TƯ VẤN PHÁP LUẬT:Bị sa thải nếu tự ý bỏ việc 5 ngày/tháng

Bà Ngô Thị Yến Nhi (trú H. Núi Thành, Quảng Nam), hỏi: Vừa qua, vì công việc đột xuất nên tôi đã gửi đơn xin nghỉ phép 8 ngày (từ 27-10 đến 3-11-2016), trong đó có 1 ngày nghỉ Chủ nhật. Khi đi làm lại, Phòng Nhân sự đã mời tôi lên làm việc và cho rằng tôi nghỉ khi chưa được lãnh đạo chấp nhận đơn và tự ý bỏ việc quá 5 ngày/tháng nên sẽ bị sa thải. Tôi muốn biết tôi đã có đơn xin nghỉ thì có được coi là tự ý nghỉ việc không và tôi nghỉ 4 ngày trong tháng 10 và 3 ngày trong tháng 11 thì có phải là nghỉ quá 5 ngày/tháng?

Ths. luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải trong những trường hợp: “Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng”. Tự ý bỏ việc được hiểu là nghỉ việc khi chưa có sự đồng ý của người có thẩm quyền và lý do chính đáng là các trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động của công ty. Để hiểu rõ 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng và 20 ngày cộng dồn trong 1 năm thế nào, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã hướng dẫn: “Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng”.

Chuyên mục này có sự hợp tác
của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng
Điện thoại tư vấn: 0905102425

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_157682_bi-sa-tha-i-ne-u-tu-y-bo-vie-c-5-nga-y-tha-ng.aspx