Từ đỉnh cao siêu giàu đến cáo buộc lừa đảo của ông Trần Quí Thanh

Ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh từng được xem là siêu giàu, có thể chỉ đứng thứ 2 trong top tỷ phú giàu nhất Việt Nam. Thế nhưng, doanh nhân này cũng dính nhiều tai tiếng, bị cáo buộc lừa đảo và bị bắt.

Ông chủ doanh nghiệp đình đám

Ông Trần Quí Thanh là người sáng lập tập đoàn Tân Hiệp Phát (trụ sở tại TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương). Doanh nghiệp này từng đứng đầu về ngành đồ uống, nước giải khát tại Việt Nam.

Tân Hiệp Phát thành lập vào năm 1994. Đây là một doanh nghiệp tư nhân thuộc hàng lớn nhất, giàu có bậc nhất Việt Nam nhưng cũng đầy tai tiếng.

Được biết đến là một công ty gia đình nhưng Tân Hiệp Phát có lợi nhuận rất lớn, có năm lợi nhuận công bố vượt qua cả các ông lớn nước ngoài như Pepsi và Coca-Cola. Tỷ suất lợi nhuận của Tân Hiệp Phát cũng rất cao.

Năm 2019, ông chủ Tân Hiệp Phát được xem là siêu giàu, có thể chỉ đứng thứ 2 trong top tỷ phú giàu nhất Việt Nam, đã lộ kế hoạch tìm kiếm 3 tỷ USD cho tham vọng chinh phục vị trí số 1 Đông Nam Á trong lĩnh vực đồ uống. Ông lớn Việt này từng từ chối thương vụ 2,5 tỷ USD.

Theo Bloomberg, ông Trần Quí Thanh lúc ấy cho biết ông đang tìm kiếm một đối tác chiến lược để có thể đầu tư 3 tỷ USD, giúp Tân Hiệp Phát trở thành một “Red Bull” tiếp theo trong khu vực.

Ông Trần Quí Thanh. Ảnh: T.H.P

Khi đó, Tân Hiệp Phát kỳ vọng sẽ tăng doanh thu gấp đôi, lên 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và giá trị của doanh nghiệp có thể đạt 5 tỷ USD. Kế hoạch của Tân Hiệp Phát diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đã rót 500 triệu USD cho 3 nhà máy, dự kiến sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD nữa cho giai đoạn tiếp theo.

Trước đó, theo Forbes vào năm 2012, Tân Hiệp Phát đã từ chối đề nghị hợp tác với giá trị đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD từ Coca-Cola của Mỹ với lý do là hai bên có tầm nhìn khác nhau.

Nếu chấp nhận thương vụ M&A lịch sử đó, ông Thanh có lẽ đã lọt danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes từ trước cả tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng.

Với sự xuất hiện trong ForbesBooks từ năm 2018, ông Trần Quí Thanh được xem là gương mặt người Việt nữa sẽ nhanh chóng lọt danh sách tỷ phú USD.

Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát cũng có rất nhiều tai tiếng sau vụ việc "con ruồi" đầy tranh cãi. Doanh thu của Tân Hiệp Phát giai đoạn 2014-2017 chững lại dù có thêm nhà máy mới Number One Hà Nam đi vào hoạt động. Nhưng sau đó doanh nghiệp này đã lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2018 và duy trì trong năm 2019 khi có thêm nhà máy Number One Chu Lai mang về cho tập đoàn này gần 1.400 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh nước giải khát đem về một lượng tiền lớn cho nhà ông Thanh. Đây cũng có thể là lý do chính dẫn đến việc ông và những người liên quan có những khoản tiền gửi tiết kiệm lên đến gần 6.000 tỷ đồng trong vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng.

Một tuần lập 10 công ty bất động sản, liên tục "ôm" đất vàng

Trong nhiều năm qua, tập đoàn của ông Trần Quí Thanh được cho là mở rộng sang mảng bất động sản, Tân Hiệp Phát lập công ty mua bán nợ vốn 100 tỷ đồng, có thể là nhằm săn quỹ đất trong giai đoạn đầu làm bất động sản.

Giai đoạn 2018-2019, gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát gây chú ý khi thành lập hơn 20 công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản với tổng vốn điều lệ lên đến 20.000 tỷ đồng.

Đỉnh điểm năm 2019, chỉ trong vòng một tuần, vợ ông Trần Quí Thanh và hai con gái (Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích) đã thành lập 10 công ty bất động sản. Mỗi công ty có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng.

Gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát sở hữu nhiều quỹ đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Anh Phương

Về cơ cấu sở hữu, bà Trần Uyên Phương thường nắm 99,9% vốn tại các công ty này. Phần vốn góp ít ỏi còn lại do bà Trần Ngọc Bích và bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Trần Quí Thanh, nắm giữ.

Ông Thanh rất ít khi xuất hiện trong thành phần cổ đông của các công ty bất động sản thuộc hệ sinh thái Tân Hiệp Phát. Hầu hết do vợ ông và hai con gái đứng tên góp vốn.

Chỉ ít tháng sau khi thành lập, 10 công ty bất động sản bất ngờ giải thể, với cùng lý do “không có dự án để đầu tư, phát triển và việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp không có hiệu quả”.

Dù mới lấn sân sang lĩnh vực bất động sản được vài năm nhưng gia đình ông Thanh đã sở hữu quỹ đất trải dài khắp các tỉnh thành phía Nam.

Ngoài tích lũy các khu “đất sạch” để không phải giải phóng mặt bằng, chiến thuật thu gom quỹ đất của gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát còn đến từ việc tham gia các cuộc đấu giá đất và liên tiếp trúng đấu giá ‘đất vàng’.

Kể từ khi gia nhập lĩnh vực bất động sản, Tân Hiệp Phát đã âm thầm gom quỹ đất. Bất động sản của doanh nghiệp này trải dài khắp các tỉnh thành nhưng chủ yếu ở TP.Đà Nẵng, TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những tố cáo trước khi cha con ông Trần Quí Thanh bị bắt

Chiều 10/4/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Quí Thanh cùng 2 con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

3 cha con ông Trần Quí Thanh bị khởi tố, điều tra về hoạt động cho vay nhưng ký các hợp đồng giả cách mua bán rồi chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp, cá nhân.

Trước khi cha con Chủ tịch Tân Hiệp Phát bị bắt, đã có nhiều tố cáo. Điển hình là tố cáo của ông Lê Văn Lâm - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai - đối với 3 cha con ông Trần Quí Thanh.

Một vụ việc khác là ông Nguyễn Văn Chung đã tố cáo bà Trần Uyên Phương và ông Nguyễn Phi Long có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt khu đất ở đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân.

Ngoài ra, ông Lâm Sơn Hoàng (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) tố cáo các con ông Trần Quí Thanh chiếm đoạt tài sản thông qua các hợp đồng giả.

Những người đại diện doanh nghiệp, các cá nhân nói trên, ban đầu tố cáo cha con ông Trần Quí Thanh về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các cá nhân này cùng một số người khác sau đó đã tố cáo bà Trần Uyên Phương đã có dấu hiệu trốn thuế, khai báo gian dối để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giúp sức cho người trốn thuế thu nhập cá nhân trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM.

Đơn tố cáo ông Thanh và 2 con gái thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM từ tháng 11/2020.

Quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định: Hành vi của Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Hạnh Nguyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tu-dinh-cao-sieu-giau-den-cao-buoc-lua-dao-cua-ong-tran-qui-thanh-2252604.html