Từ ốc đảo Tầm Làng thành thiên đường du lịch

Là nơi sơn cùng thủy tận, đi bộ cả ngày trời còn chưa tới nơi, nhờ giao thông mở lối, Tầm Làng đang trở thành điểm du lịch hút khách gần xa.

Khi người Dao làm du lịch

Một ngày cuối tháng 10, từ trung tâm xã Quảng An, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), PV Báo Giao thông tìm về bản Tầm Làng - nơi thường được gọi là "ốc đảo người Dao", bởi cuộc sống tách biệt trên những dãy núi cao hùng vĩ, giao thông cách trở.

Thác Bạch Vân có vẻ đẹp hoang sơ, là một trong những ngọn thác đẹp nhất Đầm Hà. Ảnh: M.Q.

Nhưng giờ đây, đường về Tầm Làng bon bon xe chạy, ngồi trên xe có thể thảnh thơi ngắm những ruộng lúa chín vàng, núi non trùng điệp tít tắp tận chân trời. Từ trung tâm xã về Tầm Làng chỉ chừng 30 phút.

Ông Phạm Tiến Cường, Phó chủ tịch UBND xã Quảng An giới thiệu, xã có 9 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Dao là đông nhất, chiếm 55%, riêng thôn Tầm Làng 100% đều là dân tộc Dao. Giờ Tầm Làng đang thành điểm du lịch mới nổi, với 3 thác nước kỳ vĩ Bạch Vân, thác Tình Yêu và thác Hàm Rồng.

Niềm vui lớn với Tầm Làng là mới đây, huyện đã cho chủ trương tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường vào thôn trong thời gian sớm nhất. Khi con đường mở rộng thêm, giao thông thuận lợi, cùng với cảnh đẹp của núi rừng, thác Bạch Vân và các sản phẩm ẩm thực độc đáo, nét đẹp văn hóa bản địa, Tầm Làng sẽ trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn nhất Đầm Hà.

Ông Phạm Tiến Cường, Phó chủ tịch UBND xã Quảng An

"Năm 2020, khu du lịch sinh thái bản Tầm Làng đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Đây là điểm du lịch đang thu hút khách của Quảng Ninh", ông Cường giới thiệu.

Đang tuốt lúa trước cửa căn nhà mới xây còn vương mùi gạch, ông Nỉ Xổi Phùn, gần 60 tuổi, người thôn Tầm Làng chỉ vào chiếc ao lớn của nhà nói, sau vụ thu hoạch sẽ cải tạo chiếc ao này sâu hơn, kè đá cuội rồi lát gạch hoa xung quanh bờ ao. Ở giữa sẽ làm một lầu bát giác, có cầu tre đi vào để cho khách đến trải nghiệm, chụp ảnh.

"Vợ tôi khéo tay, sẽ đan thêu đồ thổ cẩm bán thêm cho du khách nữa", ông Phùn dự tính.

Thoăn thoắt cắt lúa trên thửa ruộng bậc thang cạnh nhà, anh Nỷ Quay Vòng, con trai ông Phùn góp thêm chuyện. Anh là con thứ hai trong gia đình. Nhà nghèo, đường đến trường xa tít tắp lại gập ghềnh, ngày mưa phải nghỉ ở học vì thôn thành "ốc đảo", nên hết lớp 9, anh Vòng đã đi rừng. Năm 18 tuổi, anh đi làm công nhân hầm lò.

"Tôi làm công nhân gần chục năm. Khi thấy đường vào thôn đã được mở, Tầm Làng thành điểm du lịch, tôi quyết định nghỉ ở công ty. Cùng với số vốn tích lũy được, tôi đã xây căn nhà mới, cải tạo lại ao, vườn để làm du lịch trải nghiệm. Vợ tôi đan lát các sản phẩm thổ cẩm lưu niệm, nấu ăn phục vụ du khách. Chỉ riêng vụ năm nay, vợ chồng tôi đã thu về mấy chục triệu đồng…", anh Vòng khoe.

Ông Cường nhớ lại, sau khi khảo sát, đánh giá được giá trị của thác Bạch Vân cũng như các điều kiện khác, cán bộ xã đề xuất ý tưởng lên huyện về việc phát triển du lịch ở thôn Tầm Làng và kêu gọi đầu tư du lịch vào Quảng An.

Trước mắt, Quảng An vận động bà con phát huy tốt bản sắc dân tộc, nhất là văn hóa ẩm thực, lễ hội, nghề truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng thông qua trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống...

Tháng 7 vừa qua, xã đã tổ chức chương trình "Về miền Sán cố" tại chân thác Bạch Vân. Trong ngày tổ chức chương trình, chính quyền vận động người dân bày bán các sản phẩm đặc trưng như: Gà, măng rừng, các món ăn truyền thống. Chỉ trong buổi sáng, các mặt hàng đã được du khách mua hết.

