Từ tình yêu thương lớn lao

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc rất nhiều nơi, trong đó thủ đô Hà Nội là nơi Người gắn bó lâu nhất. Cảm nhận trái tim yêu thương đong đầy thông qua những hình ảnh, tư liệu nói về Bác Hồ với thủ đô Hà Nội, là cách để mỗi người bồi đắp tình cảm đối với quốc gia, dân tộc.

Ấn tượng mỗi lần gặp Bác…

Đôi mắt rưng rưng, bà Nguyễn Thị Nga chỉ vào bức ảnh đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, xúc động: “Lúc này tôi là đội trưởng đội bóng chuyền Bộ Kiến trúc, vinh dự được chọn lên nhận cờ Bác trao trong Đại hội Thể thao Thủ đô, tháng 2.1961”.

Tham quan Trưng bày chuyên đề "Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội"

Đến nay đã 84 tuổi, bà Nga vẫn không quên cảm xúc hồi hộp, vui sướng được gặp Bác Hồ. “Bấy giờ, khi trao cờ cho mỗi đội, Bác ân cần quan tâm đến mỗi thành viên, đến ai Người đều hỏi cháu ở đơn vị nào. Tôi đứng ở hàng sau cùng, đến lượt mình nhận cờ, Bác mới nói có từ cháu ở, tôi đã vội đáp: Dạ, cháu ở đội các cơ quan trung ương ạ. Bác tát yêu tôi một cái, vì cái mồm lém quá, mọi người cười ồ, bảo tôi vinh dự quá, được Bác Hồ tát yêu”.

Trước đó bà Nga đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn là học sinh trường Trưng Vương, nhà trường được đón Bác về thăm và nói chuyện. “Trong ký ức của nữ sinh lớp 9, tôi cùng các bạn xếp hàng cách Bác chừng 5 - 6m. Bác lúc ấy có hỏi một câu: các cháu có biết xã hội chủ nghĩa là gì không? Mọi người im thin thít. Bác nói: cơm no và áo ấm. Chỉ năm chữ ấy thôi mà chúng tôi cứ ngẫm cho đến tận bây giờ, thấy thiêng liêng và đáng quý vô cùng”.

Bà Lê Bích Châu, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Ba Đình, tự hào khoe mình là một trong số những người có mặt trong bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi chụp ngày 1.1.1956 tại Phủ Chủ tịch. Ở tuổi 82, bà vẫn luôn khắc ghi những khoảnh khắc được gặp Bác Hồ. Bà nhớ lại, đó là ngày Tết Dương lịch, Thành đoàn Hà Nội chọn một số thiếu nhi ngoan, tích cực của hai trường nữ sinh là Trưng Vương và Tây Sơn, cùng một số em nhỏ con em các đại sứ tại Hà Nội, đến gặp Bác.

“Chúng tôi ngồi chờ Bác ở phòng khánh tiết, 2 phút sau Người đi ra. Cảm nhận của tôi - đứa trẻ 12 tuổi lúc bấy giờ là Bác đẹp quá, như ông tiên trong bộ quần áo kaki, với đôi má hồng hào, râu dài. Càng hạnh phúc biết bao khi Bác hỏi thăm từng bạn, nào học ở đâu, lớp mấy, bố mẹ làm gì, có khỏe không… Những điều ấy lúc đó trong đầu chỉ thoảng qua nhưng về sau mới thấy Bác đúng là người vì dân, thương dân, chăm lo, quan tâm mọi thế hệ. Đấy là lần đầu tôi gặp Bác và ở gần Bác nhất”, bà Lê Bích Châu chia sẻ.

Viết tiếp tình thương yêu

Hà Nội là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó lâu nhất (17 năm, năm 1945 - 1946 và từ năm 1954 - 1969). Nhiều câu chuyện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh với thủ đô Hà Nội và những tình cảm trân trọng, lòng biết ơn, ghi nhớ công lao to lớn của nhân dân thủ đô đối với Người, thể hiện qua những hình ảnh buổi gặp mặt, thăm hỏi, qua các bài nói chuyện, bài viết, bức thư Người gửi tới nhân dân thủ đô. Hà Nội có 292 địa danh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch Nước, Người đã có 73 bài viết riêng về thủ đô và nhân dân Hà Nội.

Thiếu tá Vương Thị Hà, Phòng Tuyên truyền giáo dục, Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công an, giới thiệu về hiện vật mà Bảo tàng Công an Nhân dân lưu giữ. Đó là thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ, chiến sĩ Đội Phòng cháy, chữa cháy, Sở Công an Hà Nội - đơn vị đã lập thành tích xuất sắc trong vụ chữa cháy kho xăng Đức Giang bị giặc Mỹ đánh phá ngày 3.8.1966. Trong thư, Bác khen ngợi lực lượng phòng cháy chữa cháy, đồng thời cũng không quên dặn dò, định hướng con đường đi cho các cán bộ, chiến sĩ, từ việc nâng cao cảnh giác, thường xuyên sẵn sàng để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, không ngừng học tập nghiên cứu, thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng nhiệm vụ…

“Đến nay, lực lượng phòng cháy, chữa cháy của chúng tôi vẫn thực hiện những điều Bác dạy, vẫn xem đây là kim chỉ nam cho hành động. Đây dường như là những điều đúc kết, những giá trị tinh túy mà mỗi lời Người nói ra là mệnh lệnh, là lời hiệu triệu tinh thần. Qua những những tình cảm giản dị, yêu thương của Bác cũng thể hiện cốt cách của Người, cốt cách của một bậc vĩ nhân nhưng mang trái tim yêu thương đong đầy”, Thiếu tá Vương Thị Hà nói.

Đặng Đình Trường, học sinh lớp 12 trường THPT Amsterdam, Hà Nội, ao ước: "Nếu được sống trong thời kỳ có Bác, trở thành một học sinh ưu tú và được gặp Bác, được Bác bắt tay thì thật vinh dự biết bao. Từ những trang sách đầu tiên mà em được học đã in hình Bác, càng tìm hiểu, em càng cảm nhận ở Bác một con người bao dung, với tình cảm lớn lao dành cho đồng bào, Tổ quốc. Đó là điều mà thế hệ trẻ cần suốt đời học tập, noi theo”.

Bài và ảnh: Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/tu-tinh-yeu-thuong-lon-lao-i329195/