Từ HCB SEA Games 32 của VĐV Lê Thị Tuyết: Cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể thao

VĐV Lê Thị Tuyết đang là nguồn cảm hứng cho những người hâm mộ thể thao Phú Yên. Ngay khi cô gái trẻ quê Hòa Thịnh này giành tấm HCB Marathon nữ SEA Games 32, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã thưởng nóng cho thành tích của Lê Thị Tuyết để động viên em tiếp tục phấn đấu, đạt được nhiều thành tích hơn nữa cho thể thao nước nhà.

Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Phú Yên vận động nguồn xã hội hóa, thưởng cho VĐV Lê Thị Tuyết trước khi thi đấu tại SEA Games 32. Ảnh: NHẬT HUY

Từ trường hợp của Lê Thị Tuyết, chúng ta có thể nhận thấy ngoài các chế độ tiền thưởng theo quy định Nhà nước, những người làm thể thao Phú Yên cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể thao, qua đó có nguồn kinh phí động viên, khen thưởng cho VĐV đạt thành tích cao.

Tầm quan trọng

Thực tế cho thấy, thể thao thành tích cao muốn phát triển cần có sự chung tay của toàn xã hội. Xã hội hóa thể thao là giải pháp hiệu quả nhất giúp tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, chế độ cho VĐV. Tại Phú Yên, công tác xã hội hóa thể thao đã có từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tính chất và mức độ chưa cao hoặc chưa có điểm nhấn để tạo ra sự thu hút, phát triển một cách bền vững. Theo Sở VH-TT&DL Phú Yên, công tác vận động tài trợ đóng góp của các nguồn lực xã hội chỉ thực hiện tốt ở vùng đồng bằng, thành thị, còn đối với các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Điều này chưa thể tạo ra bức tranh thể thao toàn diện như sự kỳ vọng của những người hâm mộ thể thao Phú Yên.

Đối với thể thao thành tích cao, tại Phú Yên hiện nay, ngoài nguồn kinh phí đào tạo, phục vụ thi đấu và cơ chế tiền thưởng theo quy định của Nhà nước, hầu như chưa có các hoạt động xã hội hóa thể thao mang tính chất quy mô, bền vững tạo ra bước ngoặt để phát triển các môn thế mạnh và các VĐV tài năng, đóng góp vào sự phát triển chung cho thể thao Phú Yên và Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng chia sẻ: “Ngoài cơ chế đào tạo, khen thưởng, động viên cho các VĐV tài năng, chúng tôi xác định công tác xã hội hóa thể thao đóng vai trò then chốt để phát triển các môn thể thao thế mạnh, tạo động lực cho các VĐV nỗ lực thi đấu mang thành tích cao về cho thể thao địa phương và Việt Nam. Đây là công thức bắt buộc phải làm, nếu muốn tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ trong thi đấu thể thao thành tích cao”.

VĐV Lê Thị Tuyết giành HCB SEA Games 32 nội dung Marathon 42,195km. Ảnh: CTV

Cần nỗ lực xã hội hóa thể thao

Quy hoạch phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nội dung: Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển TDTT, trong đó chú trọng đầu tư phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp.

Đối với nền thể thao được đánh giá là nhỏ so với mặt bằng chung của cả nước, những người làm thể thao Phú Yên cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xã hội hóa thể thao, tìm nguồn kinh phí phục vụ cho việc phát triển các môn thể thao thế mạnh. Lê Thị Tuyết là người đã đi vào lịch sử thể thao Phú Yên khi em là VĐV giúp cho thể thao thành tích cao tỉnh nhà có được tấm HCV đầu tiên tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, và mới đây là tấm HCB đầy giá trị tại SEA Games 32 được tổ chức ở Campuchia. Để ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của VĐV 19 tuổi này với thể thao Phú Yên, ngoài sự quan tâm động viên, cơ chế tiền thưởng cũng được xem là một trong những yếu tố mấu chốt tạo ra động lực để VĐV người Tây Hòa tiếp tục gắn bó và cống hiến cho thể thao Phú Yên.

Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền thưởng từ công tác vận động xã hội hóa dành cho thành tích HCB của Lê Thị Tuyết khoảng 75 triệu đồng. Qua đó ghi nhận sự nỗ lực của những người làm thể thao Phú Yên trong công tác vận động tiền thưởng, động viên, khuyến khích VĐV nỗ lực thi đấu đạt thành tích cho địa phương. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với những gì mà Lê Thị Tuyết đã nỗ lực vì sự nghiệp thể thao đỉnh cao.

“Về lâu dài, tôi nghĩ Phú Yên nên có nguồn quỹ khen thưởng VĐV, không chỉ riêng cho VĐV Lê Thị Tuyết mà còn nhiều VĐV tài năng khác của tỉnh. Chúng tôi đồng cảm và hiểu được sự hy sinh cho sự nghiệp thể thao của các VĐV, vì vậy sẵn sàng đứng ra hỗ trợ, nếu các em đạt thành tích cao ở giải quốc gia và quốc tế. Qua đó tạo nguồn cảm hứng cho những người trẻ thường xuyên tập luyện TDTT, nâng cao sức khỏe và thể trạng trong tương lai”, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina cho biết.

Danh sách các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Phú Yên thưởng nóng cho thành tích HCB của VĐV Lê Thị Tuyết

- Sở VH-TT&DL Phú Yên (nguồn xã hội hóa): 10 triệu đồng

- Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina: 20 triệu đồng

- Công ty CP Hồng Phúc: 10 triệu đồng

- Tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Phú Yên (đơn vị chủ quản của VĐV Lê Thị Tuyết): 10 triệu đồng

- Công ty TNHH Thương mại Vi Long: 10 triệu đồng

- Hiệp hội Doanh nghiệp Phú Yên: 10 triệu đồng

- Công ty CP Xăng dầu - Dầu khí Phú Yên: 10 triệu đồng

- Công ty TNHH Quà tặng du lịch Lê Hằng: 1 triệu đồng và phần quà 500.000 đồng

- Kho sàn gỗ Phú Yên: 1 triệu đồng

- Công ty TNHH Môi trường Tân Dũng Phát: 2 triệu đồng

- Công ty CP Thương mại Thiết kế - Xây dựng TNT: 2 triệu đồng

- Bà Nguyễn Thị Thu Sương: 500.000 đồng.

NHẬT HUY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/88/298510/tu-hcb-sea-games-32-cua-vdv-le-thi-tuyet--can-day-manh-cong-tac-xa-hoi-hoa-the-thao.html