Tứ tuần mất việc

Mất việc ở tuổi trung niên làm nhiều người chới với, khó khăn vì không còn trẻ và khó tìm việc làm.

Hải Dương cần sớm tính toán phương án tạo việc làm cho lao động trung niên bị mất việc làm (ảnh minh họa)

Mất việc ở tuổi 40 không còn là chuyện lạ. Đây là nhận định của một lao động 40 tuổi ở huyện Tứ Kỳ khi tôi gặp chị đến tìm hiểu thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương. Đúng là không lạ bởi cùng đến tìm hiểu thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp với chị có đến gần chục người nữa cũng tầm trên dưới 40 tuổi.

Qua phân tích, đánh giá tình hình lao động thất nghiệp từng tháng của Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương, chúng tôi dễ nhận thấy tỷ lệ lao động thất nghiệp ở độ tuổi trên 35 luôn chiếm quá nửa số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng, đa phần là lao động nữ.

Tuổi trẻ mất việc còn có nhiều cơ hội tìm việc, một vài tháng nghỉ ngơi chờ tìm việc mới không đáng ngại. Những lao động trẻ chưa có gia đình riêng còn có thể nương tựa vào cha mẹ, người thân. Nhưng với những lao động đã bước vào tuổi trung niên thì mất việc thời điểm này quả là thời gian nhiều khó khăn. Trọn thanh xuân cống hiến, mất việc ở tuổi trung niên làm nhiều người chới với, khó khăn khi tuổi không còn trẻ và kiếm việc làm mới không dễ, trong khi gánh nặng "cơm áo gạo tiền" cho gia đình vẫn còn đó.

Tại sao lại dễ mất việc ở tuổi trung niên? Ở góc độ người sử dụng lao động, tuyển dụng lao động trung niên sẽ không có lợi so với lao động trẻ vì năng suất lao động không cao bằng. Doanh nghiệp cũng phải trả nhiều tiền thâm niên, thực hiện nhiều chế độ phúc lợi hơn so với lao động trẻ. Với bản thân lao động trung niên, thời gian làm việc quá dài cũng khiến sức ì ngày càng lớn, ngại thay đổi, chậm thích ứng…

Hải Dương đang dần bước vào giai đoạn già hóa dân số. Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, Hải Dương nên sớm có phương án thích ứng với thực tế này.

Trong một buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương mới đây, ông Kamada Atsushi, Chủ tịch Nghiệp đoàn Sakura Jigyo (Nhật Bản) chia sẻ một thực tế là lao động 65 tuổi ở nước này vẫn được trọng dụng và có việc làm tốt. Khảo sát của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế của nước này trong năm 2023 cho thấy có tới 52% số dân độ tuổi 65-69 của Nhật Bản tham gia thị trường lao động. Các công ty ở Nhật Bản cũng được yêu cầu tuyển dụng nhân viên đến 65 tuổi. Tỷ lệ người già Nhật Bản tìm việc thành công ở mức 21%... Trong khi ở Việt Nam 40 tuổi đã bị nhiều doanh nghiệp chê là già và không tuyển dụng.

Câu chuyện chưa đến tuổi hưu đã hết tuổi nghề là thực tế hiện nay đòi hỏi ngành lao động cần sớm tìm giải pháp để tính chuyện đường dài cho thị trường lao động. Trước hết cần thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp. Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tế và phù hợp với lao động tuổi trung niên. Nếu được đào tạo bài bản và đúng hướng thì khi doanh nghiệp cần lao động trung niên vẫn có cơ hội. Bản thân lao động trung niên cũng cần vượt qua "cái bóng" của mình. Tuổi cao không có nghĩa là chậm thay đổi, ngại thích ứng với công nghệ, với tác phong làm việc mới. Thay đổi chính mình cũng là cách tạo vị thế và chỗ đứng vững chắc ở doanh nghiệp, không phải phấp phỏng lo bị sa thải.

Nhiều làng nghề của Hải Dương cũng là chỗ trú chân cho nhiều lao động trung niên. Không có quá nhiều công nghệ, dây chuyền phức tạp nên các cơ sở ở làng nghề dễ dàng tiếp nhận lao động tuổi cao. Doanh nghiệp có thể phân bổ, điều động lao động trên 40 tuổi làm các khâu đơn giản. Về lâu dài Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thuế, phí và có chế độ ưu tiên dành riêng cho những doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách tạo việc làm cho lao động lớn tuổi.

DƯƠNG LAN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tu-tuan-mat-viec-376843.html