Tư vấn đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tư vấn đổi mới công nghệ, xử lý thân thiện với môi trường để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Ngày 21/7, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KHCN) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ đổi mới sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (ASEIC - thuộc Diễn đàn hợp tác Á – Âu) đã tổ chức hội thảo "Tư vấn đổi mới sinh thái cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam". Đây là hoạt động nhằm khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Theo ASEIC, đổi mới sinh thái là giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tác động trực tiếp đến bảo vệ môi trường, khả năng tăng trưởng và trở thành đòn bẩy phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, dự án được thực hiện trong các lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm và sản xuất cấu kiện từ thép tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Bà Yoon Ji Kang, Chuyên gia của ASEIC cho biết, “thông qua các hoạt động của mình, chúng tôi hy vọng sẽ khuyến khích doanh nghiệp đưa yếu tố đổi mới vào các chiến lược kinh doanh. Từ đó, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách sử dụng và phổ biến phương pháp quản lý bền vững, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm và huy động thêm một số nguồn tài chính nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tốt hơn trong công nghệ để đổi mới sinh thái”.

Đổi mới công nghệ là vấn đề sống còn của doanh nghiệp

Tại hội thảo, BTC cũng giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp cách tiếp cận về đổi mới sinh thái, xu thế và các hoạt động đổi mới sinh thái hiện nay. Đồng thời, thực hiện tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng, nguyên liệu và tài nguyên một cách hiệu quả nhất và tối ưu nhất; cải tiến để tối ưu hóa quy trình sản xuất; xây dựng chiến lược phát triển bền vững, thân thiện với môi trường; chiến lược marketing xanh.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM rằng, “nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn tâm lý sợ việc đầu tư cho công nghệ xử lý môi trường sẽ gây tốn chi phí, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Nhưng đây là quan niệm sai lầm, bởi thực tế khi đầu tư cho công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí môi trường và hạn chế các chi phí phát sinh trong sản xuất”.

Chính vì thế, ông Tuấn cho rằng, dự án cần tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp thu tinh thần, đổi mới theo hướng bền vững ở tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp dệt may, cơ khí, chế biến thực phẩm... Từ đó, hướng tới một nền sản xuất công nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường.

Thiện An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tu-van-doi-moi-cong-nghe-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-c7a428586.html