Tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi Việt Nam

Lúc sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến người cao tuổi. Từ vai trò, vị trí của người cao tuổi đối với đất nước, làng xóm và gia đình. Người đã viết: Đất nước hưng do phụ lão xây dựng/Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức/Nước bị mất phụ lão cứu/Nước suy sụp do phụ lão phù trì.

Sau gần 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu dân, cứu nước; Người vừa về nước để lãnh đạo cách mạng được 4 tháng, tình hình trong nước lúc đó gặp muôn vàn khó khăn, lực lượng phản cách mạng còn nhiều và có mặt khắp nơi; lực lượng cách mạng đang được củng cố, hình thành và phát triển. Nhưng với tầm nhìn chiến lược, Người đã phát hiện vị thế, vai trò, tiềm năng, sức mạnh, sự đoàn kết và những giá trị về tinh thần và vật chất của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng, với gia đình và với quê hương, đất nước.

Bác Hồ bắt tay các cụ già khi về thăm Pác Bó, Xuân Tân Sửu 1961.

Vì vậy, trong “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” (6/1941), Bác viết: “Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến giết giặc. Rút guốc mộc để ném vào đầu bọn bạo ngược, vung gậy trúc để đánh vào đầu bọn hung ác. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, người cao tuổi Việt Nam không chỉ là người lao động cần cù, sáng tạo trong xây dựng gia đình, quê hương, đất nước mà còn là những người dám quên mình chiến đấu hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc. Họ là những nhân chứng của lịch sử và rất nhiều người đã góp phần trực tiếp làm nên lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam, người cao tuổi đã đem bầu nhiệt huyết đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng, là lớp người từng đứng trong đạo quân hùng mạnh làm nên chiến thắng vĩ đại của hai cuộc kháng chiến thần thánh giải phóng dân tộc, giành lại chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia lao động tại Công viên Thống Nhất.

Họ cũng là lớp người đi đầu trên con đường đổi mới, góp phần quyết định tạo ra những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đất nước. Già-trẻ cùng gắng sức vì một mục đích chung, đó là lời nhắn gửi của Người trong bài thơ “Tặng cụ Đinh Chương Dương: “Quan san muôn dặm gặp nhau đây/ Mục đích chung là đuổi Nhật, Tây/ Dân bị hai tròng vào một cổ/ Ta liều trăm đắng với ngàn cay/ Già dù sức yếu mang mang nhẹ/ Trẻ cố ra công gánh gánh đầy/ Non nước của ta ta lấy lại/ Nghìn thu sự nghiệp nổi từ đây”.

Hồ Chí Minh khẳng định: Trách nhiệm của người cao tuổi là phải yêu quý, dìu dắt, bồi dưỡng lớp trẻ. Người từng căn dặn: “Các đồng chí già là rất quý, là tấm gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa”. Không những thế, Người còn cho rằng, người cao tuổi phải tự mình học tập thường xuyên, phải nâng cao dân trí bởi “Công việc ngày càng nhiều, càng mới … nên đảng viên già phải cố gắng mà học”, để “chẳng những làm kiểu mẫu, siêng năng cho con cháu mà còn tỏ rõ ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam”. Người cao tuổi Việt Nam sống, cống hiến theo tư tưởng Hồ Chí Minh, suy cho cùng chính là sự nêu gương sáng cho con cháu về lòng yêu nước, về đạo đức cách mạng.

Bác Hồ thăm hỏi người cao tuổi .

Hồ Chí Minh còn phê phán quan niệm “Lão lai tài tận, lão giả an chi” (tuổi già thì tài hết, tuổi già nên ở yên). Người chủ trương “vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”, trong đó người cao tuổi có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong kháng chiến chống Pháp, Người đã có những vần thơ mộc mạc, nôm na mà đầy hào khí “Tặng các cụ lão du kích Cao Bằng” bởi có thành tích góp phần đánh chặn bước tiến của giặc.

Người cũng nêu rõ: “Các cấp đảng bộ, mặt trận ở các địa phương ra sức giúp các cụ phụ lão tổ chức, củng cố và phát triển các đội Bạch đầu quân. Đó cũng là một lực lượng khá to trong công cuộc chống Mỹ cứu nước”. Người là tấm gương tuổi già mà “không chịu ngồi không”, “càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng”. Người luôn là tấm gương sáng về “tuổi cao chí khí càng cao”, suốt cuộc đời vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng quên cả tuổi già, quên cả bản thân. Một con người mà “dù phải từ biệt thế giới này” vẫn không có điều gì phải hối hận, “chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” …

Bác Hồ với đại biểu phụ lão và thiếu nhi đến chào mừng Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương về ứng xử đối với người cao tuổi. Dù là Chủ tịch nước, nhưng trong thư chúc thọ cụ Phùng Lục ở Ứng Hòa, Hà Tây, Người đã viết: “Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ, trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc. Cháu lại kính gửi cụ lời chào thân ái và quyết thắng”. Một vị Chủ tịch nước viết thư cho một công dân bình thường nhưng có tuổi thọ cao mà xưng hô như vậy quả là nét đặc trưng của văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh.

Nét đặc trưng của văn hóa ứng xử ấy còn thể hiện rất rõ trong những câu chuyện nhỏ mà đầy thú vị: Khi được tin chiến thắng dồn dập từ Việt Bắc Thu-Đông 1947, Người đã viết một bài thơ tặng cụ Bùi Bằng Đoàn, một bậc nhân sĩ trí thức yêu nước, người đứng đầu Quốc hội nước ta hồi đó những vần thơ bằng chữ Hán rất mực trang trọng mà vẫn đầm ấm nghĩa tình. Có lẽ không ai lại không xúc động trước một lối ứng xử tuyệt vời của Bác với một cụ già cao tuổi từ vùng bị giặc chiếm đóng lặn lội lên Việt Bắc để được gặp và thăm Bác. Cụ già ấy được biết tên ngay trong nhan đề bài thơ của Người: “Tặng cụ Võ Liêm Sơn”… Có thể nói, đó cũng chính là biểu tượng sáng ngời về truyền thống “kính già” của dân tộc - một đạo lý đẹp đẽ mang tính nhân văn cao cả từ xưa đến nay.

Bác Hồ thăm hỏi người cao tuổi .

Trong tư tưởng, quan điểm của Hồ Chủ tịch về người cao tuổi, Bác đã khẳng định lớp người cao tuổi là lực lượng nòng cốt trong công cuộc cách mạng, là nhân tố góp phần tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù trong gia đình hay đối với làng xóm, xã hội, là thời chiến hay thời bình, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác “tuổi cao - gương sáng”, lớp người cao tuổi là những bậc tôn trưởng, luôn nêu gương, kiên trì hướng dẫn, động viên con cháu chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếp tục có những đóng góp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Vì vậy, sức mạnh của những lời hiệu triệu, tiên phong của các bậc phụ lão trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng và phát triển đất nước có ảnh hưởng to lớn đến tinh thần đoàn kết toàn dân. Tinh thần đoàn kết ấy có thể “góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”, là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.

Thái Bình

(Tổng hợp)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201610/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-nguoi-cao-tuoi-viet-nam-2740286/