Tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi

Bác Hồ thăm hỏi người cao tuổi (Ảnh tư liệu)

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm và coi trọng lớp người cao tuổi. Những quan điểm sâu sắc và nhất quán của Người về vị trí, vai trò xã hội và tiềm năng của người cao tuổi là một bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trước hết, Người khẳng định vị trí, vai trò của phụ lão đối với Tổ quốc, làng xóm và gia đình. Trong thư gửi các vị phụ lão trong cả nước, tháng 6/1941, Người viết: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì.

Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui.

... Những hành động, nghĩa cử cứu nước từ trước đến sau đều do các vị phụ lão đương thời gây dựng nên, vun đắp nên, nhuần tưới nên.

... Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo...”(1)

Trong bài “Kính cáo đồng bào”, ngày 6/6/1941, sau khi nhấn mạnh cơ hội giải phóng dân tộc đã đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết tha kêu gọi: “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các bậc hiền huynh chí sĩ! Mong các ngài noi gương phụ lão đời nhà Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc”.(2)

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Tuổi cao chí càng cao” và người phụ lão cần nêu gương sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiều mùng một Tết Nhâm Dần (5/2/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Phòng trưng bày văn học và dự cuộc ngâm thơ mừng xuân của các cụ phụ lão và văn nghệ sĩ tại Văn Miếu (Hà Nội). Người đã đọc hai câu thơ dưới đây mừng tuổi các cụ:

“Tuổi già, nhưng chí không già,

Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”.(3)

Trong bài “Càng già càng giỏi”, với bút danh Chiến sĩ, đăng trên báo Nhân Dân, số 4218, ngày 22/10/1965, Người viết:

“Tuổi cao, chí khí càng cao

Chống Mỹ, cứu nước, già nào kém ai!”(4)

Đối với người cao tuổi, Người luôn luôn phản đối quan niệm “Lão giả an chi” và “Lão lai tài tận” (Tuổi cao thì an phận nghỉ ngơi, và tuổi càng cao thì tài cũng hết). Năm 1964, khi đã 74 tuổi, Người tự xác định cho mình là không thể:

“Thảnh thơi vui thú thanh nhàn,

Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao”.(5)

Và Người đã quyết phấn đấu cho:

“Bắc Nam sum họp một nhà

Cho người thấy mặt thì ta vui lòng”(6)

Trong thư gửi các vị phụ lão, đăng trên báo Cứu quốc, số 48, ngày 21/9/1945, Người phê phán ý nghĩ cho rằng: “Thôi mình tuổi hạc ngày càng cao, không bay nhảy gì được nữa! Việc đời để cho con cháu bầy trẻ làm. Chúng ta đã gần đất xa trời rồi, không cần hoạt động nữa...” Người khẳng định: “Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng,... quốc dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh một vai”(7)

Người mong muốn người cao tuổi cần nêu gương sáng cho con cháu trong mọi hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người luôn luôn căn dặn, người cao tuổi phải có trách nhiệm dìu dắt, bồi dưỡng lớp trẻ, và tự mình phải thường xuyên học tập, nâng cao dân trí.

Trong Di chúc, Người viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(8).

Nói chuyện với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, Người ân cần chỉ bảo: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa.

Công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt, Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học. Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó gạt mình lại phía sau...”(9).

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cả một tấm gương sáng về “tuổi cao, chí càng cao”. Năm 1964, trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III, Người nói: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội. Về phần tôi,

“Bảy mươi tư tuổi vẫn không già,

Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta”.(10)

Năm 1968, với tuổi 78, tâm hồn Người vẫn giữ được nét thanh xuân và Người đàng hoàng tuyên bố:

“Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,

Vẫn vững hai vai việc nước nhà.

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,

Tiến bước! ta cùng con em ta.”(11)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi bắt nguồn từ yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng của đất nước, thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa của dân tộc. Việc nghiên cứu và nhận thức đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi có ý nghĩa hết sức quan trọng và là một yêu cầu bức thiết trong công tác vận động người cao tuổi trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

-----------------------

* Ghi chú:

(1) Hội Người cao tuổi - NXB QĐND - H - 1996 - tr 7-8.

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995 - T 3 - tr 198.

(3) (9) Sđd - T 10 - tr 512-463-465

(4) (5) (6) (10) Sđd -T 11 - tr 519-245-280.

(7) Sđd - T 4 - tr 24.

(8) (11) Sđd -T 12 - 495-356.

NGUYỄN XUYẾN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/240694/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-nguoi-cao-tuoi.html