Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là 'giá trị dân tộc'

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định, giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là 'giá trị dân tộc', trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Ngay từ lúc sinh thời, những hoạt động, lời nói, phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã toát lên sự chuẩn mực của một vị lãnh tụ, của một con người chân chính. Mọi việc Bác làm, mọi hành động, suy nghĩ đều là vì dân, vì nước.

Cả cuộc đời, Bác đã hy sinh cho công cuộc giành độc lập, tự do cho đất nước, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là “chuẩn mực Việt Nam” và sẽ trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng tới những giá trị lâu dài về xây dựng đạo đức, phong cách, suy nghĩ con người Việt Nam. Đạo đức, phong cách, tư tưởng của Bác đã trở thành giá trị của dân tộc Việt Nam, dù xã hội có phát triển, thay đổi, giá trị này còn mãi.

Cán bộ phải “vừa hồng, vừa chuyên”

Thưa ông, lúc sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến công tác cán bộ. Hiện nay, Đảng ta cũng đang tập trung vào công tác cán bộ để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước? Theo ông, chúng ta nên tiếp tục học tập những quan điểm về công tác cán bộ của Bác như thế nào?

Bác là người khởi xướng công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lựa chọn con đường phát triển, chế độ xã hội cho đất nước. Bác cũng lựa chọn được đội ngũ cán bộ để xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng có lẽ khó mà học theo được bởi vì Bác thẩm định, nhìn nhận, đánh giá cán bộ rất đặc biệt. Bác nhìn người rất tinh, hiểu rõ người này có thể sử dụng vào việc gì thì phát huy được năng lực tốt nhất.

Sinh thời Bác nói, là cán bộ phải “vừa hồng vừa chuyên”. Hồng tức là phải có đạo đức cách mạng, có lý tưởng; chuyên là phải có chuyên môn giỏi, có khả năng, có tri thức. Bác nhấn mạnh “vừa hồng vừa chuyên”, nhưng đưa yếu tố “hồng” lên trước, tức là đạo đức lên trước. Bác nói, con người có tài mà không có đức thì vô dụng, nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Chúng ta biết, khi đất nước mới thành lập sau Cách mạng Tháng Tám, rất nhiều nhân sĩ, trí thức không phải đảng viên nhưng khi Bác mời gọi thì đều tận tâm, tận lực mang hết khả năng, suy nghĩ, tình cảm của mình ra phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Đất nước khó khăn, họ sẵn sàng hy sinh tất cả để cống hiến cho đất nước, điều đó thể hiện biệt tài cảm hóa, biệt tài dùng người của Bác.

Với công tác cán bộ, tôi rất mong muốn chúng ta học Bác ở việc nhấn mạnh việc rèn luyện đạo đức cách mạng để những người đứng ra đảm nhiệm công việc chung phải tận tâm, tận lực phục vụ đất nước, nhân dân, không được tư lợi. Sinh thời, Bác rất quan tâm đến việc chống chủ nghĩa cá nhân, bởi điều này sinh ra thói tư lợi, ham hố quyền lực, ham hố vật chất, ganh ghét, đố kỵ nhau.

Trong bài báo cuối cùng đăng trên báo Nhân Dân (3/2/1969), Bác đặt tựa đề là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bác mong muốn cán bộ phải có đạo đức, tận tụy làm việc công, phụng sự quốc gia, dân tộc, chứ nếu tư lợi thì không được. Vừa rồi có nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, tôi nghĩ do họ chưa thắng được chủ nghĩa cá nhân trong con người họ

Phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện

Thưa ông, trong bối cảnh xã hội biến đổi không ngừng như hiện nay, để xây dựng và phát triển đất nước, càng cần yếu tố “vừa hồng, vừa chuyên” của cán bộ như Bác Hồ từng nói?

Chúng ta hiện đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ rằng, nói chuyện, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh phải bằng những câu chuyện cụ thể, những câu chuyện đời thường về Bác. Bác là con người bằng xương bằng thịt, có những câu chuyện gần gũi, đời thường, nhưng toát lên lý tưởng, mục đích lớn nhất, cao nhất là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Nếu cán bộ chúng ta học được ở Bác điều này, sẽ không bị va vấp khuyết điểm, bị xử lý kỷ luật như những trường hợp vừa qua.

Cán bộ dính khuyết điểm, vi phạm bởi thiếu sự rèn luyện, tu dưỡng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nói, phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế. Cán bộ có quyền lực mà không bị kiểm soát sẽ tự tung tự tác, chuyên quyền, rất dễ vi phạm, sai phạm. Vì thế, cần đẩy mạnh việc rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức cán bộ, có cơ chế giám sát, tự phê bình và phê bình, “lấp” những khoảng trống quy định của pháp luật. Có những cán bộ có trình độ, am hiểu luật pháp, dù biết hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình làm. Nếu có đạo đức cách mạng, anh sẽ luôn đặt câu hỏi: làm thế này ảnh hưởng như thế nào, có lợi cho đất nước, nhân dân hay không. Rõ ràng, cái gốc phải là đạo đức, nếu có đạo đức, nếu làm theo lời Bác dạy “chí công vô tư” sẽ khác…

Cảm ơn ông!

TRƯỜNG PHONG (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-la-gia-tri-dan-toc-post1638343.tpo