Từ phép đến đạo nêu gương

Đảng ta là một Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Ngay từ khi mới ra đời, dù hoạt động trong bí mật suốt hơn 15 năm, sự nêu gương của đảng viên đã là một trong những phương thức lãnh đạo, trực tiếp làm nên tính tiên phong cách mạng, sức mạnh, uy tín và danh dự của Đảng, được kết tinh và tỏa sáng từ mỗi đảng viên. Và, khi nhân dân có chính quyền, dưới ngọn cờ của Đảng và Đảng ta trở thành Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền, ý thức và hành động nêu gương và tự nêu gương của cán bộ, đảng viên ngày càng làm phong phú hơn phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trực tiếp khẳng định địa vị, nâng cao vai trò và trách nhiệm lịch sử một cách chính danh, chính pháp của Đảng.

Có thể nói khái lược, sự tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy các cấp là sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nó không chỉ làm cho Đảng ta ngày càng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” mà ngày càng khẳng định là một trong những nhân tố căn bản quyết định nâng cao vai trò, năng lực và hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới hiện nay.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nền kinh tế Bình Phước duy trì tốc độ tăng trưởng khá, các loại hình doanh nghiệp đã và đang phát triển đa dạng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Trong ảnh: Khu công nghiệp Chơn Thành (TX. Chơn Thành) là địa điểm hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư đến hoạt động - Ảnh: PHÚ QUÝ

Do đó, một cách tất yếu, nêu gương trong tự kiểm soát quyền lực gắn với trách nhiệm người đứng đầu, người đảng viên là công việc rất quan trọng và rất cần kíp trong công cuộc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền; đồng thời là một thách thức, một đại sự mang ý nghĩa thành bại đối với danh dự và uy tín mỗi đảng viên và sự còn mất vai trò và sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trong điều kiện hiện nay.

* * *

Quyền lực chân chính phải gắn liền và tương dung với trách nhiệm, tức là thẩm quyền. Theo đó, một cách tự nhiên, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn. Vì vậy, đối với Đảng ta, kiểm soát quyền lực theo trách nhiệm từ bên ngoài đối với tổ chức, cá nhân tới trong nội bộ và tự kiểm soát quyền lực trên cơ sở Điều lệ Đảng, Hiến pháp và sự tín nhiệm của nhân dân là việc rất tự nhiên và mang tính chỉnh thể. Tất cả đều hướng tới và bảo đảm sự cân bằng quyền lực tổng thể của toàn hệ thống trên cơ sở sự cân bằng quyền lực của mỗi tổ chức đảng và của từng đảng viên. Vì vậy, bất cứ một khâu nào, một tổ chức nào, đặc biệt là cá nhân người đứng đầu, khi để xảy ra sự biến dạng của quyền lực nhất định dẫn tới sự mất cân bằng quyền lực ở tầm chỉnh thể và vĩ mô, đều rất nguy hiểm, có thể dẫn tới những hậu họa khôn lường đối với toàn bộ hệ thống chính trị.

Trong các phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, sự nêu gương của cá nhân, tổ chức đảng, để Đảng xứng đáng là người đi trước mở đường, thực thi vai trò tiền phong lãnh đạo của mình. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi đảng viên là người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng, Chính phủ cho quần chúng biết rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”. Theo đó, nêu gương để tự kiểm soát quyền lực đối với một đảng viên, mỗi tổ chức đảng một cách tự nhiên trở thành công cụ để Đảng khẳng định địa vị, sức mạnh và uy tín lãnh đạo, cầm quyền.

Những năm qua, đảng bộ các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH TKG Taekwang Bình Phước, Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, thị xã Chơn Thành làm việc trong ngày đầu xuân Quý Mão 2023 - Ảnh: Đỗ Trình

Do đó, sự nêu gương của mỗi đảng viên đối với tự kiểm soát quyền lực theo thẩm quyền của cá nhân, nhất là người đứng đầu, một cách trung thực, minh bạch và thành tâm là con đường ngắn nhất và hiệu nghiệm nhất trực tiếp bảo đảm địa vị, vai trò dẫn dắt dân tộc một cách chính tín, một cách công minh, chính đại và góp phần phát triển năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng chính danh, chính pháp. Kinh nghiệm hoạt động và trưởng thành gần 93 năm của Đảng đã và đang ngày càng xác tín rằng: Sự gương mẫu của từng tổ chức đảng, của mỗi đảng viên không phải chỉ là điều chính yếu gây ảnh hưởng lên người khác mà nó là điều duy nhất.

