Từ miền Kinh Bắc đến xứ Đoài mây trắng

Thẳm sâu từ trong tiềm thức của nhiều thế hệ cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, hai chữ Bắc Ninh đã gắn với cái tên Trường Sĩ quan Chính trị.

Tôi có dịp ngồi với nhiều trí thức, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo của quân đội và đất nước, họ thường thân mật gọi tên nhà trường là “Trường Sĩ quan Chính trị Bắc Ninh”. Sinh thời, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã trải qua một khoảng thời gian đầy kỷ niệm tại trường. Trong câu chuyện của mình, ông nhớ từng đoạn tường thành cổ rêu phong, từng gốc cây già trong khuôn viên của trường và nhất là cảm động trước tình nghĩa của những người thầy, người đồng đội mặc áo lính nơi đây. Chẳng thế mà dù xa quân ngũ đã lâu nhưng tác giả của những bài thơ nổi tiếng như: “Chiếc lá đầu tiên”, “Viên xúc xắc mùa thu”... luôn mặc áo bộ đội khi đi giao lưu văn nghệ ở bất cứ nơi đâu. Cách đây vài năm, trong một buổi giao lưu với cán bộ, học viên nhà trường tại sân A1 (khu vực Thành cổ Bắc Ninh), nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nói những lời gan ruột: “Chính nơi này đã nuôi dưỡng hồn lính, chất lính trong tôi, để thơ tôi dạt dào hồn lính, để cuộc đời tôi ngân mãi khúc quân hành!”.

Ở Bắc Ninh, Trường Sĩ quan Chính trị nằm giữa một không gian văn hóa quan họ đặc sắc. Tháng tháng ngày ngày, nét văn hóa ấy thẩm thấu vào không gian sư phạm của trường thông qua sự tiếp xúc giữa cán bộ, học viên với người quan họ; thông qua mối liên hệ kết nghĩa bền chặt giữa nhà trường với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương; thông qua những sinh hoạt giao lưu văn hóa với bà con Kinh Bắc... Để rồi, người dân miền quan họ đều coi mái trường thành cổ như một thành tố góp phần tạo nên bản sắc của quê hương mình gần nửa thế kỷ qua. Còn chiều ngược lại, mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của trường đều cảm nhận sự thân thuộc với từng làn điệu dân ca quan họ, với từng cử chỉ, điệu bộ thưa gửi, với phong cách sống nghĩa tình, thủy chung và lối ứng xử tao nhã của người quan họ. Họ thấy mình như trở thành một phần máu thịt của quê hương Kinh Bắc tự bao giờ...

Một tiết mục trong buổi giao lưu "Mái trường trong tôi" tổ chức tại khu A, Trường Sĩ quan Chính trị, năm 2019. Ảnh: NGUYÊN ĐỨC

Thế rồi từ miền quê Kinh Bắc, Trường Sĩ quan Chính trị hành quân về xứ Đoài mây trắng, trên quê hương Thạch Thất, Hà Nội. Thực ra hiện tại, nhà trường vẫn đứng chân ở 3 nơi: Khu A ở huyện Thạch Thất, khu B ở thành phố Bắc Ninh và khu C ở huyện Việt Yên (Bắc Giang). Nhưng phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường đã thực hiện một cuộc chia tay mảnh đất quan họ để về "an cư lạc nghiệp" trên miền đất mới. Không “dùng dằng kẻ ở, người đi” sao được khi có những người đã gắn bó hai phần ba cuộc đời với cổng Tiền, cổng Hậu, Vạn An, Vệ An, Kinh Bắc, Ninh Xá; với không gian văn hóa quan họ... Bởi vì Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn như nhà thơ Chế Lan Viên từng bộc bạch nỗi lòng.

Sẽ nhớ lắm những làn điệu dân ca vang lên từ những lễ hội làng Đặng, làng Diềm, làng Yên, làng Niềm... Sẽ nhớ lắm những đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận tại địa phương với đêm văn nghệ rộn ràng “quan họ áo xanh, quan họ yếm đào”... Có bao sĩ quan trẻ của nhà trường đã cùng chị hai, chị ba quan họ nên duyên chồng vợ như một điều minh chứng cho mối nhân duyên mấy chục năm của Trường Sĩ quan Chính trị với mảnh đất ngàn năm văn vật Kinh Bắc-Bắc Ninh...

Không gian văn hóa xứ Đoài rất rộng lớn. Đây là một vùng đất bao bọc trung tâm châu thổ sông Hồng ở phía tây, tây bắc và phía bắc. Nơi đây được định vị bởi sông Đà ở phía trên và sông Hồng ở phía dưới, tả ngạn có ngọn núi Tam Đảo và hữu ngạn có ngọn núi Tản Viên hùng vĩ. Xứ Đoài còn có ngã ba Bạch Hạc, là nơi hợp thành của ba sông, đó là sông Đà, sông Thao và sông Lô. Khu A của Trường Sĩ quan Chính trị nằm ở vị thế sơn thủy hữu tình, chính là ở giữa không gian văn hóa xứ Đoài vậy.

