Từ việc ĐH KTQD tăng học phí đột ngột: Đừng coi Đại học là một món hàng!

Hunter Rawlings, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học Hoa Kỳ và là cựu hiệu trưởng trường Cornell danh tiếng, phản đối quan điểm coi giáo dục như một món hàng. Ông cho rằng nỗ lực của sinh viên mới làm nên giá trị của giáo dục. Nhân việc Đại học Kinh tế quốc dân gây tranh cãi với mức tăng học phí đột ngột, Vntinnhanh xin giới thiệu bài viết này để rộng đường dư luận.

Ông Hunter Rawlings. (Ảnh: AAU)

Các bài báo về giáo dục bây giờ chủ yếu nói về kinh tế: Nó tốn nhiều tiền quá, gây ra quá nhiều nợ, có đáng không,... Những đánh giá về giá trị của trường đại học kiểu như vậy thật ngây thơ hoặc tệ hơn, rất sai lầm.

Đầu tiên, hầu hết mọi người hiện nay đánh giá trường đại học bằng các khái niệm kinh tế thuần túy, coi trường học như một chiếc ô tô hay ngôi nhà. Một người Anh sau khi tốt nghiệp trường X 18 tháng trung bình kiếm được bao nhiêu? Cựu sinh viên trường Y trung bình nợ bao nhiêu? Để vào trường Z tốn bao nhiêu và có đáng không? Một người tốt nghiệp đại học kiếm nhiều hơn người chỉ hết cấp 3 bao nhiêu tiền? (Nếu tính cả đời, con số hiện nay là khoảng 1 triệu USD).

Từ góc nhìn kinh tế, những câu hỏi như trên bắt nguồn từ một giả định sai lầm. Nếu coi trường học như một hàng hóa đắt tiền, chúng ta ít nhất nên hiểu bản chất kinh tế của nó. Không như một chiếc xe, trường đại học đòi hỏi “người mua” phải thực hiện phần lớn công việc mới khai thác hết giá trị. Giá trị của tấm bằng phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của sinh viên chứ không phải chương trình học.

Tôi đã gặp nhiều sinh viên thu hoạch được lượng kiến thức đáng nể từ các trường trung bình và ngược lại, gặp những sinh viên chả học được gì ở các trường danh tiếng. Tôi cũng từng dạy cho những sinh viên học ngày học đêm và cả những người không học chữ nào. Tôi nghĩ mình đã cố hết sức cho sinh viên nhưng vai trò của tôi chỉ đến vậy thôi, không quyết định được sinh viên thu hoạch được gì từ khóa học.

Một giảng viên Đại học KTQD vừa có bài viết chia sẻ quan điểm "Học đại học là hàng hóa" sau khi trường này tăng học phí "sốc"

Bởi thế, nếu coi trường đại học là hàng hóa, nó không phải là chiếc xe. Những khóa học sinh viên đăng ký (và cả không đăng ký), lượng thời gian họ dành cho việc học, óc tò mò, mức độ chuyên cần, sự tập trung, tất cả những điều đó đóng góp vào “đầu ra” của họ chứ không phải chương trình học. Nhưng hầu hết các thảo luận về đào tạo đại học hiện nay cứ coi sinh viên lấy một tấm bằng cử nhân đơn giản như một người vào cửa hàng Best Buy, đưa tiền và mang cái tivi về.

Những suy nghĩ kiểu như vậy thật sự rất nguy hiểm. Các lãnh đạo, nhà lập pháp cũng như giới truyền thông coi trường đại học như người cung cấp hàng hóa, sinh viên như khách hàng và bằng cấp như sản phẩm. Sinh viên biết suy nghĩ này.

Nếu nhà trường chú trọng vào kết quả đầu ra, sinh viên cảm thấy hứng thú hơn với các lớp học “vui vẻ”, không bắt ép họ nhiều quá, không đòi hỏi điểm cao hay nói chung, không thử thách họ nhiều hoặc khiến họ thấy mệt mỏi. Do đó, các trường đại học thường chiều các yêu cầu kể cả quá đáng của “thượng đế” về cảnh báo nguy hiểm, về “phòng an toàn”, và hủy luôn cả việc mời các nhân vật tiếng tăm đến phát biểu.

Khi đánh giá các trường đại học, từ hiệu trưởng tới các tạp chí, đều nhấn mạnh việc đo lường tỷ lệ tốt nghiệp, thời gian tốt nghiệp mặc dù những con số này hoàn toàn phụ thuộc vào trường học chứ không phải sinh viên.

