Huế: Khai thác cát trắng để lại hàng loạt hố 'tử thần' bẫy dân

Nạn khai thác cát trắng ồ ạt đem bán, thu lợi ở vùng cát huyện Phong Điền, TT-Huế, nhưng 'quên' hoàn thổ để lại hàng loạt hố sâu 'tử thần', không biển báo, rào chắn gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ chăn thả gia súc, trời mưa gây sạt lở khiến người dân rất bức xúc lo lắng.

Khu vực nằm trong KCN Phong Điền vẫn bị đào bới lấy cát để lại vũng nước sâu.

Hố “tử thần” bẫy dân khắp nơi

Gần đây, tình trạng khai thác cát trắng đem bán tràn lan ở huyện Phong Điền để lại nhiều hố “tử thần” bẫy dân. Qua khảo sát trên địa bàn huyện Phong Điền xuất hiện rất nhiều điểm khai thác cát trắng để lại hố “tử thần”. Hậu khai thác cát trắng chưa hoàn thổ, làm môi trường sinh thái bị đảo lộn, gây nguy hiểm chết người; khu vực bị đào bới trở thành một hồ chứa nước rất lớn gây nguy hiểm cho trẻ em chăn trâu bò đi ngang khu vực này.

Dọc tỉnh lộ 6, thuộc xã Phong Bình (huyện Phong Điền), trước đây UBND tỉnh đã cấp phép cho Cty TNHH Sơn Tùng khai thác, chế biến cát trắng. Quá trình làm ăn gặp khó khăn, DN đã bỏ hoang nhà xưởng, lâu ngày đã hư hỏng, xuống cấp. Mỏ cát đã bị đào bới sâu khoảng 2-3m, rộng trên 3.000m2, DN nhẹ nhàng đã rút đi đã nhiều năm, nhưng khu vực bị đào bới vẫn chưa được hoàn thổ, trở thành một hồ chứa nước rộng lớn gây nguy hiểm cho người dân, trẻ nhỏ khi đi ngang qua khu vực này.

Cũng trên tuyến tỉnh lộ 6, mới đây Cty TNHH Khoáng sản & Đầu tư Khánh Hòa tại TT-Huế (Khamihuco) đã khai thác cát trắng nguyên liệu tại mỏ Bàu Bàng, xã Phong Chương (huyện Phong Điền) đến nay vẫn chưa hoàn thổ, khôi phục môi trường sau khai thác theo quy định, khiến hố “tử thần” sâu hoắm xuất hiện nhan nhản. Khu vực mỏ cát của Khamihuco khai thác có đặc tính sình lún bất thường ở rất nhiều điểm, gây nguy hiểm cho người và vật nuôi khi lại gần. Những hố cát sâu đến 2m, trở thành hồ chứa nước, không rào chắn giới hạn vùng nguy hiểm theo quy định khiến người dân rất bức xúc lo lắng. Người dân Phong Chương cho biết, từ khi hố “tử thần” xuất hiện ở mỏ cát Bàu Bàng, đây là nơi trâu, bò, dê chăn thả thường tìm đến uống nước; hố trở thành chiếc bẫy đối với trẻ nhỏ chăn gia súc.

Một hố “tử thần” rộng lớn nằm phía sau Nhà máy sản xuất gạch men Prime, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền). Chính quyền địa phương cho biết, khu vực này nằm trong vùng quy hoạch KCN Phong Điền do BQL Kinh tế - Công nghiệp tỉnh quản lý, nhưng không hiểu lý do gì lại bị đào bới lấy đi một khối lượng lớn cát trắng, để lại hố “tử thần” nguy hiểm, nhưng vẫn đơn vị quản lý kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời.

Cần quản lý chặt phương án hoàn thổ

Ông Lê Viết Phước - Chủ tịch UBND xã Phong Chương cho biết, khu vực khai thác cát Cty Khamihuco có độ sình lún rất lớn, nhưng DN khai thác xong để vậy không hoàn thổ gây nguy hiểm đến các cháu chăn thả trâu khi đi qua vùng lầy. Người dân phản ánh rất nhiều, DN khai thác cát để hố “tử thần” ngổn ngang, mùa mưa về gây sạt lở gây ảnh hưởng đến mồ mã, cây cối của dân chỉ cách điểm khai thác khoảng 100m. DN ở đâu đến làm ăn trên địa bàn chưa thấy làm lợi cho dân, lại tạo nên những hiểm họa từ vùng khai thác. Chính quyền đã khuyến cáo dân hạn chế đến khu vực mỏ cát Bàu Bàng và nên cẩn thận khi chăn thả gia súc gần nơi khai thác. “Ngay cả phương án hoàn thổ như thế nào địa phương vẫn không biết”, ông Phước lo lắng.

Những năm qua, Bộ TN&MT cấp phép cho 5 DN vào khai thác cát trắng trên địa bàn huyện Phong Điền. Các DN khai thác cát trắng ồ ạt không hoàn thổ, cắm biển báo, ráo chắn khiến người dân hết sức lo ngại về những hệ lụy về cát bay cát nhảy, chôn lấp mồ mả, mất cân bằng sinh thái môi trường khi mùa mưa lũ về.

Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ: Để giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác, các DN hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng phải ký Quỹ Phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ. Ký quỹ phải tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng trước khi tiến hành khai thác. Khi DN khai thác ký quỹ, Nhà nước giữ khoản tiền đó, sau khi khai thác xong DN bồi hoàn hiện trạng đúng như cam kết mới cho họ được rút khoản tiền đó ra. Trường hợp DN không làm, Nhà nước dùng quỹ đó để thuê người hoàn thổ.

Một số Cty, DN khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng chưa thực hiện, hoặc thực hiện mang tính đối phó nghĩa vụ phục hồi môi trường vẫn còn tái diễn. Các ngành chức năng của tỉnh cần phải vào cuộc kiểm tra, nhằm chấn chỉnh kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

Trí Đức

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/tt-hue-khai-thac-cat-trang-de-lai-hang-loat-ho-tu-than-bay-dan.html