Từ miền Nam, nhớ cơm quê mùa lụt của má

Ở miền Nam, để tìm ra được cái mùi, cái vị từng món ăn dân dã một thời của gia đình tôi, nhất là trong những ngày mưa lụt thì chỉ có thể men theo ký ức mà về!

Món ngon má nấu như gà kho nén nghệ, cá kho lá nghệ... theo tôi trên hành trình tha hương.

Khí hậu miền Nam năm nay có sự thay đổi không hề nhẹ. Sáng ra trời se lạnh, trưa thì nắng chói chang còn chiều về thì mưa dông kéo dài… Tụi nhỏ đi học rồi cả nhà chạy tới chạy lui đưa đón chưa thích ứng kịp với sự thay đổi thất thường của thời tiết nên cùng… sụt sịt. Cơn chán ăn cứ thế kéo đến rất tự nhiên, cho đến khi chợt nhớ nồi thịt gà kho nghệ của má…

“Mấy ngày nay trời ngoài này mưa dữ lắm con! Mùa này mưa - lạnh - lụt nên dễ bịnh, má cũng không dám ra đường luôn. Mấy đứa nhỏ bịnh hả, con nấu cái chi ấm ấm cho tụi nó ăn chứ trời trong đó đang chuyển mùa nên khó chịu đó nghe con”. Nghe má dặn mà tôi vừa thương vừa mắc cười, bởi má tôi hay đánh đồng tôi bằng “ mấy đứa nhỏ”, lúc nào cũng thủ thỉ, dặn dò….

Ngày xưa trời mưa kéo dài, đài báo lụt là má tôi ra chuồng bắt con gà làm thịt để tẩm bổ cho mấy đứa con. Má tôi nói trời mưa “gà rù sẽ chết” nhưng mãi đến khi lớn lên tụi tôi mới hiểu, chả có con gà nào chết vì rù hay trời mưa cả. Con người miền Trung nơi tôi lớn lên cũng không đầu hàng với mưa dông bão lũ. Chỉ có má tôi sợ con bị bịnh khi tiết trời ẩm ương mà thôi.

Bắc nồi nước sôi nhờ ba tôi làm thịt con gà xong là má đội cái nón cời ra vườn đào củ nghệ. Tôi lon ton theo sau. Mấy lần bị má phát hiện đuổi vào, còn lần nào không bị phát hiện là tới bụi nghệ, má ngắt cái lá nghệ già che mưa, còn úp cái nón cời lên đầu tôi cho khỏi ướt.

Mùa mưa đất mềm, má chỉ cần khời nhẹ lớp đất trên là mấy củ nghệ già đã lộ rõ. Cái thanh tre khời đúng vài chỗ là hai tay tôi bụm đầy củ nghệ tươi thơm phức. Hối con đứng lên chạy nhanh vô nhà cho khỏi ướt, tiện tay má bứt vài lá nghệ non để công đoạn cuối cho vào nồi gà kho.

Cầm một nắm hạt nén trên tay, má tôi kêu chị Thanh thổi vỏ nén cho sạch rồi giã chung với hành, tỏi, hạt tiêu đen. Công đoạn ướp của má lắt nhắt đủ thứ gia vị nên tôi không nhớ hết. Nhưng bí quyết nằm ở chỗ củ nghệ tươi giã thật nhuyễn, không ướp khi thịt gà chưa chín mà cho vào khi thịt gà đã săn.

Má nói, cái kiểu ướp đó là bà ngoại chỉ cho má, để cái mùi nghệ không lẫn vào hành tỏi tiêu củ nén mà mất đi cái vị riêng của nó. Kho như vậy củ nghệ sẽ giữ được mùi thơm, con nít ăn rất thích. Mà mùa này, con nít ăn được củ nén với nghệ tươi thì đỡ bịnh lắm!

Mùa mưa ở miền Trung kéo dài cho tới Tết âm lịch. Và trong suốt 3 tháng lạnh lẽo đó, chúng tôi ấm áp lớn lên với những “bữa cơm thịnh soạn” đọng mãi trong ký ức tuổi thơ.

Ngày nước lên, ba tôi đem lưới thả sông Đế Võng là kiểu gì ngày đó chúng tôi cũng được ăn canh chua cá ngạnh bụng đầy trứng, cá diếc kho rau răm. Ngày đi thăm đồng ba cầm theo mấy cái lờ đặt cá. Đi chơi loanh quanh chờ ba về là có nồi cá rô kho khế chua hoặc cá tràu kho lá gừng ngon nhức nhối.

Ngày ngán món cá, má tôi mang gạo đi xay bột, rủ bọn tôi xúm lại đổ bánh xèo mời cả xóm cùng ăn. Chụm đầu ngồi lặt rau sống, cắt râu tôm hoặc xắt thịt ba chỉ mấy chị em tôi tranh nhau “khịa” má vụ “gà rù sắp chết” mà cười nghiêng ngả. Mãi sau này má nói, cái trò đổ bánh xèo là cách má giữ chân bọn tôi không cho đi dang mưa, lội lụt rồi về “báo cha báo mẹ”!

Tôi tha hương gần 20 năm, đã quen với cái nắng cái mưa ở miền Nam. Chỉ là năm nay nắng mưa ở miền Nam không còn theo mùa nữa. Sự thất thường của thời tiết đã khiến những món ăn phòng bệnh giao mùa của má có dịp trỗi dậy làm tôi thổn thức. Ở miền Nam, mua gì cũng được là thật nhưng tìm ra được cái mùi, cái vị từng món ăn dân dã một thời của gia đình tôi thì chỉ có thể men theo ký ức mà về!

PHƯƠNG DUNG

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/huong-sac-que-nha/tu-mien-nam-nho-com-que-mua-lut-cua-ma-151647.html