Từ chuyện điện đến… văn hóa tiết kiệm

Không chỉ tiết kiệm điện lúc nắng nóng cao điểm, mà cần tiết kiệm bất cứ thời điểm nào. Ai cũng nên tiết kiệm, từ điện, nước, xăng dầu… cho đến công sức, thời gian; nên nâng thói quen tiết kiệm lên tầm văn hóa - văn hóa tiết kiệm - và phải xem đó là tiêu chí chuẩn của mỗi công dân thời hiện đại, là đức tính buộc phải có của mỗi cán bộ, đảng viên.

1. Cứ mỗi dịp hè, nắng nóng gay gắt, nhiều nơi lại gặp cảnh… mất điện. Năm nay, do nắng nóng gay gắt, tác động của hiện tượng El Nino khiến các hồ thủy điện trơ đáy, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong khi không có cơ sở phát điện mới đi vào hoạt động… đã khiến nguy cơ thiếu điện nay đã thành hiện thực.

Mất điện khi nhiệt độ ngoài trời 35-40 độ C, nhiều nhà đã phải “sơ tán” trẻ nhỏ, người già, người ốm… đến nơi có điện; nhiều gia đình đổ xô đi mua quạt tích điện, máy phát, thậm chí gấp rút gọi thợ lắp đặt pin mặt trời bất kể chi phí thế nào! Có nơi đã tính đến phương án “ngày cắt điện sinh hoạt, đêm cắt điện sản xuất” để “yên lòng” nhiều phía. Tại Hà Nội, nhiều ngày qua ngành điện đã thực hiện tiết giảm 1/2 công suất hệ thống chiếu sáng công cộng - ví như trên tuyến đường từ sân bay Nội Bài vào nội thành, cứ cách 1 cột đèn sáng lại tắt 1 cột; bật đèn muộn hơn 30 phút, tắt sớm hơn 30 phút; và với đèn quảng cáo thì giảm 50% công suất đến trước 22h và tắt toàn bộ sau thời điểm này.

Rất khó ngủ với “chế độ quạt tay”, phải đi lại trên những tuyến đường vốn rực rỡ ánh đèn hay đứng ngắm thành phố tối đen trong cái nóng hừng hực, không ít người giật mình: Giá mà sớm tiết kiệm điện, nước, than, dầu… thì nay đã không hụt nguồn điện dự trữ. Và, thêm một gia đình có điện sinh hoạt, một nhà máy có điện sản xuất, đáng quý biết bao!

2. Một nét truyền thống đáng quý của bao thế hệ người Việt chúng ta, chính là tiết kiệm.

Nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, thường xuyên bão tố, lũ lụt cùng với họa xâm lăng đe dọa, người dân Việt sớm nhận biết dân tộc mình hạn chế về “con người, con của”. Không có ai để trông chờ giúp đỡ, chỉ biết dựa vào chính mình, người Việt ta tảo tần làm ăn và chắt chiu dè sẻn đã dần dần trở thành tập tính tốt đẹp. Nết tiết kiệm, dè sẻn, tránh hoang phí được ông bà ta truyền dạy cho con cháu qua những câu thành ngữ, tục ngữ nghe nhẹ nhàng mà thấm thía: Buôn tàu bán bè chẳng bằng ăn dè hà tiện; Ít chắt chiu hơn nhiều hoang phí; Được mùa chớ phụ ngô khoai/Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng; Có gạo chẳng biết ăn dè/Đến khi hết gạo ăn dè chẳng ra; Thắt lưng buộc bụng; Có kiêng có lành, có dành có gạo…

Biết căn cơ, tiết kiệm, các thế hệ ông bà xưa mới có đủ “lực” mà vượt qua thiên tai, địch họa, nuôi dạy con cháu thành người, yên nhà và giữ nước. Trong những ngày tháng đầu tiên dưới chính thể Dân chủ cộng hòa, trước hậu quả của nạn đói diễn ra từ cuối năm 1944 đến giữa năm 1945 làm gần 2 triệu người mất mạng, một trong những biện pháp ứng phó được chính quyền cách mạng thực hiện chính là kêu gọi mỗi người, mỗi nhà dè sẻn dành gạo cứu đói đồng bào; chống lãng phí thóc gạo vào việc nấu rượu, làm bánh… Bác Hồ gương mẫu “mười ngày nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn ba bữa” đem gạo góp cứu dân nghèo “có bữa rau, bữa cháo chờ mùa sau”. Cùng với việc thi đua tăng gia sản xuất, khai hoang phục hóa, nhân dân ta đã đẩy lùi nạn đói, lại tích góp thêm của cải để kháng chiến chống Pháp diễn ra ngay sau đó.

3. Trở lại với nắng nóng gay gắt và thiếu điện hiện nay, thiết nghĩ, ai cũng dễ làm được việc tiết kiệm điện: Điều chỉnh máy điều hòa lên mức 26 độ C trở lên, đồng thời, mở điều hòa muộn hơn 60 phút, tắt điều hòa sớm hơn 60 phút ở nhà cũng như ở nơi làm việc; chủ động đi cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau, thay cho thang máy; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại nhà, phòng làm việc; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng… Như thế, phụ tải điện sẽ bớt căng thẳng, giảm số giờ phải cắt điện và sớm vượt qua cảnh thiếu điện.

Cũng nên nhân lúc kêu gọi tiết kiệm điện mà cùng nhau dấy lên phong trào thi đua tiết kiệm, chống lãng phí một cách thiết thực hơn, rộng rãi và hiệu quả hơn.

Mỗi người chủ động tiết kiệm chi phí của gia đình, bắt đầu từ những bữa ăn đơn giản, vừa đủ, không thừa mứa.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên chủ động dè xẻn từng tờ giấy, từng cái ghim… cũng giúp cơ quan, đơn vị tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể.

Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức - thay vì in ấn báo cáo, đọc cả tiếng đồng hồ - thì nên gửi “bản mềm” cho người dự họp nghiên cứu trước, để vào họp là chỉ tập trung bàn bạc, thảo luận, tìm giải pháp… thì có thể tiết kiệm nhiều giờ, nhiều ngày công lao động.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của nước ta đã xác định, tiết kiệm “là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định”. Mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên thực hành tiết kiệm, cùng nâng lên thành lối sống văn minh, văn hóa thì gia đình sớm có “của ăn của để”; cơ quan, đơn vị, tổ chức bớt gánh nặng chi phí; địa phương, đất nước càng dôi dư nguồn lực để xây dựng và phát triển. Được như thế, thật là đáng mừng!

Chí Công

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1066791/tu-chuyen-dien-den-van-hoa-tiet-kiem