Tự hào tiếp nối truyền thống gia đình cách mạng

Với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, các thế hệ cha, ông đã không tiếc thanh xuân để đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, thế hệ con cháu luôn nguyện giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu của gia đình, những nhà cách mạng tiêu biểu.

Lễ kết nạp đoàn viên được Huyện đoàn Cần Giuộc tổ chức tại Nhà lưu niệm Trương Văn Bang nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Lễ kết nạp đoàn viên được Huyện đoàn Cần Giuộc tổ chức tại Nhà lưu niệm Trương Văn Bang nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Tiếp nối truyền thống vẻ vang

Nhà cách mạng Trương Văn Bang - người con của mảnh đất Long An trung dũng, là người có công lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trước Cách mạng Tháng Tám, gia đình ông có nhiều người bị giặc sát hại, bản thân ông trải qua nhiều sóng gió nhưng luôn là gia đình mẫu mực, giàu truyền thống yêu nước. Với những công lao, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Ông Trương Văn Bang và bà Nguyễn Thị Một (nguyên Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam bộ) là thân sinh của 3 người con thành đạt, trong đó người con thứ ba là nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình.

Ông Trương Văn Bang mất ngày 31/12/1981 tại TP.HCM, để lại nhiều dấu ấn kỷ niệm cho quê hương Long An và niềm tiếc thương sâu sắc của đồng bào Nam bộ. Nhằm ghi nhớ công lao của một bậc cách mạng tiền bối, Long An ngày nay có tên đường, trường học được xây dựng khang trang mang tên nhà cách mạng Trương Văn Bang.

Phát huy truyền thống gia đình, các con của ông đều tham gia cách mạng, lần lượt trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước; đồng thời, có nhiều hoạt động chung tay đóng góp xây dựng quê hương Long An ngày càng phát triển. Người con gái của ông Trương Văn Bang - cô Trương Ngọc Thủy (Trương Thu Tâm) và người em của mình là nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình tâm niệm làm việc thiện để giúp người, giúp đời. Với những hoạt động thiết thực như xây tặng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, xây cầu giao thông, tặng quà cho gia đình chính sách, người nghèo, học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nhà dưỡng lão,… giúp các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và xây dựng quê hương.

Là thế hệ trẻ, Quyền Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương mỗi khi nhắc về gia đình ông Trương Văn Bang đều bày tỏ niềm tự hào và cảm phục. “Ghi nhớ và tiếp nối truyền thống vẻ vang của chiến sĩ cách mạng tiền bối, tôi luôn tự nhắc nhở mình và thế hệ đoàn viên, thanh niên không ngừng phát huy truyền thống đó. Chúng tôi tuyên truyền thế hệ trẻ ra sức phấn đấu rèn luyện về mọi mặt, học tập, nỗ lực trong lao động, sản xuất, tích cực tổ chức các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cộng đồng để không phụ lòng kỳ vọng của bậc cách mạng tiền bối luôn hết lòng vì quê hương, đất nước. Ngoài ra, Huyện đoàn còn thường xuyên đến vệ sinh, trồng hoa trong khuôn viên Nhà lưu niệm Trương Văng Bang. Các hoạt động như lễ kết nạp đoàn viên, đội viên; các hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; hội trại, hội thi;… đều được chúng tôi tổ chức tại Nhà lưu niệm nhằm lồng ghép giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ” - chị Đỗ Thị Thảo Phương chia sẻ.

Phát huy truyền thống quý báu

Một trong những nhà cách mạng tiêu biểu của tỉnh phải kể đến là Giáo sư Trần Văn Giàu. Ông sinh ngày 11/9/1911 tại xã An Lục Long, nay thuộc ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành. Giáo sư Trần Văn Giàu là nhà cách mạng lão thành kiên trung, tấm gương sáng ngời về tinh thần chiến đấu, lao động, học tập, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập dân tộc. Ông là một trong những giáo sư đầu tiên của nước ta, có nhiều công trình nghiên cứu, giảng dạy trên các lĩnh vực: Triết học, sử học và văn học. Những cống hiến của Giáo sư được Đảng và Nhà nước ghi nhận qua các danh hiệu, giải thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng,...

Ông mất ngày 16/12/2010 và được an táng tại quê hương. Thời gian qua, tỉnh có nhiều hoạt động tôn vinh, ghi nhớ công ơn của Giáo sư Trần Văn Giàu như xây dựng khu mộ Giáo sư và gia tộc tại ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội. Năm 2012, Nhà thờ họ Trần và khu mộ Giáo sư Trần Văn Giàu cùng gia đình được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngày 01/10/2020, UBND tỉnh tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà lưu niệm tại Di tích Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu do Thành ủy TP.HCM hỗ trợ toàn bộ kinh phí hơn 8,5 tỉ đồng để xây dựng, gồm 3 hạng mục: San nền, nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp kết hợp với thư viện sách của Giáo sư Trần Văn Giàu và cải tạo khuôn viên mộ. Đây là một công trình văn hóa, lịch sử quan trọng tại huyện Châu Thành, “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bí thư Đoàn xã Dương Xuân Hội - Châu Huỳnh Như cho biết: “Nhằm ghi nhớ công ơn, nhắc nhở các bạn trẻ về truyền thống của địa phương, Đoàn Thanh niên xã phối hợp Đoàn Thanh niên Công an huyện Châu Thành thường xuyên tổ chức các đoàn đến thắp nhang, chăm sóc bia mộ cố Giáo sư; đồng thời, tổ chức cho học sinh đến chào cờ, hát Quốc ca tại khu mộ”.

Đoàn Thanh niên xã Dương Xuân Hội thường tổ chức cho học sinh đến chào cờ, hát Quốc ca tại khu mộ Giáo sư Trần Văn Giàu. (Ảnh tư liệu)

Đoàn Thanh niên xã Dương Xuân Hội thường tổ chức cho học sinh đến chào cờ, hát Quốc ca tại khu mộ Giáo sư Trần Văn Giàu. (Ảnh tư liệu)

Hiện nhà thờ gia tộc của Giáo sư Trần Văn Giàu do ông Trần Văn Khoa chăm sóc và thờ cúng. Ông Trần Văn Khoa là cháu nội của ông Trần Văn Mười. Ông Trần Văn Mười và Giáo sư Trần Văn Giàu là anh em ruột. Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, ông Khoa luôn chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và nuôi 2 người con ăn học thành tài. Hiện nay, con gái lớn của ông tên Trần Thị Mỹ Dung là giáo viên Trường Mẫu giáo Long Trì, con trai út là Trần Công Khanh, tốt nghiệp Sư phạm Toán Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp, hiện phụ giúp cha mẹ làm kinh tế gia đình.

Ông Trần Văn Khoa chia sẻ: “Gia đình tôi sẽ tiếp nối ngọn lửa truyền thống cách mạng bằng những việc làm hữu ích, thiết thực. Trong đó, chú trọng giáo dục và khuyên con, cháu phải noi gương, giữ gìn, phát huy truyền thống của gia đình; luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động”.

Tự hào với truyền thống cách mạng của gia đình, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, hậu duệ của những nhà cách mạng tiêu biểu cùng thế hệ trẻ không ngừng tiếp nối truyền thống vẻ vang với nhiều hoạt động vì cuộc sống cộng đồng; nỗ lực vươn lên trong công tác, cuộc sống. Qua đó, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Quang Nguyên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-hao-tiep-noi-truyen-thong-gia-dinh-cach-mang-a119915.html