Từ bài học động đất, sóng thần: Việt Nam cần đầu tư hạ tầng Xanh, bền vững

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh phát triển địa kỹ thuật hạ tầng là 'chìa khóa' để mở ra không gian phát triển mới trên cơ sở phát triển công trình ngầm, khai thác không gian biển.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Nhắc lại bài học đau lòng từ "thảm họa kép" động đất, sóng thần xảy ra vào năm 2011 ở Nhật Bản; gần đây là thảm họa động đất xảy ra ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ và biên giới Syria vào hồi đầu tháng 2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh thời gian tới cần phải đặc biệt chú trọng nghiên cứu địa kỹ thuật để ngăn ngừa các rủi ro tai biến địa chất; mở ra không gian phát triển kết cấu hạ tầng ngầm nhanh, Xanh và bền vững.

“Chìa khóa” mở ra cơ hội phát triển Xanh

Tại Hội nghị Quốc tế GEOTEC HANOI 2023 với chủ đề “Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững” diễn ra ngày 14/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với những tai biến địa chất đang đe dọa đời sống, sinh kế của người dân ở rất nhiều nơi trên toàn cầu.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và có địa hình, địa chất tự nhiên đa dạng. Thực tế trong những năm gần đây Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề sạt, trượt lở tại các khu vực miền núi, ngập lụt, sụt lún tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển cũng đặt ra bài toán tối ưu hóa trong sử dụng các nguồn tài nguyên và không gian phát triển bền vững; đặc biệt là không gian ngầm đối với Việt Nam khi nước ta đang trong quá trình đô thị hóa và lựa chọn chuyển đổi theo mô hình Kinh tế Xanh, Kinh tế Tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

“Trong bối cảnh đó, các nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về địa kỹ thuật (bao gồm cơ học đất, địa chất, địa mạo, môi trường, cơ học kết cấu, nền móng, công trình ngầm và không gian ngầm,…) là ‘chìa khóa’ để giải quyết các thách thức hiện nay. Đây cũng là đề tài ‘không có biên giới,’ là nhiệm vụ có tính sống còn để đảm bảo an toàn tính mạng cho cộng đồng; mở ra không gian phát triển mới trên cơ sở phát triển công trình ngầm, khai thác không gian biển,” Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia tại Hội nghị Quốc tế GEOTEC HANOI 2023. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, khi địa kỹ thuật hạ tầng ngầm được đánh giá với các mô hình toán hiện đại, sát sườn, những thông tin này sẽ giúp dự báo trước được các tác động, nguy cơ về tai biến địa chất, thiên tai có thể xảy ra trong tương lai để có giải pháp công trình đủ sức chống chịu và đảm bảo yếu tố bền vững.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý với sự quan tâm của hơn 200 diễn giả là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới, với các tham luận khoa học bàn về 6 chuyên đề có tính thời sự với Việt Nam (như hầm và công trình ngầm, trượt lở và xói mòn, năng lượng ngoài khơi và kỹ thuật nền móng bờ biển), Hội nghị Quốc tế GEOTEC HANOI 2023 là cơ hội để các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn của Việt Nam trao đổi, nghiên cứu về xu thế công nghệ của thế giới.

“Tôi hy vọng hội nghị sẽ có những đóng góp, khuyến nghị cụ thể cho Chính phủ trong việc xây dựng chính sách, chiến lược và các giải pháp để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển của Việt Nam. Đó là chuyển đổi Xanh, chuyển đổi số, chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững,” Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Rút ngắn khoảng cách về khoa học công nghệ

Tiến sỹ Phùng Đức Long - Chủ tịch Hội Cơ học Đất và Địa kỹ thuật Công trình Việt Nam (đồng Trưởng ban tổ chức Hội nghị Quốc tế GEOTECH HANOI 2023) cho hay cơ sở hạ tầng là "xương sống" của tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội.

Do vậy, nhiệm vụ của các nhà khoa học, giới chuyên gia được mời tham dự hội nghị là tìm ra giải pháp tối ưu cho mỗi yêu cầu cụ thể cũng như ứng dụng công nghệ phù hợp để mỗi công trình đảm bảo 3 tiêu chí: An toàn, bền vững, thân thiện môi trường với giá thành thấp nhất.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng hướng tới việc ghi nhận các giải pháp để có thể rút ngắn khoảng cách về khoa học công nghệ trong ngành địa kỹ thuật giữa Việt Nam và các nước phát triển; tạo ra một “sân chơi” để các nhà khoa học trong nước và quốc tế kết nối với nhau, có cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau, cùng nhau khai thác ứng dụng các thành tựu khoa học đã đạt được trên thế giới và tiếp tục phát triển.

Theo đó, tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về địa kỹ thuật đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới (như Vương quốc Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Nhật Bản,…) sẽ cùng nhau thảo luận về 6 chuyên đề chính, bao gồm: Móng sâu; thi công hầm và không gian ngầm; cải tạo nền đất yếu; mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật; trượt lở và xói mòn; năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật bờ biển.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghệ tại triển lãm trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế GEOTEC HANOI 2023. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Như vậy, bên cạnh các chủ đề mang tính truyền thống, Hội nghị Quốc tế GEOTEC HANOI 2023 còn có thêm một chủ đề mới là “Năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật bờ biển.” Chủ đề này được giới khoa học Việt Nam kỳ vọng sẽ không chỉ mang đến những giải pháp mà còn cả những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi nói riêng các hạ tầng trên biển nói chung.

Theo tiến sỹ Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, các báo cáo thuộc chủ đề “Năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật bờ biển” sẽ mang lại những thông tin chi tiết, cập nhật về kiến thức và công nghệ mới nhất, nhằm tối ưu hóa các bước từ khảo sát đến thiết kế, xây dựng lắp đặt và vận hành khai thác cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

“Đặc biệt, chúng tôi đặt niềm tin vào việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ Nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) để cải thiện hiệu quả trong xây dựng và quản lý vận hành các dự án,” ông Đức nhấn mạnh và chia sẻ kỳ vọng các báo cáo sẽ cung cấp những kinh nghiệm, giải pháp phát triển bền vững của ngành điện gió ngoài khơi theo hướng giảm thiểu các tác động đến môi trường và phát triển bền vững.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra triển lãm với 55 gian hàng (giới thiệu sản phẩm, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới của mình trong hoạt động sản xuất, thi công xây dựng hạ tầng, dự án nền móng, công trình ngầm) của các tổ chức khoa học, các công ty, doanh nghiệp trong nước và quốc tế./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tu-bai-hoc-dong-dat-song-than-viet-nam-can-dau-tu-ha-tang-xanh-ben-vung-post915587.vnp