"Sán cố là lối hát giao duyên của người Dao xã Quảng An vốn bó hẹp trong cộng đồng người dân bản địa. Thế nhưng, chương trình đã mở ra một chương mới để Tầm Làng cất cánh", ông Cường nhìn nhận.

Giao thông mở lối thoát nghèo

Sinh ra, lớn lên tại vùng đất này, ông Phùn cũng như các bậc cao niên nơi đây không ngờ được, thôn Tầm Làng giờ thoát khỏi thế ốc đảo và cuộc sống đói khổ, thiếu thốn nhanh đến vậy. Theo họ, Tầm Làng có được đổi thay ấy là nhờ những con đường.

Những thiếu nữ người Dao trong trang phục truyền thống ở Tầm Làng đã trở thành điểm nhấn hút du khách.

Ông Nỉ Quay Sằn, người Tầm Làng kể, từ lúc ông sinh ra và lớn lên thì Tầm Làng luôn nghèo khó, giao thông cách biệt với thế giới bên ngoài. Từ Tầm Làng ra trung tâm xã Quảng An khoảng 16km nhưng quãng đường này có tới 7 - 8km đi bộ còn khó, hễ trời mưa là phải dò dẫm từng bước.

Cán bộ xã muốn đến Tầm Làng thường phải chuẩn bị tâm thế cho chuyến đi mấy ngày và không quên xem dự báo thời tiết từ hôm trước, thấy không có mưa mới dám đi. Nhiều khi gặp mưa rừng, cán bộ xã phải ở lại trong thôn mấy ngày mới về được.

Đất rừng ở Tầm Làng thì bạt ngàn có thể phát triển các cây lâm nghiệp. Thế nhưng, con đường đất trơn trượt, rậm rạp cỏ cây lại chạy vắt lên sườn núi hiểm trở, nên những cánh rừng keo của người dân trồng hơn chục năm chẳng có thương lái đến mua vì lý do đường xấu, không vận chuyển gỗ được bằng xe cơ giới. Nếu thuê người vác gần chục cây số thì tiền thuê nhân công cao hơn tiền bán keo.

Người dân ở đây chủ yếu trồng cây quế, đến mùa thu hoạch phải thồ từng xe máy ra phố huyện bán, mỗi chuyến cũng chỉ đủ tiền uống bữa rượu, mua một ít đồ lặt vặt mang về…

"Cả bản bao đời cái ăn cái mặc khốn khó, nên trẻ nhỏ ở Tầm Làng gần như không được đến trường. Bản thân tôi cũng chỉ học hết lớp hai rồi phải ở nhà đi chăn trâu, đi rừng kiếm sống", ông Sằn nhớ lại.

Rồi tất cả lùi vào dĩ vãng khi vài năm trước, con đường bê tông từ bản Nà Pá kết nối vào được mở ra.

"Ngày cán bộ đến khảo sát, thiết kế con đường, cả thôn mừng khôn xiết. Người thì hiến chục mét đất ruộng, đất ở, hộ thì hiến cả trăm mét đất rừng. Ngày đường mới khánh thành, cả bản như ngày hội lớn…", ông Phùn kể.

Từ ngày có đường, xe cộ bon bon, rừng trồng bấy lâu nay được bán. Nhà nào, nhà nấy thu về cả trăm triệu đồng từ bán keo, bán quế. "Rừng trồng của gia đình cũng thu được mấy trăm triệu, hai năm trước, tôi quyết định xây căn nhà này trị giá trên 600 triệu đồng. Cuộc sống cả thôn cứ thế đổi thay từng ngày", ông Phùn khoe.

Giao thông mở ra không chỉ giúp cho nông - lâm sản ở Tầm Làng tiêu thụ được giá mà nơi đây đang dần hiện hữu thành địa điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách.

Ba ngọn thác đẹp nhất ở Đầm Hà đều nằm ở Tầm Làng. Cùng đó là cảnh quan hùng vĩ, lại có núi non trùng điệp, những con suối uốn lượn dưới chân các tán rừng, giữa những thửa ruộng bậc thang ẩn hiện.

Không những thế, người dân ở Tầm Làng lại có nhiều tập tục văn hóa truyền thống rất đậm nét. Những thiếu nữ người Dao trong trang phục truyền thống vui đùa dưới thác nước đã trở thành điểm nhấn hút du khách. Sau khi trải nghiệm cảnh núi non, thác Bạch Vân, du khách còn được thưởng thức những món đặc sản của người dân địa phương…

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-oc-dao-tam-lang-thanh-thien-duong-du-lich-192231102213938631.htm