Từ mô hình lúa - tôm đến những vùng sản xuất nông nghiệp giúp nông dân 'kiếm bộn' ở Thạnh Phú

Cuộc 'cách mạng' trong tư duy sản xuất đang giúp nhiều hộ sản xuất trên địa bàn huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre phát triển thành công những mô hình nông nghiệp cho giá trị kinh tế vượt trội, nổi bật như lúa - tôm, trồng dừa, xoài...

Với hiệu quả vượt trội cả về kinh tế và thích ứng biến đổi khí hậu, mô hình lúa - tôm đang lan rộng rất nhanh trên địa bàn xã An Nhơn. Theo thống kê, đến nay toàn xã có trên 1.783 ha sản xuất theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”, với khoảng 819 ha sản xuất lúa sạch.

Điểm sáng từ lúa - tôm

Hiện, mô hình lúa - tôm trở thành hướng đi mới cho người nông dân vùng biển xã An Nhơn. Mô hình không chỉ là sáng tạo tuyệt vời thích ứng biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra sản phẩm lúa an toàn, con tôm sạch, giúp người nông dân phát triển kinh tế bền vững hơn.

Để phát huy thế mạnh, chính quyền địa phương đang hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác đầu tư xây dựng kho chứa, nhà máy sấy, xay xát, đóng gói lấy tên “Gạo sạch Thạnh Phú” bán ra thị trường nhằm giúp thành viên đạt lợi nhuận cao nhất.

Nông dân Thạnh Phú đang có thu nhập tốt nhờ mô hình lúa tôm thuận thiên.

Điển hình, gần 3 năm trở lại đây, 20 hộ thành viên của Tổ hợp tác lúa - tôm ấp An Bình (xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) duy trì mức lợi nhuận từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng nhờ mô hình “con tôm ôm cây lúa”, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội địa phương. Bình quân mỗi năm, mỗi hộ thành viên trong Tổ hợp tác lúa - tôm ấp An Bình thu về 50 - 120 triệu đồng.

Cũng giống như ở An Nhơn, tại các địa phương khác của huyện Thạnh Phú như: Mỹ An, An Quy, An Thuận… cũng đang dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy mô hình lúa – tôm, tạo đòn bẩy giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Theo UBND huyện Thạnh Phú, mô hình lúa tôm có diện tích hơn 6.000 ha, tập trung tại các xã An Nhơn, Mỹ An, An Điền, Giao Thạnh,… với các giống lúa sản xuất chính như: OM 5451, OM 3536, OM 4900, OM 6162, OM 6976, OM 5451, OM 9915, OM 9921, OC10, Nàng hoa 9, Đài thơm 8, RVT và một số giống lúa mùa địa phương: Nàng keo, Tép trắng…

Đáng chú ý, nhờ sản xuất khoa học, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, năng suất lúa trung bình tại các vùng sản xuất lúa - tôm đạt trên 4,2 tấn/ha. Tổng quan, mô hình lúa - tôm ở Thạnh Phú cho lợi nhuận bình quân 70-80 triệu đồng/ha/năm, đồng thời cho thấy sự thích nghi với biến đổi khí hậu.

Đa dạng hóa cây trồng

Không chỉ có lúa – tôm, nông dân Thạnh Phú đang có rất nhiều mô hình khác cũng đang cho giá trị cao trong những năm qua. Nổi bật có thể kể đến mô hình trồng dừa với tổng diện tích canh tác hiện đạt trên 8.125ha, trong đó có hơn 752ha trồng theo mô hình hữu cơ.

Nếu so với năm 2020, huyện không có diện tích trồng dừa hữu cơ thì hiện nay huyện đang dồn sức tập trung cho vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tại các xã Thới Thạnh, Đại Điền, Phú Khánh, Tân Phong, Hòa Lợi… Đáng chú ý, các HTX nông nghiệp đang gắn kết tiêu thụ dừa trái và sản phẩm qua sơ chế với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo tiêu thụ dừa ổn định hơn so với bên ngoài thị trường.

Ông Phạm Văn Hà là thành viên của HTX Nông nghiệp Thới Thạnh ở xã Thới Thạnh. Trong 3 năm nay, ông canh tác 1,7ha dừa đạt chuẩn hữu cơ với hiệu quả khá cao. Ông cho biếtd, tham gia HTX, đầu vào, đầu ra sản phẩm quả dừa rất ổn định do được bao tiêu. Hiện nay, người dân sử dụng phân hữu cơ với giá gốc tại công ty liên kết với HTX.

Ngành nông nghiệp huyện Thạnh Phú hướng tới hình thành các chuỗi giá trị sản xuất hữu cơ.

“Đối với những hộ dân có nhân công được cán bộ chuyên môn tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ tại nhà để sử dụng nên giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Hàng tháng, đội nhân công của HTX đến tận vườn thu hoạch dừa hữu cơ cung ứng cho doanh nghiệp”, ông Hà chia sẻ.

Khi HTX hoạt động hiệu quả, người trồng dừa và người lao động cũng ổn định cuộc sống. Hiện tại, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương với công việc gia công dừa cho công ty chế biến. Tại đây, dừa khô sau khi lấy nước sẽ được nhân công cạy, gọt vỏ lụa để giao phần cơm dừa cho công ty ép dầu.

HTX Nông nghiệp Thới Thạnh được đánh giá là HTX điển hình của địa phương thực hiện rất tốt việc thu mua, bao tiêu nông sản của nông dân. HTX được thành lập năm 2017, chuyên trồng dừa, thu mua, gia công mặt hàng từ dừa…

Có thể thấy, từ cách làm hay, hoạt động hiệu quả của HTX đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở xã Thới Thạnh đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn.

Hình thành chuỗi giá trị

Cùng với lúa tôm và dừa, cây xoài cũng được đánh giá đang có nhiều triển vọng tại các xã ven biển của huyện Thạnh Phú, vùng trồng tập trung ở các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh, với diện tích trên 480ha, sản lượng hàng năm khoảng 7.000 tấn.

HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ xoài trái. Trái xoài tứ quý được công nhận và công bố nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú”. Thông qua đó, người trồng xoài áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị cây xoài như mô hình tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng cho cây xoài, giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Với những thành công đang có, huyện Thạnh Phú dự kiến tiếp tục ưu tiên hình thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung với các loại sản phẩm chủ lực của huyện, các sản phẩm đặc trưng có tiềm năng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo chỉ tiêu, nhiệm vụ đề án.

Cụ thể, huyện xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ đến năm 2025 đạt 1.500ha; năm 2030 đạt 2.500ha trên địa bàn các xã trong vùng ngọt hóa dự án 418; xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS đến năm 2025 đạt 200ha; xây dựng vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS đến năm 2025 đạt 2ha trên địa bàn xã Bình Thạnh, Thạnh Phong và Thạnh Hải; xây dựng vùng sản xuất tôm rừng đạt tiêu chuẩn EU Organic đến năm 2025 đạt diện tích 300ha; xây dựng vùng sản xuất tôm - lúa đạt tiêu chuẩn ASC đến năm 2025 đạt diện tích 2.000ha trên địa bàn các xã Tiểu vùng 2 và 3…

Đồng thời, huyện phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ, như xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại huyện, tạo ra hàng hóa lớn đối với các sản phẩm chủ lực: cây dừa, cây lúa, con tôm biển; tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch làm phân hữu cơ, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/tu-mo-hinh-lua-tom-den-nhung-vung-san-xuat-nong-nghiep-giup-nong-dan-kiem-bon-o-thanh-phu-1099180.html