Từ tâm sự của một chiến sĩ xuất ngũ...

Tới thăm Trung đoàn 209-Trung đoàn Sông Lô thuộc Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) vào ngày mưa tầm tã, tôi được gặp anh Vũ Bá Nguyện, hiện làm chủ một cơ sở chuyên sản xuất ke chống bão cho mái tôn ở xã Thanh Thùy (Thanh Oai, TP Hà Nội).

Nói chuyện với tôi trong lúc vào thăm Nhà truyền thống trung đoàn, anh Nguyện tâm sự: “Năm 2001, tôi là chiến sĩ của Trung đoàn 209. Sau khi xuất ngũ, tôi rất muốn về thăm đơn vị cũ nhưng vì bận nhiều công việc nên hôm nay mới thực hiện được. 16 năm trước, tôi đã rất tự hào vì được là chiến sĩ của Trung đoàn Sông Lô anh hùng, bởi trung đoàn có bề dày truyền thống, lập nhiều chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến, có nhiều cán bộ, chiến sĩ phát triển thành tướng lĩnh và cũng là trung đoàn đầu tiên trong toàn quân được Bộ Quốc phòng chọn đầu tư xây dựng doanh trại cơ bản, chính quy...”.

Chiến sĩ Trung đoàn 209 nghe cựu chiến binh kể chuyện truyền thống đơn vị. Ảnh: PHƯƠNG HIẾU

Hôm ấy, mặc cho mưa ướt áo, anh Nguyện vẫn tranh thủ đi thăm khắp trung đoàn và cứ tấm tắc khen cảnh quan đơn vị bây giờ đẹp chẳng kém công viên; các chiến sĩ cũng chững chạc hơn so với anh ngày trước... Anh Nguyện càng vui hơn khi biết tin, những năm qua Trung đoàn 209 liên tục giữ vững lá cờ đầu trong huấn luyện, 7 năm liền được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

Ôn lại thời tại ngũ, anh Nguyện cho rằng, để được như hôm nay, bản thân anh phải cảm ơn các đồng chí cán bộ của đơn vị cũ rất nhiều. Vào bộ đội, Nguyện được các anh cán bộ dạy bao nhiêu điều hay, lẽ phải. Trong đó, có một lời khuyên khiến anh nhớ mãi là: “Tất cả những gì đơn vị rèn luyện cho các đồng chí không chỉ để từng cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ người chiến sĩ, mà nó còn thiết thực giúp mỗi người trưởng thành, để xây dựng hạnh phúc cho mình và lập thân, lập nghiệp sau này. Nếu chúng ta cứ lười nhác, không cố gắng vượt qua trước những khó khăn, vất vả thì sau này sẽ chẳng làm được việc gì cả và tất yếu sẽ không thể thành đạt, hạnh phúc”. Nhờ đó, Nguyện và đồng đội dần hiểu sự cần thiết phải rèn luyện nên tự giác thực hiện các công việc và nền nếp, chế độ. Nhiều chiến sĩ nhà ở thành phố vốn không biết làm việc gì, nhưng được cán bộ “cầm tay chỉ việc” nên đã biết trồng rau, nấu ăn, chăn nuôi lợn gà và chăm sóc hoa, cây cảnh... Trong huấn luyện, các chiến sĩ đua nhau đạt kết quả cao. Hành quân diễn tập rất vất vả nhưng anh em đều tự giác giúp đỡ nhau để hoàn thành tốt. “Nhờ được đào tạo, rèn luyện như thế nên tôi đã vượt qua những khó khăn, thử thách trong những công việc sau khi xuất ngũ và vui nhất là luôn được bạn hàng cùng đồng nghiệp thực sự tin tưởng”- anh Nguyện chia sẻ.

Được nghe những tâm sự của “cựu chiến sĩ” Vũ Bá Nguyện, tôi chỉ biết... gật gù, thầm nghĩ: Giá như cán bộ ở đâu, đơn vị nào cũng có cách giáo dục cho bộ đội hiểu rõ sự cần thiết phải phấn đấu rèn luyện như thế, để anh em nhận rõ lợi ích thiết thực đối với bản thân mình, thì chắc chắn hiệu quả công tác giáo dục sẽ cao hơn và đơn vị sẽ hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

NGUYỄN THÁI HUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/tu-tam-su-cua-mot-chien-si-xuat-ngu-514964