Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ - Ngọn đuốc cháy sáng vĩnh cửu

Dân tộc Việt Nam với mấy nghìn năm lịch sử xây dựng và gìn giữ non sông, đã trở thành một quốc gia tiềm tàng nền văn hóa lâu đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TL.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TL.

Trong lịch sử tính bằng hàng nghìn năm văn hiến, dân tộc ta tự hào vì đã sản sinh nhiều danh nhân văn hóa, và chính những vĩ nhân văn hóa đã làm nên sự rạng rỡ của dân tộc Việt Nam.

Trong số các danh nhân ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa, nhà tư tưởng vĩ đại, người đã kiến tạo nên một thời đại sáng chói trong lịch sử nước ta: Đó là thời đại Hồ Chí Minh gắn liền với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa có tầm dẫn dắt văn hóa Việt hiện đại, và sức lan tỏa hình thái tư tưởng của Người còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nền văn hóa các dân tộc trên thế giới... Trong kho tàng tư tưởng của Người, một hệ thống các quan điểm về văn hóa là ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam hiện đại.

Xuất thân từ một gia đình có học vấn và văn hóa cao, Người ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, cũng chính là tìm đường giải phóng cho sự phát triển của văn hóa Việt khỏi sự tàn phá, bao vây, bóp nghẹt của chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Báo “Người cùng khổ”, kịch “Con rồng tre”, “Ngục trung nhật ký”... và cả hàng loạt tác phẩm của Người về nhiều thể loại, Người đã vừa là chiến sĩ, vừa là nhà văn hóa vượt trên thời đại.

Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh đã mang văn hóa phục vụ cho cả dân tộc và phục vụ cho công cuộc giải phóng dân tộc.

Giản dị mà sâu sắc

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống các quan niệm và triết lý được xây dựng và đề cập thật giản dị mà sâu sắc, dễ tiếp cận mà hàn lâm.

Người viết “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu của đời sống và đòi hỏi sự sinh tồn”(1).

Tiếp cận với định nghĩa về văn hóa của Người, các thế hệ người Việt Nam như bừng tỉnh, vì Người đã xuất phát từ lòng yêu con người, từ cuộc đời của chính Người suốt đời đấu tranh cho hạnh phúc của nhân dân.

Nội hàm khái niệm văn hóa Hồ Chí Minh đã bao gồm toàn bộ nội dung rộng nhất của phạm trù văn hóa. Người đã đưa cuộc cách mạng văn hóa lên đỉnh cao chói lọi của thời đại - văn hóa của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ sức mạnh vô địch của văn hóa truyền thống dân tộc, sức mạnh của nền văn hóa mới được xây dựng từ sau Cách mạng tháng Tám, là yếu tố quyết định và làm nên mọi thắng lợi của các thời kỳ của cách mạng nước ta từ cuộc kháng chiến chống Mỹ đến nay - thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Chính tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh đã xây dựng nên mặt trận đoàn kết dân tộc, đạo đức mới và con người mới Việt Nam, và sau đó con người mới Việt Nam với đạo đức mới trong đại đoàn kết dân tộc đã làm mới tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, làm phong phú và khẳng định sự vĩ đại của Người - người anh hùng giải phóng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vui múa hát cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1960. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vui múa hát cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1960. Ảnh: TTXVN.

Ngời sáng như Mặt trời

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng mang tính thời đại. Người từng khẳng định, khi nhân dân đã giành được chính quyền, nền độc lập dân tộc đã được thiết lập, thì việc tiếp tục xây dựng nền văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới là vô cùng quan trọng, nhưng cũng đầy khó khăn thử thách...

Độc lập, tự do chính là văn hóa đỉnh cao mà dân tộc Việt Nam xứng đáng và có quyền được hưởng dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác-xít chân chính. Đảng đã được Người hết lòng xây dựng và rèn luyện.

Đảng đã đưa ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh bách chiến bách thắng. Độc lập, tự do cũng là nguyện vọng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, là sự nghiệp cách mạng cao cả mà nhân dân ta đã phải hi sinh biết bao xương máu, biết bao tài lực, vật lực từ thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau mới giành được.

