Tự làm mới mình, nông dân làng hoa Sa Đéc trồng không đủ bán

Thay vì một màu vàng tươi, nay cũng là giống hoa cúc mâm xôi nhưng với nhiều màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, nông dân làng hoa Sa Đéc tự làm mới mình để rồi hoa trồng ra không đủ bán.

Thay đổi để tạo sự khác biệt

Câu chuyện thay đổi bắt đầu từ một thủ lĩnh trong Tổ hợp tác sản xuất và cung ứng hoa kiểng khóm Tân An, phường An Hòa, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp).

Đó là anh Đặng Quang Giàu (40 tuổi), người nối nghiệp gia đình - có truyền thống trồng hoa kiểng tại thủ phủ hoa kiểng lớn nhất miền Tây.

Vụ hoa Tết năm nay anh Giàu thành công với thử nghiệm mới bằng giống hoa cúc mâm xôi ngũ sắc.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Giàu nói: "Thời buổi kinh tế thị trường nếu mình không thay đổi thì mình vẫn là mình của mấy chục năm về trước.

Nếu muốn thích nghi và phát triển thì tư duy mới rất cần được áp dụng vào thực tiễn. Như năm nay, tôi đã thành công với cúc mâm xôi ngũ sắc này".

Dẫn PV tham quan vườn cúc mâm xôi lung linh với những sắc màu như: đỏ, đỏ cam, hồng, tím… anh Giàu cho biết, cơ duyên để năm nay anh chọn cúc mâm xôi có nguồn gốc từ Hà Lan và Hàn Quốc về trồng phục vụ thị trường Tết thay cho giống truyền thống. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc muốn góp thêm sự phong phú cho làng hoa Sa Đéc.

"Nhiều năm nay, giống này đã có mặt ở làng hoa Sa Đéc nhưng không ai chọn trồng vì sợ không có được hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, với giống hoa lạ người dân sợ khó chăm sóc sẽ bị mất mùa trong mỗi dịp Tết đến - xuân về", anh Giàu nói.

Và anh cho biết thêm, không ai trồng nên anh mạnh dạn trồng. Vì sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, anh phát hiện giống cúc mâm xôi mới này về mặt kỹ thuật không khác gì so với giống truyền thống.

Chỉ có điều, do nguồn gốc xuất phát từ vùng đất ôn đới nên loại hoa này khi trồng phải chịu khó chăm sóc. Và khâu quan trọng nhất là phải chong đèn cho hoa vào ban đêm. Có như vậy thì hoa mới phát triển theo đúng mong muốn ban đầu.

"Thời gian từ lúc trồng cho đến khi ra hoa cũng bằng với cúc mâm xôi truyền thống, tức là gần bốn tháng. Nhưng nếu mình muốn để cây phát triển to và nhiều bông hơn thì mình ngắt nhánh thêm một lần nữa, cây vẫn phát triển bình thường", anh Giàu thông tin thêm.

Vụ hoa Tết năm nay, anh Giàu cho trồng 5.000 giỏ hoa cúc mâm xôi ngũ sắc. Mỗi giỏ có giá 200.000 đồng, cao hơn gấp đôi so với giá bán giống cúc mâm xôi truyền thống. Do có màu sắc khác lạ nên Tết chưa đến mà vườn nhà của anh Giàu hoa đã bán hết, hàng giao sau...

Anh Giàu nói: "Nhiều khách gọi hỏi mua nhưng tôi đã từ chối vì số lượng trồng năm nay bán không đủ. Nếu tính cộng dồn các đơn hàng đã từ chối thì gom lại tôi có trồng 10.000 giỏ vẫn không đủ để giao cho khách đặt mua".

Điểm thu hút khách nơi làng hoa trăm tuổi

Được biết, Tổ hợp tác sản xuất và cung ứng hoa kiểng khóm Tân An, phường An Hòa, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) hình thành từ năm 2017. Sáu năm qua, số thành viên là 11 với 2,5ha đất sản xuất vẫn được duy trì.

Sự kết hợp giữa kinh nghiệm sản xuất và nhạy bén với thị trường, nông dân làng hoa Sa Đéc mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho làng hoa trăm tuổi.

Là thành viên của tổ, ông Nguyễn Văn Út (65 tuổi) nói: "Từ khi vào tổ hợp tác tới giờ, việc làm ăn của tổ rất phát đạt. Cái hay là ngoài tăng thu nhập cho bản thân nhờ cùng nhau sản xuất và bán hoa Tết mỗi năm, tổ còn giúp cho nhiều lao động địa phương có việc làm, ổn định cuộc sống".

Ông Phạm Văn Bảnh (67 tuổi), cũng là thành viên tổ hợp tác cho biết, muốn tồn tại với nghề trồng hoa thì phải đổi mới và sáng tạo. Tuy nhiên, việc này chỉ một người làm rất khó.

