Từ lễ khai hạ đến kho tàng âm nhạc, mo Mường

Mỗi người có một lý do khi chọn xứ Mường để sáng tạo nên những tác phẩm hội họa, điêu khắc...

Tác phẩm 'Trừu tượng 2', tổng hợp trên giấy giang của Trần Thị Thu.

Song, tựu trung lại, các nghệ sĩ đều hướng đến việc lan tỏa những âm vang văn hóa ngàn đời của xứ Mường đến đời sống hôm nay.

Từ lễ khai hạ…

Triển lãm “Xứ Mường” tại Hà Nội của 5 họa sĩ: Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường), Trần Thị Thu (Thu Trần), Trần Trung Dũng, Bùi Văn Đạo và Nguyễn Giang Châu đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng. Cũng bởi, họ đều là những người con sinh ra hoặc lớn lên ở Hòa Bình nên câu chuyện họ kể về vùng đất này mang chiều sâu văn hóa bản địa...

Khai hạ (Khuống mùa) - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - là lễ hội dân gian truyền thống lâu đời của người Mường ở Hòa Bình, thường được tổ chức vào mùa Xuân.

Đây là dịp người dân được bày tỏ lòng kính trọng các vị thần linh, tưởng nhớ những người có công lập đất, lập Mường. Cũng từ đây, người Mường cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống hạnh phúc, ấm no.

Lễ hội dân gian đặc sắc này được người con xứ Mường - họa sĩ Bùi Văn Đạo -chuyển tải vào tác phẩm điêu khắc “Khai hạ” không kém phần độc đáo và thú vị. Anh sử dụng chất liệu gỗ để tạo tác những khối hình tựa mối liên hệ rường cột, và in trên đó là một số gương mặt như biểu tượng các vị thần có công lập Mường, lập đất luôn đồng hành cùng cuộc sống của người Mường.

Và neo vào đó là các khuôn mặt cộng đồng thể hiện niềm hạnh phúc, hân hoan cũng như lòng biết ơn và niềm mong ước, hy vọng về một ngày mai tươi sáng…

Cùng với “Khai hạ”, họa sĩ Bùi Văn Đạo còn có tác phẩm “Cơm mới” (gốm) - cũng được khai thác từ chất liệu văn hóa dân gian của quê hương anh. Nếu lễ khai hạ tổ chức vào mùa Xuân thì lễ mừng cơm mới của người Mường ở Hòa Bình thường được tổ chức sau mùa thu hoạch, vào độ tháng 10 âm lịch.

Tục lệ này phổ biến trong từng gia đình với lễ tạ ơn trời đất, các vị thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho dương gian mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, dân Mường có cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Chớp lấy ý nghĩa ấy, họa sĩ chuyển tải khá tinh tế, dù chỉ với 3 tạo hình mộc mạc, giản dị trong “Cơm mới”. Từ đó, người xem dễ dàng cảm nhận được ở tác phẩm không khí lễ mừng cơm mới đầy ấm áp, hạnh phúc trong một gia đình người Mường.

Ngoài ra, Văn Đạo còn tái hiện những sinh hoạt thường ngày của người Mường xưa qua bộ tác phẩm “Nét xưa” (1, 2, 3, 4). Nét xưa trong ký ức họa sĩ là hình ảnh bên bếp lửa mồi có các mế, các chị quây quần châm cho nhau hút thuốc lào (điếu ục); là các thiếu nữ vùng sơn cước thả dáng óng ả lưng ong.

Những ký ức này phần lớn được thể hiện qua chất liệu gốm, diễn tả được sự bình dị, gần gũi, gợi không gian thanh bình, yên ả. Ở những phút giây nghỉ ngơi bên bếp lửa, dường như, mọi mệt nhọc và lo toan của cuộc sống nơi các chị, các mế đều không còn nữa mà chỉ là những niềm vui, yêu đời…

Còn ở bộ 5 tác phẩm “Ngày mùa” lại là những bận rộn của các chị, các mế đeo ớp xuống ruộng đi cấy, đi cày. “Ớp Mường có rất nhiều công năng là đồ đựng trầu cau (dụng cụ ăn trầu, thuốc lào) vừa để đựng các sản vật của tự nhiên như cua, ốc, châu chấu, vật vờ, ve nước. Đó là những sinh hoạt thường ngày của con người xứ Mường”, họa sĩ Bùi Văn Đạo giải thích về ớp - một vật dụng quen thuộc của phụ nữ Mường.

