Từ ngày 1/7, người dân có thể sử dụng tài khoản duy nhất thực hiện các thủ tục hành chính

Với VNeID, người dân có thể sử dụng các giấy tờ cá nhân dạng điện tử thay cho bản giấy. Từ ngày 1/7, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính bằng tài khoản VNeID.

Sử dụng tài khoản duy nhất VNeID trong thực hiện dịch vụ hành chính công

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng một tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/7/2024.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác), đã diễn ra tại Trụ sở Chính phủ.

Yêu cầu trên được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh hiện nay mỗi người dùng thường có nhiều tài khoản dịch vụ công được cấp bởi các bộ, ngành, địa phương khác nhau, gây ra nhiều bất tiện như khó quản lý thông tin cá nhân, phải nhớ nhiều tài khoản giao dịch và mật khẩu.

Tại phiên họp này, Tổ công tác tổ chức Hội nghị chuyên đề về giải pháp chuyển đổi sang sử dụng một loại tài khoản duy nhất VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP.

Theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phải hoàn thành việc chuyển đổi để kể từ ngày 1/7/2024.

Theo đó, sử dụng tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp.

Đánh giá cao những lợi ích của VNeID, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện mục tiêu thống nhất sử dụng một tài khoản là VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính từ ngày 1/7 để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và Nhà nước.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sinh động, dể hiểu, dễ nhớ trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội, để người dân hiểu rõ tiện ích cũng như cách thức sử dụng tài khoản VNeID.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý, kết nối cơ sở dữ liệu và hạ tầng để bảo đảm việc sử dụng tài khoản VNeID được thông suốt; thiết lập kênh thông tin để trao đổi, phản hồi những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

Từ ngày 1/7, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính bằng tài khoản VNeID. Ảnh minh họa: TL

Từ ngày 1/7, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính bằng tài khoản VNeID. Ảnh minh họa: TL

VNeID là gì?

VNeID (viết tắt của từ Viet Nam Electronic Identification) là một ứng dụng trên thiết bị di động, do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an phát triển nhằm mục đích thay thế cho giấy tờ truyền thống và cung cấp các tiện ích phục vụ cho công dân số, chính phủ số và xã hội số.

Ứng dụng đa tiện ích của VNeID

VNeID được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu về định danh, dân cư và xác thực điện tử, kết nối với các cơ quan hành chính Nhà nước và các tổ chức xã hội.

Với VNeID, người dân có thể sử dụng các giấy tờ cá nhân dạng điện tử thay cho bản giấy như: Căn cước công dân gắn chip, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế… Người dân cũng có thể khai báo y tế toàn dân, khai báo di chuyển nội địa, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm, kiến nghị phản ánh… thông qua ứng dụng VNeID một cách nhanh chóng và tiện lợi.

VNeID không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn góp phần vào công tác quản lý Nhà nước. Với VNeID, các cơ quan chức năng có thể truy xuất thông tin của công dân một cách chính xác và kịp thời, hỗ trợ cho việc thực hiện các thủ tục hành chính Nhà nước. VNeID cũng giúp giảm thiểu sự lãng phí và sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và Nhà nước.

Để sử dụng VNeID, người dân chỉ cần tải ứng dụng từ CH Play hoặc App Store về thiết bị di động của mình. Sau đó, nhập số định danh cá nhân và số điện thoại để đăng ký tài khoản. Tiếp theo, người dân quét mã QR code trên thẻ căn cước công dân gắn chip để kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1 hoặc đến cơ quan Công an để kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2.

Tùy theo mức độ xác thực, người dân có thể sử dụng các chức năng và tiện ích khác nhau trên ứng dụng VNeID.

Giấy tờ nào được tích hợp vào VNeID?

Tại Điều 13 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, tài khoản VNeID sẽ được tích hợp các giấy tờ sau đây:

VNeID mức độ 1

Tích hợp các thông tin trong căn cước công dân và sẽ thể hiện các thông tin cá nhân gồm: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày tháng năm sinh; giới tính cùng thông tin sinh trắc học gồm ảnh chân dung và vân tay.

VNeID mức độ 2

Có giá trị sử dụng thay cho thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu khi đi máy bay và cung cấp các thông tin của các loại giấy tờ đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử.