Sinh viên biểu tình phản đối tăng học phí ở Anh. (Ảnh: Student Situation)

Có một truyện hài rằng một hiệu trưởng nói với các sinh viên mới mỗi năm: “Cho những ai đến đây chỉ để lấy mảnh bằng, chúc mừng, tôi có tin tốt cho các em đây. Tôi sẽ đưa các em bằng và các em có thể về nhà luôn. Còn cho những người đến đây để được giáo dục thật sự, chào mừng đến với bốn năm học hỏi tuyệt vời ở ngôi trường này”.

Thế nên, phải coi trường đại học không phải một món hàng. Đó là một sự tham gia đầy thách thức mà ở đó, các bên phải đóng những vai trò tích cực và đôi khi hơi mạo hiểm để khai thác hết tiềm năng. Giáo sư phải là người truyền cảm hứng, thúc đẩy, thậm chí khiến sinh viên “phát điên”, phải tạo được một môi trường hấp dẫn kích thích việc học diễn ra.

Những điều này đọc sách, xem phim hay lướt web không thể làm được. Giáo viên giỏi biết cách “cung cấp oxy” cho lớp học. Nói như cựu hiệu trưởng trường Emory Bill Chace: họ không đơn giản cung cấp đáp án hay bằng chứng. Và thêm nữa, một trường đại học tốt giúp sinh viên tốt nghiệp đúng thời gian.

Nhưng sinh viên cũng cần phải cam kết đóng góp vào thử thách này. Họ không chỉ nợ giảng viên mà còn cả bố mẹ và bản thân. Sau tất cả, quyết định học đại học là một quyết định đầu tư cho tương lai, một sự đầu tư bằng tiền bạc và thời gian. Và với rất nhiều người, giáo dục đại học tốn kém. Sinh viên phải đóng vai trò chính để đảm bảo rằng tiền bạc đã được đầu tư hiệu quả.

Học đại học là một quyết định đầu tư cho tương lai, một sự đầu tư bằng tiền bạc và thời gian. (Ảnh: Telegraph)

Sinh viên cũng cần phải dấn thân vào các nhiệm vụ cần sử dụng trí tuệ của họ, thường là khó hơn nhiều so với mọi người nghĩ. Để viết một luận điểm có ý nghĩa, thuyết phục đòi hỏi phải một tư duy vững chắc và cách hành văn rõ ràng, có sức lôi cuốn. Để nghiên cứu bất kỳ chủ đề phức tạp nào cần phải định hình được những câu hỏi tốt, kiểm tra rất nhiều bằng chứng, phân tích dữ liệu và trình bày kết quả một cách xúc tích hoặc theo một mẫu khoa học nào đó.

Với nhiều sinh viên, bị yêu cầu phải thể hiện tư duy phản biện trước lớp là một thử thách mới, thường không mấy dễ chịu. Tôi vẫn nhớ cảm giác mình phải đọc một bài luận trước các bạn cùng lớp và giảng viên. Đó là một thảm họa vì chỉ sau 4-5 câu, tôi đã nhận ra cả lớp chẳng muốn nghe nữa. Nhưng cũng nhờ “thảm họa” này, tôi học được cách viết hiệu quả hơn 18 năm trước đó [chỉ thời gian học phổ thông].

Giá trị sau cùng của một trường đại học là sự khám phá mà bạn có thể sử dụng suy nghĩ của mình để đưa ra những lập luận hoặc thậm chí đóng góp riêng vào tri thức như cách nhiều sinh viên theo đuổi nghiên cứu khoa học ở trường. Đó cũng là một cảm giác mới, nhưng lần này rất tích cực. Nhìn chung, nó sẽ dẫn đến thu nhập cao hơn sau này nhưng chính bản thân sự khai phá mới quan trọng bởi nó làm cuộc sống thay đổi.

Để tạo nên, cái mà hầu hết chúng ta, gọi là “cảm giác mới” đó, bạn cần một giảng viên biết cách khơi gợi và một sinh viên không suốt ngày ngủ. Trường học có trách nhiệm đưa sinh viên vào một môi trường chính quy và trách nhiệm của sinh viên là tận dụng những cơ hội đó. Sự giáo dục nguyên gốc không phải là một hàng hóa mà đó là sự đánh thức một con người.

Đại An (lược dịch)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/tu-viec-dh-ktqd-tang-hoc-phi-dot-ngot-dung-coi-dai-hoc-la-mot-mon-hang-112072