Từ Hoàng Xuân Vinh đến… bóng đá

1. Trong niềm vui với chiếc HCV lịch sử ở nội dung bắn súng tại Olympic 2016 do xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mang về, có không ít những chi tiết cho chúng ta thấy để có được kỳ tích đó, chủ yếu là ở phát súng cuối cùng, một phát đạn đã được đánh đổi với không ít nỗi buồn, sự chê trách và tiếc nuối trong sự nghiệp khá dài của vị đại tá quân đội này. Bản thân chiếc HCV của Hoàng Xuân Vinh cũng thuộc dạng ‘trăm năm có 1”, không hề dễ xảy ra. Đó là sự kết hợp giữa may mắn cũng như quan trọng hơn cả, người VĐV phải có đủ sự tích lũy để thành công ở thời khắc mà có lẽ chỉ phải trải qua rất nhiều thất bại mới có đủ bản lĩnh vượt qua.

Đấy chính là bản chất của thể thao, một lĩnh vực mà chính sự lao động mới là nền tảng của mọi thành công chứ không thể đợi chờ ở tài năng thiên phú. Kế tiếp, đó là sự đầu tư dài hạn, bền bỉ và có chiều sâu mới tạo ra được những cá nhân như Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ánh Viên hay Lê Quang Liêm. Chính những cái tên đó cho chúng ta thấy, VĐV Việt Nam hoàn toàn có thể tỏa sáng ở những đấu trường vĩ đại nhất nhưng được hay không lại tùy vào giá trị của quá trình đầu tư, kèm theo đó là nỗ lực cá nhân họ. Càng đầu tư nhiều, nỗ lực càng lớn.

Bao năm qua, bóng đá Việt Nam vẫn chưa vươn mình ra khỏi vùng trũng Đông Nam Á.

2. Thế nên có người hỏi: sao bóng đá đầu tư cũng nhiều mà thành tích chẳng đến đâu? Câu trả lời: Thật ra là chúng ta chẳng đầu tư gì cho bóng đá cả.

Một cầu thủ Việt Nam mỗi năm đá bao nhiêu trận? Nhiều lắm cũng chỉ chừng 40. Một số cầu thủ đá 50-60 trận chủ yếu là do “người lớn” ép họ đá ở nhiều giải đấu lớn, nhỏ như kiểu của lứa cầu thủ HA.GL hay thế hệ của Văn Quyến, Tài Em cách đây 10 năm. Nhiều hay ít chưa quan trọng bằng chất lượng của các trận đấu. Xét về góc độ này, cầu thủ Việt Nam chỉ đạt 1/3 chất lượng so với mức trung bình thế giới.

Đá tại V-League thì gần phân nửa là các trận “vô thưởng, vô phạt", lên đội tuyển thì cả năm đá chưa đến chục trận. Mùa giải chính thức thì chỉ diễn ra trong khoảng nửa năm. Có thi đấu cọ xát, tập huấn thì chọn toàn các đối thủ ngang hoặc kém hơn về trình độ. Chưa kể chuyện cổ xúy "đá đẹp rồi thua … cũng được”. Tất thẩy những yếu tố đó chỉ triệt tiêu bản lĩnh của cầu thủ Việt Nam bởi việc tích lũy kinh nghiệm vừa chậm, vừa nhỏ giọt. Chúng ta thấy rõ điều này qua việc Lê Công Vinh nổi lên từ năm 2004 nhưng đến 12 năm sau vẫn chẳng có ai thay thế mặc dù ai cũng thấy Công Vinh chính là hình mẫu của một quá trình lấy lao động làm nền tảng thành công.

Đấy là lý do mà chúng tôi cho rằng bóng đá Việt chẳng được đầu tư gì cả. Số tiền hàng ngàn tỷ đồng mà các doanh nghiệp đổ vào thì phần lớn đều quay lại phục vụ cho mục đích kinh doanh trong khi cả nền bóng đá “sản xuất” cả năm kiếm không ra 100 tỷ đồng để nâng chất các trận tập huấn cho đội tuyển.

Thành công cá nhân đã khó, một VĐV mất 20 năm thi đấu có khi mới được 1 lần lên đỉnh, đó cũng là nhờ nỗ lực của nhiều người phía sau. Thế nên, để môn chơi tập thể như bóng đá làm được điều gì đó thì càng không bao giờ đơn giản nếu chỉ thừa người nói, thiếu người bỏ tiền và làm việc thực sự.

Theo SGGP

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/tuyen-quoc-gia/tu-hoang-xuan-vinh-den-bong-da-292-194931.html