Tư vấn bệnh chàm khô

* PN - Tôi năm nay 27 tuổi, vừa sinh em bé được sáu tháng; da đầu ngón tay, ngón chân bị khô, bong tróc rất khó chịu, đôi khi còn chảy máu rất đau. Tôi đã đi khám nhiều nơi, uống thuốc và bôi rất nhiều loại kem dưỡng ẩm nhưng tình trạng không cải thiện. Nhờ BS tư vấn giúp. Nguyễn Thị Tuyết Quyên (260/32 Lê Quang Định, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Trả lời: - Bạn đang bị bệnh chàm khô. Bạn cần phải chăm sóc da tại chỗ bằng cách hạn chế tối đa các tác nhân làm khô da: hạn chế tiếp xúc với nước, với các chất tẩy rửa, xà bông, nước rửa chén. Khi làm việc nhà hoặc làm bếp, cần phải mang bao tay bằng ni lông. Sau đó mới đeo găng tay bằng cao su bên ngoài. Vì cao su, simili là những tác nhân có thể gây ra bệnh chàm khô. Giữ ẩm da vùng tổn thương bằng cách bôi các chất giữ ẩm như vaseline, urea… Khi tổn thương da nhiều sẽ dễ tạo các rãnh nứt trên bề mặt da, do đó bạn phải dùng thêm các thuốc bôi khác như các sản phẩm có chứa salicylic axít hoặc các thuốc làm mềm da mạnh có chứa corticoid. Lưu ý, nhóm thuốc có chứa corticoid chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, dưới hai tuần. Nếu bị nứt gót chân, bạn phải chọn giày dép có chất liệu mềm, mịn và nhất là phải chứa trọn vẹn đủ bàn chân. Gót chân bị dư khi mang giày dép sẽ càng bị áp lực gây nứt nhiều hơn. Bất cứ khi nào bôi thuốc xong, bạn đều phải mang tất bịt chân lại. ThS-BS Lê Thái Vân Thanh (BV ĐH Y Dược TP.HCM)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2010/Pages/tu-van-benh-cham-kho.aspx