắt giữ Tuấn đưa về trụ sở để làm việc.

Cơ quan CA tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của Đinh Văn Tuấn xác định nồng độ là 0,595mg/l. Do đó, CA quận Bắc Từ Liêm đã khởi tố Đinh Văn Tuấn về hành vi chống người thi hành công vụ. Hành vi điều khiển xe máy bỏ chạy gây thương tích cho Đại úy Hoàng Minh Hiếu với tỉ lệ thương tích là 28% của bị can Đinh Văn Tuấn đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích quy định”, khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Tại tòa, Đinh Văn Tuấn đã khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của bản thân, lời khai của bị can phù hợp khách quan với lời khai của người bị hại và các tài liệu chứng cứ khác thu thập được trong quá trình điều tra. Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe của công dân, do vậy cần phải cách ly bị cáo ra khỏi cộng đồng để giáo dục phòng ngừa. TAND quận Bắc Từ Liêm đã tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Tuấn 42 tháng tù; bồi thường cho Đại úy Hoàng Minh Hiếu số tiền hơn 90 triệu đồng.

Theo Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 vừa được Chính phủ gửi Quốc hội, tình trạng không chấp hành luật giao thông, chống lại cảnh sát giao thông đang thi hành nhiệm vụ xảy ra nhiều, làm 1 chiến sĩ hy sinh, 21 người bị thương, 44 đối tượng bị bắt giữ liên quan hành vi này.So với cùng kỳ năm 2022, số vụ chống người thi hành công vụ tăng 23 vụ (tăng 109%). Trong đó, có 19 vụ người vi phạm có sử dụng rượu, bia (chiếm 43,18%).

Bàn về tội “Chống người thi hành công vụ”, luật sư Phạm Đắc Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong đó, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội. (Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP)

Trong trường hợp, hành vi chống người thi hành công vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Cụ thể tại Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội “Chống người thi hành công vụ”: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm”.

Chế tài đã rất rõ ràng nhưng thực tế, tỷ lệ điều tra, truy tố các vụ chống người thi hành công vụ vẫn chưa cao. Luật sư Phạm Đắc Hải cho rằng, cần trao thêm quyền cho CSGT khi làm nhiệm vụ để chủ động xử lý những trường hợp người vi phạm quá khích, tấn công CSGT. Có thể cho phép CSGT được sử dụng các công cụ hỗ trợ để trấn áp, phòng vệ và không chế đối tượng vi phạm. Khi thực hiện nhiệm vụ, CSGT phải có sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác như Cảnh sát 113, CA khu vực, CA xã, phường, thị trấn,…

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tu-viec-kiem-tra-nguoi-lai-xe-khong-doi-mu-bao-hiem-358468.html