Vì với những người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm sản xuất nhưng lại thiếu nhạy bén về thị trường, điều này ngược lại với người trẻ. Cho nên, khi vào tổ hợp tác, ngồi cùng nhau để chia sẻ thì những khó khăn vừa đưa ra đều được giải quyết thỏa đáng.

"Như vụ hoa Tết năm nay, chỗ Giàu có chia sẻ muốn thử nghiệm giống hoa mới. Sau khi chúng tôi được giới thiệu về kỹ thuật trồng cúc ngũ sắc thì thấy không có gì khó so với cúc mâm xôi truyền thống nên đã đồng ý thực hiện.

Hiệu quả không ngờ là ngoài hoa hút hàng với màu sắc khác lạ thì nơi đây mỗi ngày thu hút khoảng 100 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh và hỏi mua giống về trồng", ông Bảnh cho biết thêm.

Giống cúc mâm xôi mới mang đến trải nghiệm mới cho du khách ghé đến tham quan, chụp ảnh.

Thông qua mạng xã hội, chị Nguyễn Ngọc Lan (23 tuổi, ngụ thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) ghé tham quan vườn cúc mâm xôi ngũ sắc để chụp ảnh. Chị nói: "Ngoài đến đây tham quan, tôi cũng định hỏi mua vài giỏ hoa cúc mâm xôi ngũ sắc về trưng bày nhưng tiếc là chủ vườn đã bán hết".

Đến tìm hiểu về quy trình trồng cúc mâm xôi ngũ sắc, ông Huỳnh Văn Thọ (50 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) thông tin: "Nhà tôi cũng chuyên trồng hoa bán Tết, thấy cúc mâm xôi năm nay ở làng hoa Sa Đéc có màu sắc khác lạ nên định kết hợp mua giống về trồng cho đợt Tết năm sau".

Bà Võ Thị Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) nói: "Với sự sáng tạo cùng đổi mới trong cách làm ăn, đặc biệt là chỗ Tổ hợp tác sản xuất và cung ứng hoa kiểng khóm Tân An, phường An Hòa đã làm cho làng hoa năm nay đón Tết thêm sinh động với giống hoa mới cúc mâm xôi ngũ sắc.

Thành phố luôn khuyến khích nông dân trồng hoa đổi mới để tạo nên sự phong phú cho làng hoa và thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, đặc biệt là trong dịp Festival hoa - kiểng Sa Đéc lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 30/12/2023 đến 5/1/2024".

Một số hình ảnh của giống cúc mâm xôi ngũ sắc tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp):

Vườn cúc mâm xôi ngũ sắc có giống nhập khẩu từ Hà Lan và Hàn Quốc.

Để cây phát triển tốt và hoa ra đẹp, người trồng cần phải chong đèn cho hoa vào ban đêm.

Thời gian ra hoa và kỹ thuật chăm sóc cúc mâm xôi ngũ sắc tương tự như cúc mâm xôi truyền thống ở Làng hoa Sa Đéc.

Với màu sắc bắt mắt, vườn cúc mâm xôi ngũ sắc thu hút đông lượng khách đến trải nghiệm.

Tết chưa đến nhưng số cúc mâm xôi ngũ sắc này đã được khách đặt mua hết.

Thay đổi để mang đến sự phong phú cho làng hoa Sa Đéc, giúp nông dân trồng hoa tăng thu nhập.

Hiện nay, tổng diện tích trồng hoa, kiểng ở Sa Đéc gần 950ha, tập trung nhiều ở xã Tân Khánh Đông (324ha) và phường Tân Quy Đông (320ha).
Toàn thành phố có khoảng 4.000 hộ sản xuất hoa, kiểng, chiếm khoảng 50% số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; hơn 200 cơ sở kinh doanh hoa, kiểng. Sa Đéc có 4 hợp tác xã, 1 quỹ tín dụng, 10 tổ hợp tác và 3 hội quán hoạt động có liên quan đến ngành hàng hoa, kiểng.
Thủ phủ hoa kiểng lớn nhất miền Tây hiện có khoảng 2.000 chủng loại hoa, kiểng các loại. Trong đó, kiểng công trình, trang trí nội thất chiếm 65%, hoa các loại là 20%, kiểng cổ bonsai 15%.
Các loại hoa phổ biến là cúc mâm xôi, hoa lưu ly, hướng dương, dạ yến thảo, cúc đồng tiền, cát tường, dừa cạn, mẫu đơn, lan các loại… Cùng với các loại hoa, nhiều nhà vườn ở Sa Đéc có thu nhập cao từ nghề trồng kiểng như mai vàng, các loại kiểng lá, các loại kiểng cổ bonsai…

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-lam-moi-minh-nong-dan-lang-hoa-sa-dec-trong-khong-du-ban-192231220164040368.htm