Một nền văn hóa “trường kỳ kháng chiến” đã bảo vệ thành công thành quả cách mạng, công phá tan tành văn hóa nô dịch của thực dân Pháp, xóa bỏ tàn tích và mọi vết nhơ còn lại, tàn dư mang vẻ méo mó của phong kiến hủ bại và ngột ngạt, xây dựng mới những giai tầng văn hóa cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ rõ nền văn hóa mới là của toàn dân, của công, nông, binh, nền văn hóa đó phải tạo mọi điều kiện cho những chủ nhân của đất nước tự do, độc lập hưởng trọn vẹn và đầy đủ.

Nhân dân thế giới khâm phục ngọn cờ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã bùng cháy lên tại Hội nghị Diên Hồng năm1966. Đó chính là tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh đã đưa cả dân tộc Việt Nam trở thành những anh hùng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã đánh dấu một mốc son chói lọi bằng lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay khắp đường phố mang tên Hồ Chí Minh, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ mà Hồ Chí Minh - nhà văn hóa lỗi lạc đã tiên đoán chính xác bằng lời hiệu triệu toàn dân, toàn quân:

“Tiến lên chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”

Ngay từ những năm đầu, khi nền độc lập tự do của dân tộc mới trong trứng nước, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa, của chế độ: “Phải làm thế nào cho văn hóa đi sâu vào tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại muốn lấy độc lập tự do làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình.

Đối với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình. Muốn xây dựng con người mới, trước hết phải căn cứ vào đặc điểm tâm lý “cội rễ” cốt cách của con người hình thành trên bản sắc con người Việt Nam”(2).

Tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh đã ngời sáng như Mặt trời phía Đông, kẻ thù của nền văn hóa Việt Nam và dân tộc Việt không thể che nổi, làm sao chúng có thể che nổi tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh: Đó là nền văn hóa dân tộc, do dân tộc, vì dân tộc!

Tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội Quốc dân tại Tân Trào, Tuyên Quang. Ảnh: TL.

Tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội Quốc dân tại Tân Trào, Tuyên Quang. Ảnh: TL.

Nghệ sĩ là chiến sĩ

Văn học nghệ thuật là một mảng cấu thành nền văn hóa. Tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định vai trò nền tảng của các văn nghệ sĩ với sự sống còn của nền văn học nước nhà: “Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(3).

Tư tưởng này của Người đã hình thành ngay từ những năm Người hoạt động trong phong trào công nhân, thợ thuyền và nhân dân lao động Pháp. Người trân trọng nền văn hóa Pháp, nhân dân Pháp, nhưng Người quyết không dung thứ bè lũ thực dân Pháp. Đó là những năm đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã từng là một nhà báo lớn. Những bài viết của Người trên “Người cùng khổ” (Le Paria) đã khẳng định tên tuổi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong làng báo chí Pháp và thế giới.

Những bài viết của Người đều toát lên phong cách xuất sắc và đầy tính chiến đấu, chĩa mũi nhọn vào lũ thực, đế quốc, ca ngợi và bảo vệ giai cấp cần lao Việt Nam, giai cấp cần lao Pháp, giai cấp cần lao toàn thế giới. Vừa là nhà báo lớn, vừa là nhà thơ lớn, hãy nghe Người ngâm bài thơ từ thập niên 40 của thế kỷ trước khi Người bị kẻ thù giam hãm trong nhà tù Liễu Châu:

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp

Mây gió trăng hòa tuyết núi sông

Nay ở trong thơ nên có thép

Bài thơ cũng phải biết xung phong(4)”

Dũng khí Hồ Chí Minh toát lên cao đẹp. Câu thơ của Người như tiếng kèn xung trận mang tầm vóc như một bản tuyên ngôn - bản tuyên ngôn hành động của các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Cho đến bây giờ và mãi về sau này bản tuyên ngôn đó vẫn tỏ rõ chân lý văn hóa, vẫn sáng lấp lánh tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp đẹp đến mức lý tưởng, những giá trị văn hóa phương Đông tinh hoa và phương Tây tinh hoa trong trái tim, trong tâm hồn Hồ Chí Minh - tâm hồn của một người con vĩ đại của một dân tộc vĩ đại. Người đã tôn cao vẻ đẹp của dân tộc, của đất nước mấy nghìn năm văn hiến.

