Từ một bài báo của Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan, nghĩ về đất nước hôm nay

Lúc sinh thời, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan bên cạnh chức vụ tư lệnh ngành Thương mại với bộn bề công việc, ông vẫn dành thời gian cho những bài báo.

Bài báo của Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan mà chúng tôi muốn nhắc tới ở đây được ông gõ ngay trên chuyến bay trở về Hà Nội sau khi cùng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Charlene Bashefsky ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ ngày 13/7/2000 và liền sau đó được in trên báo Thương Mại, cơ quan của Bộ Thương mại.

Có người tò mò muốn biết tại sao Bộ trưởng Vũ Khoan lại dùng bút danh Hồ Vũ cho bài viết của ông. Có gì đâu, đó là bút danh được ghép từ họ của hai vợ chồng Bộ trưởng. Vợ ông là bà Hồ Thể Lan, ông là Vũ Khoan. “Lady first - Phụ nữ trước nhất”, đưa họ của vợ lên trước họ mình. Thế là thành bút danh.

Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan

Xin được quay trở lại nội dung bài báo của Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan. Với độ dài ngót 2.000 chữ, bài báo ghi lại những điều mắt thấy tai nghe cùng suy ngẫm của một người Việt Nam tuy không phải là người đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ nhưng lại là quan chức cấp cao đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bước chân vào Nhà Trắng - trụ sở của chính quyền Hoa Kỳ.

Biên độ ghi nhận của tác giả trong bài báo khá rộng, từ mọi mặt của đời sống của người dân Hoa Kỳ, phong cách sống từ nhà ra đường, cả những thành tựu phát triển cao của nền kinh tế số 1 thế giới được thể hiện trong muôn mặt đời sống.

Bài báo "Vài cảm nghĩ về nước Mỹ" đăng tải trên Báo Thương mại số ra ngày 21/7/2000

Phần quan trọng của bài viết được tác giả chốt lại 3 điều. Thứ nhất là thị trường Hoa Kỳ rất rộng lớn, sức mua lên đến hàng nghìn tỷ đôla. Thứ hai là mặt hàng nào cũng có để đáp ứng mọi nhu cầu. Thứ ba và cũng là điểm quan trọng nhất là khi các nước đã đi vào thị trường Hợp chúng quốc Hoa Kỳ làm ăn, Việt Nam là nước đến sau sẽ phải chen chân rất vất vả. Để “hóa giải” điều này, bí quyết theo tác giả là nắm bắt cho được nhu cầu của họ, kể cả mẫu mã hợp “gu” người Mỹ, các luật lệ là thứ ở Mỹ rất tôn trọng và khá rắc rối trên cơ sở đó sản xuất hàng tốt, rẻ, giao nhận đúng cam kết, giữ được chữ tín.

Nếu được như vậy thì ta hoàn toàn có thể len được vào đây, xác định đươc chỗ đứng, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở nước ta”, tác giả kết luận.

Bản hiệp định thương mại giữa hai nước mà Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan vừa ký với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ mới là điều kiện cần và chính những điều được Bộ trưởng Vũ Khoan chốt trong bài báo của ông là điều kiện đủ để Việt Nam có thể làm ăn được với nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Đó là những bí quyết để hội nhập kinh tế bởi mở được thị trường Hoa Kỳ cũng chính là đột phá khẩu để đưa kinh tế Việt Nam hội nhập nói chung và làm ăn được, có tiếng nói, có vị thế với các thị trường năm châu khác.

Đó cũng là những khám phá của một du khách từng qua nhiều nước và những suy ngẫm mang tính định hướng rất căn cốt, rất thời sự của một chính khách.

Như nhà thơ cổ điển vĩ đại Nguyễn Du viết: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”. Trăm năm với sự nghiệp phát triển một đất nước và một mối quan hệ song phương là dài, là hệ trọng. Bởi vậy để đưa sự phát triển của một đất nước, một mối quan hệ, cần hiểu người, hiểu ta ngay từ những sở trường, sở đoản để cùng có lợi, để cùng thắng. Và đi xa cũng là để hiểu mình, để tự tin hơn, để mạnh lên và cũng để không bỏ lỡ thời cuộc.

Hơn 20 năm đã trôi qua, giờ đây đọc lại bài báo của Bộ trưởng Vũ Khoan không khó để nhận ra bài viết còn nguyên tính thời sự với những ai quan tâm và tìm hiểu về Hoa Kỳ, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa muốn chen chân vào thị trường Hợp chúng quốc Hoa Kỳ để mở thị trường, tìm đối tác hay đơn giản chỉ là mở văn phòng.

Thời điểm từ năm 2000 đến nay đã chứng kiến đất nước ta đổi mới và hội nhập mạnh mẽ. Vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính của thế giới, kinh tế đất nước phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Việt Nam đã có quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư với hầu hết các quốc gia trên thế giới bằng các quan hệ thương mại song phương cùng các hiệp định thương mại tự do với các đối tác song phương và đa phương, đặc biệt là với các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nhóm G7, G20.

Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Những gì mà nhà báo Hồ Vũ cho rằng là đáng ngạc nhiên trong bài báo của mình về Hoa Kỳ và ngỡ như chỉ có ở nền kinh tế số 1 thế giới này thì nay đã trở thành điều bình thường ở Việt Nam: thương mại điện tử, thẻ tín dụng, cao tốc, sân bay…

Hội nhập đã đem lại cho đất nước những thành quả kinh tế mạnh mẽ. Hội nhập cũng là để Việt Nam mạnh lên bằng những tiềm lực mới, vị thế mới cùng những tầm nhìn thế kỷ.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-mot-bai-bao-cua-bo-truong-thuong-mai-vu-khoan-nghi-ve-dat-nuoc-hom-nay-259666.html