Từ kênh cũ đến bến mới

Áp lực từ phát triển kinh tế khiến một Sài Gòn quang đãng, phóng khoáng ngày càng trở nên ngột ngạt, chen chúc hơn. Tìm đâu khoảng trống trời nước của những bến sông, nơi mọi người có thể tiếp nạp, đong đầy giá trị nhân văn cho chốn cư ngụ?

Dự án của nhóm thiết kế nhằm mục đích kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tìm đâu một Sài Gòn sông nước...?

Sài Gòn dẫu qua bao đổi thay, vẫn được mặc định như một đô thị sông nước. Cái chất sông nước ấy không chỉ bởi thành phố nằm bên dòng sông, như bao thị tứ khác ở dải đất Việt “quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà”.

Ngay từ những ngày đầu hình thành, sức sống của thành phố này đã khởi đi và giữ lại từ những dòng sông, bến nước. Một đô thị từ buổi non trẻ tràn đầy sức sống nhờ những con kênh bờ rạch, mà hôm nay vươn mình soi bóng cũng bởi mặt nước uốn quanh.

Cũng từ đó mà hình ảnh trên bến dưới thuyền dần đi vào trong tâm thức mỗi người dân Sài Gòn một cách mộc mạc, chân phương nhất. Thế nhưng, cùng với tiến trình phát triển của lịch sử, quá trình xây dựng Sài Gòn - TP.HCM cũng làm phai mờ và lãng quên chính bản sắc thân thương này.

Hàng loạt các công trình cao tầng chen chúc nhau vươn lên, che lấp dần những giá trị vốn được hình thành và tạo nề nếp cho cuộc sống Sài Gòn. Có thể tìm đâu một Sài Gòn sông nước ngày xưa?

Con kênh ngày xưa, giờ có thân và quen?

Hòa mình vào những dòng người ngược xuôi, đã bao giờ kịp nhận ra rằng hầu hết sự đông đúc, nhộn nhịp đều tập trung vào những giao lộ, trung tâm thương mại… trong khi nơi tiếp cận với bờ sông Sài Gòn lại dần mất đi cái chất bến bờ, mà chỉ còn lại các dồn nén của giao thông và mưu sinh phố xá. Nhìn nhận vấn đề như thế, hãy thử suy nghĩ: tại sao không thể trả lại vẻ đẹp trên bến dưới thuyền vốn có?

Chắc hẳn một cư dân Sài Gòn không ai là không biết đến phố đi bộ Nguyễn Huệ. Thế nhưng, có mấy ai còn nhớ nơi ấy đã từng là một dòng kênh mang tên Charner.

Bằng cách đưa dòng nước quay trở lại, thông qua kênh dẫn và hồ tràn kiểu mới, đồng thời tạo nên một bến thuyền du lịch hiện đại, đáp ứng được mục đích công năng vận chuyển công cộng, kênh cũ hoàn toàn có thể được “hồi sinh” nơi bến mới.

Dĩ nhiên các chồng lớp của lịch sử hầu như không thể quay lại ban đầu. Dĩ nhiên ngày mai không thể cứ mãi trông chờ vào hình ảnh của một hôm qua đã thành quá vãng. Nhưng giải pháp từ ý tưởng khôi phục “dòng chảy” là điều có thể hình dung và tạo sự kết nối, đồng thời đóng góp cả về mặt kỹ thuật cho khả năng giảm ngập. Bằng những cung bậc khác nhau, một không gian có sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai hoàn toàn có thể tạo nên một sợi dây liên kết vững chắc nhờ nền tảng của cấu trúc đô thị hợp lý.

Hồi sinh cũng không có nghĩa là tạo dựng lại một bản sao y hệt trong quá khứ, mà phải phối hợp được với tiếng nói chung của thời đại. Vì vậy, công trình tạo ra cần đáp ứng được các giá trị dịch vụ công cộng, cũng như đủ khả năng đón trước các biến động trong sử dụng để thổi được sức sống vào đoạn đường tuy gọi là phố đi bộ nhưng đang dần có những nhàm chán về công năng và thiếu liên kết chặt chẽ về hình thức.

Từ kênh cũ đến bến mới

Với chủ đề cuộc thi Dấu ấn Sài Gòn 21 và bằng cảm nhận của thế hệ người trẻ nhìn về Sài Gòn, phương án thiết kế này xuất phát từ mong muốn truyền bá hình ảnh một Sài Gòn vừa hiện đại, năng động nhưng cũng rất đỗi hoài niệm, nhẹ nhàng. Gợi nhắc một thời huy hoàng của dòng kênh Chợ Vải, một nơi đã từng rất rộn ràng người qua kẻ lại, thuyền bè mua bán tấp nập.

Hình ảnh trên bến dưới thuyền đã được tái hiện lại một cách rõ ràng nhất, dòng kênh đã trở lại và mang hơi thở của thế kỷ 21 với những hoạt động văn hóa giải trí đa dạng: cà phê, triển lãm, trình diễn nghệ thuật, tổ chức sự kiện văn hóa, thư viện...

Những tấm platform với những cao độ và hoạt động khác nhau sẽ tạo điều kiện cho sự tương tác giữa con người với con người và con người với dòng nước được tăng thêm. Những người mong muốn tìm lại sự hoài cổ hay tìm nơi vui tươi tràn đầy sức trẻ hoặc ngay cả muốn kết nối lại với thiên nhiên cũng sẽ không cô đơn khi đến đây.

Công trình sẽ là tụ điểm mới cho mọi thế hệ giúp nâng cao đời sống tinh thần và truyền tải hình ảnh của một Sài Gòn sông nước thật đẹp.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ khởi thủy là con kênh lớn với tên gọi Kinh Lớn (sau đổi thành Charner) dẫn nước từ bến Bạch Đằng vào đến trước Dinh xã Tây - nay là UBND TP.HCM.

Mô hình hoạt động của phố đi bộ Nguyễn Huệ của nhóm thiết kế.

Một góc phố đi bộ Nguyễn Huệ của nhóm thiết kế.

ThS. KTS Nguyễn Bích Hoàn, Trưởng bộ môn Lý luận và Lịch sử, khoa Kiến trúc - ĐH Kiến Trúc TP.HCM, chia sẻ: “Dù mọi thứ đang là ý tưởng. Dù nhóm thiết kế giải pháp này mới chỉ được Giải Ba workshop Dấu ấn Sài Gòn 21 do Khoa Kiến trúc TP.HCM tổ chức (11.2019) thì vẫn có thể nhận ra ngày mai vẫn luôn cần bắt đầu từ hôm nay.

Tương lai nằm trong tay những người trẻ đầy nhiệt huyết, có kiến thức và thái độ đúng, để giữ vững một niềm tin rằng diện mạo phát triển bền vững của Sài Gòn - TP.HCM không phải là thiếu cơ hội được khởi sắc hơn, chỉnh chu hơn”.

Bài: Châu Tú - Thành Đạt

Ảnh: Huỳnh Nhị - Bình Duy

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tu-kenh-cu-den-ben-moi-22343.html