Đó không chỉ về phương diện pháp lý nghiêm khắc và nhân văn - “là đoàn kết thống nhất” mà đồng thời còn là mặt đạo lý nhân sinh - “là hòa bình, ấm no”, đối với mỗi đảng viên, trong tư cách là thành viên của Đảng. Ngay từ xưa, cổ nhân từng nói: Một cuốn sách tốt, một lời nói hay có thể làm điều thiện, song một gương lành thuyết phục trái tim hùng biện hơn. Hơn nữa, thực tiễn hiện nay đã và đang đòi hỏi cấp bách rằng: Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu tổ chức đảng không nói nhiều với cấp dưới và nhân dân phải sống như thế nào; họ hãy sống và để các đảng viên khác cùng nhân dân chứng kiến, noi theo và hành động thống nhất, dưới ngọn cờ của Đảng. Và, đây cũng chính là một trong những nhân tố tự mình kiểm soát mình một cách toàn diện và chủ động, góp phần làm nên phẩm giá “đạo đức”, tư chất “văn minh” của một Đảng lãnh đạo, cầm quyền dân chủ và nhân văn.

Đó là liêm sỉ và dũng khí cá nhân, để tự sửa mình; là góp phần giữ vững và phát triển uy tín, danh dự của tổ chức đảng và là quốc sỉ của đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng.

Đó cũng chính là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của đảng viên, nhằm củng cố và phát triển địa vị lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò, rằng “người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng”; rằng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, phải làm đầu tàu, gương mẫu. Muốn làm gương mẫu thì điều quan trọng nhất là các chú từ tỉnh đến huyện, đến xã phải đoàn kết, đoàn kết thật sự, làm sao tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên, đoàn viên, cán bộ giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Đó là mục tiêu đảng viên nêu gương trong tự kiểm soát mình, cũng chính là mục tiêu hoạt động của Đảng.

Đó chính là triết lý chính trị, triết lý nhân sinh, triết lý về con người của toàn bộ công việc Đảng phấn đấu và Đảng tự chỉnh đốn mình xứng đáng với dân tộc, dẫn dắt đất nước phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi: Những gương người tốt, việc tốt muôn hình muôn vẻ là vật liệu quý để các chú xây dựng con người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn. Nghĩa là, qua đó, mỗi đảng viên soi mình trong mắt nhân dân, tự kiểm soát và tự điều chỉnh chính mình theo Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước...

Và tới lượt mình, mỗi đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng, chừng nào chưa tự kiểm soát được quyền của mình, chưa tự sửa được chính mình thông qua nêu gương, sẽ không thể sửa chữa được người khác, không thể noi gương nhân dân một cách xứng đáng và nhất định càng không thể nêu gương dẫn dắt được người khác, hướng dẫn được nhân dân. Hãy làm điều gì đó tuyệt vời, người ta có thể sẽ bắt chước.

Toàn bộ điều đó góp phần khẳng định và làm phong phú hơn, sâu sắc hơn, thực tiễn hơn tính chính danh, chính pháp, chính năng và chính tín của Đảng, của hệ thống chính trị và danh dự, trách nhiệm cá nhân. Nói như tiền nhân: Chúng ta phải tự mình làm muối mới ướp mặn được người khác; phải tự thay đổi mình nếu muốn thấy thay đổi ở thế giới.

Có thể nói, đó chính là phương pháp để trở thành phép nêu gương nhằm tự kiểm soát quyền lực của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, dù ở cấp nào, hoạt động trên ở bất cứ phương diện nào của xã hội, trong tư cách là thành viên của một Đảng lãnh đạo, cầm quyền ở Việt Nam.

(còn nữa)

TS. Nhị Lê

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/141203/tu-phep-den-dao-neu-guongthoi