Về với xứ Đoài, Trường Sĩ quan Chính trị về với cái nôi truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời. Những cảnh sắc thiên nhiên và di tích lịch sử văn hóa như: Ao Vua, Thác Đa, hồ Ngải Sơn, Đồng Mô, Suối Hai, Vườn quốc gia Ba Vì, núi Tản Viên, Thành cổ Sơn Tây, ấp xưa Đường Lâm, dãy núi Ba Vì... đã đi vào tiềm thức bao đời, nên chỉ một cái tên cũng gợi lên vời vợi một không gian đất trời bao la. Xứ Đoài lắng đọng trầm tích một vùng văn hóa tâm linh Lạc Việt. Những đền Và, chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đình Tây Đằng; những truyền thuyết, huyền thoại Sơn Tinh-Thủy Tinh, sự tích thánh Tản Viên-một trong tứ bất tử Việt Nam, bà Man Thiện-người mẹ anh hùng của Hai Bà Trưng, Bố Cái Đại Vương-vua lớn Phùng Hưng... đưa chúng ta về với bao huyền tích tiền nhân, rưng rưng niềm tự hào con dân đất Việt. Người dân xứ Đoài sống khảng khái, khoan dung. Con trai xứ Đoài có tiếng là tài hoa, gan dạ và thông minh. Con gái xứ Đoài chịu thương chịu khó, giỏi làm ăn, chiều chồng và khéo nuôi con. Người dân xứ Đoài cư xử với tất cả mọi người không phân biệt địa phương, bất cứ người ở đâu cũng đều được quan tâm giúp đỡ theo phương châm “tứ hải giai huynh đệ”.

Vùng đất xứ Đoài hôm nay cũng có thể được coi là “thủ phủ” của màu xanh áo lính. Với vị trí của một “Vọng gác thủ đô, áo giáp chở che, ngàn năm bền vững” như lời bài hát “Hà Tây quê lụa” của cố nhạc sĩ Nhật Lai, nơi đây được chọn làm điểm đóng quân của nhiều đơn vị quân đội, nhiều học viện, nhà trường quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân địa phương đã coi bộ đội và màu xanh áo lính như một phần của miền đất này bao đời nay, giống như mây trắng vẫn hằng bay bao tháng năm trên trời xanh lồng lộng xứ Đoài...

Chính giữa miền xứ Đoài, Đảng, Nhà nước và quân đội đã tin tưởng giao cho Trường Sĩ quan Chính trị một cơ ngơi mới khang trang, hiện đại. Những ngôi nhà cao tầng vươn lên giữa cao xanh như gửi lên không trung bao ước vọng vươn tới tương lai. Từ bàn tay của cán bộ, giảng viên, nhân viên, chiến sĩ không quản gian khó, nắng mưa trong những năm qua, mảnh đất khắc nghiệt đầy nắng gió giờ đây đã ấm hơi người, xanh cây cỏ và ngào ngạt hoa thơm trái ngọt. Đã có những lớp học viên học tập trọn vẹn một khóa học tại cơ sở mới và tạm biệt mái trường từ mảnh đất xứ Đoài để đến với mọi miền đất nước. Họ cũng đã mang trong ba lô hành trang binh nghiệp của mình một khoảng trời xứ Đoài thương nhớ lắm, tương tự như bao lớp học viên khoác ba lô lên đường từ Thành cổ Bắc Ninh những năm qua: Vầng trán em mang trời quê hương/ Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương/ Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em đã bao ngày em nhớ thương? (thơ Quang Dũng).

Theo quy trình đào tạo, những học viên khi vượt qua kỳ tuyển sinh quân sự để vào trường sẽ được đào tạo giai đoạn 1 và một số học phần ở khu C (Việt Yên, Bắc Giang), khu B (Thành cổ Bắc Ninh), rồi sau đó là những năm tháng tiếp tục học tập, rèn luyện tại khu A (Thạch Hòa, Thạch Thất). Như thế là những sĩ quan chính trị tương lai của Quân đội ta sẽ được “tắm gội” ở cả hai "dòng sông văn hóa" là Kinh Bắc và xứ Đoài.

Hiếm có một ngôi trường nào dù trong hay ngoài quân đội hiện đang bao chứa cả sự cổ kính, khiêm nhường lẫn sự hiện đại, vững chãi và vươn tới như Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay. Đó là hạnh phúc, là niềm tin, là động lực để cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên nhà trường cùng nhau cống hiến, cùng nhau tỏa sáng, viết thêm vào lịch sử nhà trường những trang vinh quang trong thời kỳ phát triển mới.

Ghi chép của TRẦN QUANG TRUNG (*)

(*) Trung tướng, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tu-mien-kinh-bac-den-xu-doai-may-trang-661053