Từ 31/3 người Việt Nam được cá cược bóng đá: Khó tránh mặt tiêu cực

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, hợp pháp hóa kinh doanh cá cược sẽ chống thất thoát nguồn tiền lớn cho ngân sách. Nhưng khó tránh những mặt tiêu cực nếu không giám sát chặt.

Chỉ có một doanh nghiệp được thí điểm kinh doanh cá cược bóng đá quốc tế tại Việt Nam.

Từ ngày 31/3, Nghị định 06/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế chính thức có hiệu lực. Trước đó, “ý tưởng” hợp pháp hóa loại hình kinh doanh mới mẻ này ngay từ đầu đã có những ý kiến trái chiều.

Xung quanh Nghị định này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Ảnh: Vũ Phương).

PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng việc hợp pháp hóa loại hình kinh doanh này sẽ giải quyết được vấn đề bất cập trong xã hội và tránh thất thoát một nguồn ngoại tệ lớn của ngân sách Nhà nước? Ông nhận định thế nào về ý kiến này?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đúng vậy. Thực tế, thế giới ngầm cá độ bóng đá quốc tế, cờ bạc… đã tồn tại nhiều năm nay. Số vụ bắt được liên quan đến cá cược có thể thấp hơn thực tế. Bởi vậy, việc hợp pháp hóa loại hình kinh doanh này là phù hợp và cần thiết, các nước trên thế giới đã có từ lâu.

Hơn nữa, nếu không cho phép loại hình cá cược bóng đá quốc tế tại Việt Nam thì thực trạng này vẫn diễn ra với quy mô không hề nhỏ, số tiền thất thoát phải nói là rất lớn. Người chơi có thể cá cược bóng đá quốc tế tại Việt Nam sẽ giải quyết được vấn đề thất thoát ngân sách Nhà nước.

Ngoài đặt cược bóng đá quốc tế, đua ngựa, đua chó cũng được hợp pháp hóa.

PV: Nghị định có hiệu lực từ ngày 31/3, nhưng nhiều câu hỏi đặt ra về vấn đề giám sát, quản lý loại hình kinh doanh đặc biệt này vẫn còn nhiều điều phải bàn?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Như tôi đã nói, thế giới ngầm cá cược, đỏ đen hoạt động từ lâu và ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Không thể thấy khó mà không làm, mà phải làm một cách bài bàn, quản lý chặt chẽ.

Chúng ta cũng chỉ thí điểm cho một doanh nghiệp được kinh doanh loại hình đặc biệt này, chứ chưa cho nhiều doanh nghiệp cùng tham gia nên dễ kiểm soát hơn.

Tuy nhiên, vì chúng ta thiếu kinh nghiệm quản lý, kiểm soát lĩnh vực còn mới mẻ này, bởi vậy, trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chứ bây giờ không thể thấy khó mà trì hoãn không làm.

Thực tế cho thấy những hệ lụy, vấn đề xã hội từ nạn cờ bạc, cá cược ai cũng thấy, nhiều gia đình tan cửa nát nhà... Tôi tin rằng việc hợp pháp hóa loại hình kinh doanh này sẽ giảm được hình thức cá cược chui lủi hoạt động ngầm đang rất phức tạp.

PV: Như ông nói chúng ta thiếu kinh nghiệm quản lý, đặc biệt lĩnh vực, loại hình kinh doanh phức tạp này?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Thực tế là như vậy. Việc quản lý, giám sát loại hình kinh doanh này phải thật chặt chẽ, bởi không giống như nhiều nước, phần lớn họ chơi cá cược mang tính giải trí, vui chơi có thưởng.

Còn ở nước ta, không ít người chơi theo kiểu ăn thua đỏ đen. Chính vì thế, có thể sẽ dẫn đến tình trạng lách luật để tham gia cá cược với số tiền lớn nếu quản lý lỏng lẻo, làm theo kiểu đầu voi đuôi chuột.

PV: Nhưng lo ngại là đi vào thực tế sẽ khó tránh khỏi những phát sinh mặt tiêu cực trong đời sống xã hội, thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đây là lĩnh vực kinh doanh rất mới mẻ ở nước ta. Sẽ khó tránh khỏi những vấn đề phức tạp nảy sinh, mặt tiêu cực ít nhiều ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Bởi vậy, quan trọng nhất là giám sát, quản lý hoạt động này đi vào nề nếp, không ảnh hưởng tới truyền thống văn hóa, nền tảng xã hội chúng ta đang có.

Quy định ai được chơi, chơi như thế nào đã được chỉ ra trong Nghị định và cần phải giám sát chặt việc đó. Tất nhiên khi coi việc chơi này là hợp pháp sẽ có những “con bạc” lao như thiêu thân vào, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.

Bởi vậy, việc kiểm soát chặt chẽ loại hình kinh doanh này cũng như không khuyến khích sẽ hạn chế được mặt tiêu cực.

Dự kiến 23 giải đấu quốc tế được cá cược

Theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 23 giải đấu bóng đá quốc tế được cá cược tại Việt Nam. Trong đó 16 giải được tổ chức hoặc 2 năm hoặc 4 năm một lần gồm: giải World Cup (nam, nữ); giải vô địch Cúp các CLB châu lục; giải bóng đá nam, nữ U23 tại Olympic; giải U17, U20 World Cup; giải futsal World Cup, futsal châu Á; Cúp các đội tuyển vô địch các châu lục; giải vô địch bãi biển World Cup; giải vô địch châu Á, U23 châu Á, U19 châu Á; giải nữ châu Á.

Bên cạnh đó, có 7 giải diễn ra mỗi năm gồm: Ngoại hạng Anh, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức; UEFA Champions League; UEFA Europa League.

23 giải đấu này sẽ được gửi sang bộ Tài chính, bộ Công an để xin ý kiến trước khi trở thành danh mục chính thức, có hiệu lực khoảng 2 năm và sẽ được thay đổi (cắt giảm, bổ sung) cho phù hợp với thực tế.

Vũ Phương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tu-313-nguoi-viet-nam-duoc-ca-cuoc-bong-da-kho-tranh-mat-tieu-cuc-a320394.html