Tác phẩm 'Cơm mới', gốm của Bùi Văn Đạo.

…đến kho tàng âm nhạc, mo Mường

Cuộc trưng bày được ví như “bản giao hưởng” mỹ thuật Mường hiện sinh đương đại. Hình thể phong cách của các tác phẩm cũng là một “cung cầu vồng” bán nguyệt từ phong cảnh hiện thực thắm thiết, đến biểu hiện và trừu tượng mênh mông lan tỏa. Tất cả đều nối dài từ những “mạch ngầm” của văn hóa mỹ thuật và âm nhạc, văn chương của xứ nguyên thủy Việt Mường - Hòa Bình.

Là người lớn tuổi nhất (sinh năm 1970) và hoạt động mỹ thuật có bề dày nhất với việc tham gia nhiều triển lãm, giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế trong nhóm 5 họa sĩ cùng kể chuyện về xứ Mường dịp này, họa sĩ Trần Thị Thu đem đến triển lãm series 23 tác phẩm cùng được lấy chủ đề là “Trừu tượng” và lần lượt đánh số.

Vì vậy, không dễ để “đọc” những câu chuyện mà nữ họa sĩ muốn kể trong các bức tranh được vẽ bằng chất liệu tổng hợp trên giấy giang. Nhưng, nếu lắng lại cùng nét vẽ và khuôn màu phần nhiều mang độ trầm của đen xám, người xem vẫn có thể cảm nhận được những hình khối có khi là khuôn mặt, dáng hình chưa khi nào ở trạng thái tĩnh mà luôn chuyển động, vang vọng các mạch nguồn văn hóa xa xưa.

Đó là chủ ý mà họa sĩ muốn mang lại: “Từ hang Đồng Nội của tổ tiên ta để lại, từ đó tôi đi dọc con sông Đà để tìm lại những vết tích của “xứ Mường”. Một vùng đất với kho tàng về âm nhạc, mo Mường, sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước” đầy sức biểu cảm, tôi kết hợp chính chất liệu của đất Mường và ngôn ngữ hội họa biểu hiện - trừu tượng để ca ngợi xứ Mường”.

Tác phẩm 'Trừu tượng 4', tổng hợp trên canvas của Trần Trung Dũng.

Và, không hẹn mà gặp, họa sĩ 8X (1980) Trần Trung Dũng cũng mang những lời đồng vọng ấy vào các tác phẩm của mình khi giới thiệu 10 bức tranh sơn dầu/tổng hợp trên canvas.

Cũng lấy chủ đề là “Trừu tượng”, song tranh của Trung Dũng rực rỡ hơn với sắc xanh, đỏ để hòa mình vào dòng chảy văn hóa Mường và cảm nhận nhiều giá trị đậm đặc sử thi.

Đó là những giá trị nghệ thuật từ dân ca Mường, nghệ thuật chiêng mo, “Đẻ đất - Đẻ nước”…; là những phong tục, tập quán, tín ngưỡng như nghi thức cúng lễ vật, rước lễ, xuống đồng, cơm mới…; là tâm thức tôn kính các vị thần linh, những người lập đất, lập Mường.

Những mong ước ấm no hạnh phúc cho cộng đồng. “Qua trực giác của mình, tôi vẽ về xứ Mường với mong muốn những âm vang, đồng vọng sâu lắng trong vô thức, hình thành những sắc thái trên các tác phẩm của mình”, họa sĩ Trung Dũng chia sẻ.

Kết nối truyền thống đến hiện đại

Tác phẩm 'Gốm Hiếu Mường 2' của Vũ Đức Hiếu.

Cũng là người con của xứ Mường, họa sĩ Vũ Đức Hiếu nổi danh khi thành lập Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, Hòa Bình. Cùng với việc chăm chút công tác sưu tập, trưng bày hiện vật phản ánh rõ nét đời sống tinh thần, phong tục tập quán của người Mường, Vũ Đức Hiếu còn chuyên tâm đến những tạo hình từ gốm.

Cũng bởi, anh tự hào về truyền thống nghề gốm của cha ông, với các sản phẩm men trắng, men ngọc, nâu, hoa lam… Dù trải qua bao biến thiên lịch sử song nghề truyền thống này vẫn bền bỉ được đời này qua đời khác gìn giữ, lưu truyền.

