Từ niềm tự hào dân tộc đến nỗ lực đổi mới, sáng tạo

Kỷ niệm 48 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và 134 Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1889 - 01/5/2023) vào thời điểm Nhân dân ta bước vào năm thứ 3, năm bản lề của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đang dốc sức, huy động mọi nguồn lực, trí tuệ thực hiện các chỉ tiêu năm 2023 và kế hoạch 5 năm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cách đây 48 năm, ngày 30/4 đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh lâu dài nhất, khó khăn nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Nhân dân ta.

Năm tháng qua đi nhưng sự kiện ngày 30/4 mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang hào hùng nhất, biểu trưng sáng ngời nhất về ý chí quyết chiến, quyết thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ con người và văn hóa Việt Nam. Chiến thắng đó đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn, mang tính thời đại nổi bật. Thời đại mà Nhân dân thế giới gọi là “thời kỳ sau Việt Nam”. Trong quá trình cách mạng từ khi có Đảng, ngày 30/4 là một trong 3 mốc lịch sử sáng chói: Tổng khởi nghĩa tháng Tám (1945), Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) và Đại thắng mùa Xuân (1975). Những mốc son vĩ đại đó, Nhân dân ta làm nên câu chuyện thần kỳ, tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, nghèo nàn mà đánh thắng những cường quốc, đế quốc đầu sỏ, chủ yếu bằng nội lực, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu tấm gương anh hùng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước nhân loại tiến bộ. Chiến thắng đó, mở ra cho dân tộc ta một kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng, phát triển kinh tế, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để trở thành nước công nghiệp, phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Cùng với kỷ niệm chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế Lao động 01/5 khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động toàn thế giới và nước ta. Cách đây hơn 13 thập kỷ, nhân loại và giai cấp công nhân đắm chìm trong cảnh lầm than, bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn của bọn tư bản, giới chủ trong các xí nghiệp. Năm 1864, sau khi thành lập Quốc tế I, Các Mác đặc biệt quan tâm đến thời gian lao động của công nhân, thấy cần phải rút xuống ngày làm việc 8 giờ, coi đó là mục tiêu đấu tranh. Tại Đại hội lần thứ I Quốc tế Cộng sản tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) vào tháng 9/1886 đưa ra thông điệp ngày làm 8 giờ. Phong trào công nhân nổ ra rầm rộ ở nước Anh rồi lan sang nước Mỹ và nhiều nước tư bản phát triển. Rầm rộ nhất là các cuộc biểu tình, đình công diễn ra tại Chi-ca-gô, Washington, New York, Boston, Baltimore... gây áp lực cho giới chủ, đòi yêu sách tăng lương, ngày làm 8 giờ. Chưa bao giờ nước Mỹ lại có các cuộc đình công lớn như vậy, mặc dù bọn tư bản đàn áp phong trào đẫm máu. Từ đó, Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ II họp tại Paris (Pháp) dưới sự lãnh đạo của Frederic Engels quyết định lấy ngày 01/5 hàng năm là Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày hội của công nhân và Nhân dân lao động trên toàn thế giới. Liên Xô (cũ) dưới thời V.I. Lê-nin là nước đầu tiên công nhân và Nhân dân lao động được nghỉ làm việc ngày 01/5.

Phát huy tinh thần chiến thắng 30/4 và Quốc tế Lao động 01/5, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang ra sức thực hiện 3 đột phá chiến lược, phấn đấu đạt 15 mục tiêu về kinh tế - xã hội, giành mức tăng trưởng 6,5% (GDP) trong năm nay như nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ đề ra.

Nhận thức rõ về tinh hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó lường như xung đột quân sự Nga - Ukraine có thể còn kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt; lạm phát ở mức tăng cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều nước, nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn của các thị trường tài chính, tiền tệ, BĐS, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu; đại dịch Covid -19 để lại hậu quả nặng nề, phải nhiều năm mới khắc phục được… là những thách thức thời đại tác động, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp vào nước ta, đan xen khó khăn, thuận lợi. Trong khi đó, năng lực sản xuất trong nước hạn chế, các thị trường xuất nhập khẩu lớn, thị trường truyền thống bị thu hẹp; những bất cập của thị trường tài chính, tiền tệ, BĐS tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm, quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ, năng suất lao động thấp kém, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn trường kỳ, hậu quả của nó đối với kinh tế - xã hội còn nặng nề, nghiêm trọng… đòi hỏi công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, sự nỗ lực vượt bậc của các ngành, các cấp, các địa phương bứt phát ngang tầm nhiệm vụ, ra sức đổi mới sáng tạo. Nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất, chung sức, đồng lòng thực hiện phương châm “Tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “dọc ngang thông suất”, “biến nguy thành cơ” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, tạo thuận lợi, tận dụng cơ hội khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững.

Trong bối cảnh hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, dao động, cần bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, dứt khoát không chuyển trạng thái đột ngột hay điều hành “giật cục” bất ngờ như Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ đề ra.

Kim Quốc Hoa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tu-niem-tu-hao-dan-toc-den-no-luc-doi-moi-sang-tao-353426.html