Kế thừa và kết nối

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, văn hóa dân tộc tự nó mang tính kế thừa và kết nối hữu cơ có từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cùng lúc đó là sự ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các nền văn hóa các dân tộc, các vùng lãnh thổ, các quốc gia. Sự giao lưu này phải là bình đẳng. Một nền văn hóa lớn và tốt đẹp không thể hủy hoại, không thể cưỡng bức các nền văn hóa khác.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã chỉ rõ tính kế thừa văn hóa truyền thống và tinh hoa văn hóa nhân loại trong tọa độ bốn chiều của công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, ở đó có cả văn học nghệ thuật, cả các giá trị tập quán đã và đang được xác lập.

Nhưng kế thừa không phải là sự bê nguyên tất cả một cách máy móc những hủ tục lạc hậu, mà là sự chọn lọc vốn quý, cũng như sự tiếp đón văn hóa của các dân tộc khác, quốc gia khác mà phải là những dòng, tập hợp dòng văn hóa tiến bộ mang vẻ đẹp tinh khiết phù hợp với dòng văn hóa của dân tộc mình.

Khi chính quyền thuộc về người dân, “của dân, do dân, vì dân”, văn hóa đất nước xuất hiện mối quan hệ mới, đó là mối quan hệ văn hóa với chính trị, nền văn hóa chính trị mới và chưa từng có.

Hồ Chí Minh chỉ rõ văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và chính nó nằm trong chính trị, và cả hai sẽ mở đường và giải phóng cho văn hóa phát triển. Văn hóa trực tiếp tham gia vào chính trị, tham gia với vai trò vừa là tự mình vừa là động lực. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể thiếu động lực từ phía văn hóa.

Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Văn hóa phục vụ cho ai? Cố nhiên chúng ta phải nói là phục vụ cho công nông binh, tức là đại đa số nhân dân. Vài năm về trước, điều đó chưa được hiểu được dứt khoát, có phải không? Các đồng chí làm công tác văn hóa cần nói dứt khoát như thế, không thể nói nghệ thuật vị nghệ thuật mà cần nói rõ nghệ văn hóa phục vụ công nông binh”(5).

Có thể thấy rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cùng Nhà nước ta luôn coi trọng công tác văn hóa, trong đó văn học, nghệ thuật được nhìn nhận thấu đáo trên các bước đường đấu tranh cách mạng, đã vận dụng những quan điểm Mác-xít về triết học, về mỹ học.

Và với tư cách là người đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng văn chương mới, nền văn chương cách mạng, Hồ Chí Minh là người có công lớn gây dựng và phát triển nền văn nghệ mới, xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa văn nghệ. Với tấm lòng ưu ái đó, Hồ Chí Minh đã ghi nhận và khẳng định sự đóng góp của giới các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ trong sự nghiệp giành độc lập và xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Hàng ngày, hàng giờ, kẻ thù của chúng ta vẫn ra sức tàn phá công cuộc bảo vệ chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất hình chữ S, mảnh đất của mấy nghìn năm dân tộc ta đã đổ máu và hy sinh mới có. Để chống phá, chúng dùng mọi thủ đoạn phá phách, chà đạp, xuyên tạc nền văn hóa mới và con người Việt Nam mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ là dãy núi đá hùng vĩ ngăn chặn mọi hành vi phá hoại về tư tưởng về văn hóa, là ánh sáng soi rọi mọi bước đi của dân tộc ta trong công cuộc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguyễn Tiến Lệnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-van-hoa-van-nghe-ngon-duoc-chay-sang-vinh-cuu-post652173.html