Trong đó, có các giấy tờ là đăng ký xe, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, thông tin về người phụ thuộc (con cái, cha mẹ đã về hưu, người được chúng ta bảo hộ, cấp dưỡng…) và thông tin cư trú.

Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID, người dân có thể sử dụng các thông tin, hình ảnh của các loại giấy tờ (CCCD gắn chip, thẻ bảo hiểm y tế, thông tin trên đăng ký xe, giấy phép lái xe…) bản vật lý khi thực hiện các thủ tục hành chính yêu cầu phải xuất trình giấy tờ này.

Ngoài ra, theo Điểm a Khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA, các thông tin về giấy phép lái xe, đăng ký xe… nếu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thì sẽ có giá trị như việc cảnh sát giao thông kiểm tra trực tiếp.

VNeID tích hợp nhiều loại giấy tờ thay cho bản giấy.

VNeID tích hợp nhiều loại giấy tờ thay cho bản giấy.

Hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử trên VNeID

Bước 1: Tải ứng dụng VNeID

Ứng dụng VNeID được phát triển cho nền tảng di động trên cả hai hệ điều hành Android và iOS. Người dùng sẽ truy cập vào hai kho ứng dụng App Store và Google Play để tải ứng dụng về.

Bước 2: Mở ứng dụng.

Bước 3: Ấn vào đăng ký tài khoản.

Người dùng điền tên và số điện thoại để tiến hành đăng ký, lưu ý nên dùng số điện thoại đăng ký chính chủ.

Sau đó quét mã QR thẻ căn cước công dân, Kiểm tra lại thông tin mà thẻ căn cước cấp sau khi quét. Nếu không chỉnh sửa gì nữa thì bạn bấm vào xác nhận. Hệ thống sau đó sẽ gửi một mã OTP.

Kiểm tra lại thông tin, nếu có sai thì điều chỉnh lại. Đồng ý điều khoản sử dụng ứng dụng và dịch vụ để tiến hành Đăng ký.

Nhập mã OTP được gửi về điện thoại.

Thiết lập mật khẩu cho tài khoản (hoàn tất đăng ký).

Bước 4: Đăng nhập vào ứng dụng.

Đăng nhập vào ứng dụng bằng mã định danh và mật khẩu mới tạo.

Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 trên VNeID

Bước 1: Đăng nhập ứng dụng VneID bằng số định danh cá nhân (số thẻ căn cước công dân) và mật khẩu đã đăng ký.

Bước 2: Chọn đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1.

Bước 3: Đọc thông tin từ thẻ căn cước công dân và chụp ảnh chân dung theo hướng dẫn.

Lưu ý khi chụp ảnh: Không nhắm mắt, không đeo kính, không đeo khẩu trang, chọn vị trí đủ sáng, không quá tối hay quá sáng.

Sau khi chụp xong thì nhấn xác nhận ảnh chụp hoặc chụp lại nếu chưa ưng ý.

Bước 4: Chờ kết quả phê duyệt

Hồ sơ đăng ký sẽ được cơ quan công an có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Nếu đạt thì người dân sẽ nhận được tin nhắn thông báo gửi đến số điện thoại đã đăng ký.

Bước 4: Kích hoạt tài khoản định danh điện tử và bắt đầu sử dụng.

Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID

Để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, người dân cần đến trực tiếp đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp căn cước công dân làm thủ tục.

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ

Công dân chuẩn bị thẻ căn cước công dân gắn chip và các giấy tờ có nhu cầu tích hợp vào tài khoản định danh điện tử như: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu...

Bước 2: Đến cơ quan công an để làm thủ tục

Xuất trình căn cước công dân có gắn chíp, cung cấp thông tin về số điện thoại/địa chỉ thư điện tử, xuất trình các giấy cần tích hợp.

Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Bước 3: Chờ kết quả phê duyệt tài khoản định danh điện tử.

Bước 4: Kích hoạt tài khoản định danh điện tử và bắt đầu sử dụng.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tu-ngay-1-7-su-dung-tai-khoan-duy-nhat-nguoi-dan-co-the-thuc-hien-cac-thu-tuc-hanh-chinh-172240515113059239.htm