Tự mua thuốc cầm tiêu chảy cho con uống, bệnh nhi ở Hải Dương suýt mất mạng

Thấy con bị tiêu chảy, người thân ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc cầm và cho bé uống 1 viên. Sau khi uống khoảng 4 giờ, trẻ lịm dần và ngay lập tức được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Đại diện Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc tiếp nhận trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng ngất lịm do tiêu chảy.

Sự việc xảy ra hôm mồng 3 Tết, bé H.A.D (trú tại phường Ngọc Châu, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) ở quê ngoại tại TP. Hải Phòng ăn Tết. Khi cả nhà đang vui vẻ thì bé H.A.D bị tiêu chảy, được người thân ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc cầm và cho cháu uống 1 viên. Sau khi uống khoảng 4 giờ, bé H.A.D. lịm dần và ngay lập tức được gia đình đưa đến Khoa Thần kinh- Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Qua khai thác thông tin từ gia đình, mẹ cháu bé cho biết, đã cho con uống Loperamid (thuốc này cấm dùng cho trẻ nhỏ).

Bác sĩ đánh giá tình trạng của bé, nếu chậm một vài giờ nữa nếu gia đình không đưa trẻ vào viện kịp thời, rất có thể bé sẽ ngưng thở, đe dọa tính mạng.

Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của bệnh viện. Bệnh nhi được kíp nhân viên trực thực hiện rửa dạ dày, truyền dịch, tiêm thuốc giải độc. Sau 2 giờ tích cực cấp cứu, cháu bé đã tỉnh táo.

Cháu H..A.D được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng

Cháu H..A.D được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng

Liên quan đến vấn đề này, các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho hay, tiêu chảy ở trẻ em đa phần do nhiễm trùng đường ruột. Việc đi ngoài phân lỏng cũng là cách giúp trẻ thải trừ vi trùng, chất độc ở đường ruột.

Đáng chú ý, các thuốc cầm tiêu chảy có tác dụng làm giảm nhu động ruột, liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài trong khi trẻ vẫn mắc bệnh. Nếu phân ứ lại trong ruột sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ do nhiễm trùng, nhiễm độc.

Để tránh gặp phải tình trạng tương tự, cha mẹ nên cho trẻ uống thêm nhiều nước, nước khoáng, nước dừa tươi. Nếu sử dụng dung dịch oresol, cha mẹ cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Trẻ bị tiêu chảy càng cần được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên kiêng cữ hoặc thay đổi chế độ ăn.

Trong trường hợp trẻ không ăn được nhiều do mệt vì mất nước, cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và lựa chọn các món lỏng, mềm. Nếu trẻ nôn, cha mẹ có thể cho con ăn lại sau khoảng 30 phút.

Trường hợp trẻ sốt cao, kèm quấy, khó chịu nhiều cần được uống thuốc hạ sốt, liều lượng tùy thuộc vào cân nặng. Ngoài ra, trẻ có thể uống men vi sinh giúp tăng cường miễn dịch của hệ tiêu hóa đường ruột, thiết lập lại sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột, từ đó rút ngắn thời gian bệnh…

Khi sử dụng kháng sinh cho trẻ bị tiêu chảy cấp do vi khuẩn phải được bác sĩ chỉ định điều trị, không nên tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ.

Đức Tùy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-mua-thuoc-uong-cam-tieu-chay-chau-be-o-hai-duong-suyt-mat-mang-169230203143730764.htm