Tuy nhiên, anh không khỏi băn khoăn trước sự phát triển đa dạng của xã hội và nhiều vật liệu mới ra đời cùng với sự tiện ích của công năng, có những giai đoạn tưởng chừng như gốm bị thay thế.

“Nhưng cũng như nhiều nghệ sĩ khác, tôi nghĩ rằng, gốm đã trở thành vật liệu và ngôn ngữ nghệ thuật để có thể thử nghiệm những sáng tác vượt ra ngoài kiểu dáng công năng mà cha ông đã từng làm.

Với đất, nước, men… những vật liệu và kỹ thuật mà cha ông để lại với cách nhìn và những thử nghiệm mới hy vọng sẽ kết nối truyền thống đến hiện đại ngày nay thông qua những tác phẩm được trưng bày”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu bày tỏ.

Quả vậy, qua hơn 10 tác phẩm làm từ chất liệu gốm, người xem dễ dàng nhận thấy dòng chảy truyền thống được người họa sĩ này tiếp nối đến hôm nay một cách công phu mà trân trọng.

Nhất là ở “Gốm Hiếu Mường” (2, 3, 6) nổi bật hơn cả khi bên cạnh sự tạo hình sống động, chúng còn được khoác thêm những nét hoa văn thổ cẩm xám đen, xanh cửu long… vốn rất quen thuộc của người Mường. Họa sĩ đã khéo khoe bản sắc văn hóa dân tộc mình trên sản phẩm nghệ thuật một cách khiêm nhường mà vẫn tạo được sức quyến rũ khác biệt.

Tác phẩm 'Chạng vạng 3', sơn dầu của Nguyễn Giang Châu.

Là người trẻ nhất góp tranh trưng bày tại triển lãm “Xứ Mường”, họa sĩ Nguyễn Giang Châu (1987) vẫn thể hiện được sự chắc tay khi kể chuyện về quê hương yêu dấu. Trong quá trình sáng tạo, nữ họa sĩ dần có sự dịch chuyển ngôn ngữ tạo hình từ hiện thực tới biểu hiện, và có chút chạm trừu tượng biểu hiện.

Đó là những bức tranh phong cảnh tả thực dịu dàng, quyến rũ, thơ mộng của vùng cao Tây Bắc. Cùng mang tên “Chạng vạng” nhưng nếu ở bức tranh 1 là nét chiều bừng sắc da cam khuất sau dáng núi tim tím thì ở bức tranh 2 và 3 lại là hình sơn nữ thảnh thơi cuối ngày để sau đó bước vào màu đỏ rực của lửa trong bếp đã được nhóm.

Đến “Phong cảnh” (1, 2, 3) thì tràn ngập sắc hoa ban tím buông trên mái nhà, bừng lên sức sống tươi đẹp. Trong những ngôi nhà cài hoa ấy vào mỗi chạng vạng là những câu chuyện sinh hoạt cộng đồng, nghi thức tâm linh của các mế, các chị…

Bên cạnh đó còn là 10 tác phẩm sơn mài cùng mang chủ đề “Xót” và 5 bức tranh sơn dầu “Cá” cũng đều được khởi nguồn từ nguồn cội quê hương đã tắm đẫm trong tâm thức người con gái xứ Mường. Khi đó, họa sĩ tín hiệu hóa trong ngôn ngữ tạo hình của “Xót” những gì cô gạn, rút ra từ cuộc sống, vốn cổ, họa tiết trên váy, trống đồng…

“Là một người con dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên trên nếp nhà sàn, cạnh con sông Đà, nơi được coi như một cái nôi văn hóa lớn trong cộng đồng người Mường ở Hòa Bình nên không khó để nhận ra nguồn cảm hứng lớn được lấy làm nguyên liệu trong các tác phẩm của tôi.

Đó là những hình ảnh như con tôm, con cá, ánh lửa bên bếp nhà sàn, mái tranh, vách đá tai mèo, hay hình ảnh các chị, các mế tắm dưới ánh trăng… Những nếp sinh hoạt văn hóa, tâm linh mang đậm dấu ấn con người nơi đây...”, họa sĩ Giang Châu cho biết.

Hoàng Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-le-khai-ha-den-kho-tang-am-nhac-mo-muong-post639245.html