TS Trần Thành Nam: 'Camera không thể phản ánh hết tình hình lớp học'

TS Trần Thành Nam nhận định việc lắp camera ở lớp mầm non chỉ tạo cảm giác an tâm cho cha mẹ trong thời gian ngắn. Phụ huynh phải có lòng tin vào cơ sở giáo dục đang gửi trẻ.

Theo TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, phụ huynh yêu cầu lớp học có camera và cho phép theo dõi từ xa vì lo lắng, đặc biệt là sau thời gian nghỉ dịch.

"Trải qua 2 năm nghỉ dịch, trẻ mầm non quay trở lại trường có lẽ đã mất hết nề nếp. Trẻ sẽ khó hội nhập, thường thể hiện 'con không muốn đi học đâu'. Điều này làm tăng thêm cảm giác lo lắng của phụ huynh. Họ mong muốn có camera theo dõi từ xa để xem tình hình của con ở lớp học", ông Nam nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng yêu cầu này của phụ huynh có thể gây ra áp lực tài chính cho nhà trường. Sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua, các cơ sở giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn, một số cơ sở đã phải giải tán.

"Lắp đặt camera chỉ đảm bảo cảm giác an tâm của cha mẹ trong thời gian ngắn. Nếu các trường bắt buộc phải lắp đặt thì chi phí sẽ rất lớn. Camera không thể phản ánh được hết tình hình lớp học, chỉ có thể cho phụ huynh thấy trẻ đang làm gì mà thôi. Chúng ta đã gửi con ở đâu phải tin tưởng giáo viên của cơ sở ở đấy", ông Nam nói.

 Một lớp học mầm non ở trường Mầm non - Tiểu học quốc tế BRIS. Ảnh: Phương Lâm.

Một lớp học mầm non ở trường Mầm non - Tiểu học quốc tế BRIS. Ảnh: Phương Lâm.

Trẻ là "camera" chính xác nhất

Chia sẻ với Zing, bà Hồ Thị Quỳnh Trang, chủ nhóm trẻ Lê Minh (TP Thủ Đức), cho biết từ khi đi vào hoạt động, hầu hết phụ huynh đến gửi trẻ đều yêu cầu lớp học có camera theo dõi từ xa. Nhiều phụ huynh đã gửi con khoảng 2, 3 năm vẫn có yêu cầu này.

"Lắp camera ở lớp học hạn chế được nhiều tiêu cực. Nhưng cho phép phụ huynh theo dõi từ xa sẽ xuất hiện rất nhiều bất cập. Đôi khi hình ảnh qua camera không thể đánh giá được toàn bộ sự việc, gây hiểu lầm ở phụ huynh. Nhiều lúc, đường truyền yếu, nên hình ảnh cô giáo kéo tay một học sinh rất nhẹ nhàng lại trở thành hành động giật tay mạnh bạo", bà Trang nói.

Cũng theo bà Trang, thiết bị này chỉ phục vụ khi nhà trường cần trích xuất để xử lý những sự việc mà phụ huynh thắc mắc. Không thể trở thành công cụ để quản lý bạo lực học đường.

Bên cạnh đó, bà Trang nhận định việc phụ huynh theo dõi camera từ xa có thể tạo áp lực đối với giáo viên. Nhóm trẻ Lê Mình từng ghi nhận trường hợp học sinh biết lớp có camera nên đã thể hiện thái độ khiêu khích cô giáo. Khi cô giáo nói sẽ phạt, em này trả lời là "cha mẹ con đang xem camera đấy, con đố cô làm gì được".

Bà Phùng Thị Thúy Hằng, Giám đốc vận hành hệ thống trường Mầm non - Tiểu học quốc tế BRIS, bày tỏ sự thông cảm khi phụ huynh muốn theo dõi camera từ xa để xem con ở trên lớp có biểu hiện như thế nào, bị cô giáo bạo hành hay bạn học đánh không. Tuy nhiên, phụ huynh không thể cả ngày chỉ nhìn chằm chằm vào camera để quan sát.

"Camera chính xác nhất để phản ánh mọi việc ở lớp học chính là trẻ. Sự phản ánh này thể hiện ở việc trẻ có tình cảm với cô như thế nào. Nếu cô giáo yêu thương con, con sẽ sà vào lòng cô mỗi khi đi học và thích đến trường. Phụ huynh chỉ dựa vào camera ở lớp học thì không thể nắm rõ tình hình. Vì nhiều hình ảnh trên camera được phản ánh rất bình yên nhưng ở một số góc khuất của thiết bị này cô giáo lại đối xử với con không được dịu dàng", bà Hằng nói.

Không cho phép phụ huynh theo dõi camera từ xa

TS Trần Thành Nam nhận định để đảm bảo an toàn, các cơ sở giáo dục mầm non nên lắp đặt một số camera nhưng không cho phép phụ huynh theo dõi từ xa. Thiết bị này chỉ phục vụ công tác điều hành của nhà trường. Theo ông Nam, nếu phụ huynh được cấp quyền theo dõi từ xa thì nhà trường có thể bị hack hệ thống camera và lộ những thông tin của trẻ trên mạng xã hội.

Chúng ta phải trân trọng giáo viên. Nếu phụ huynh cứ nghi ngờ giáo viên thì con cái cũng sẽ nghi ngờ theo. Từ đó, trẻ sẽ báo cáo những hành vi không có ý nghĩa tiêu cực nhưng lại gán lên ý nghĩ tiêu cực, vì cha mẹ toàn nói những ý nghĩ đấy với con

TS Trần Thành Nam

"Phụ huynh khó có thể xem riêng hình ảnh con khi trẻ còn tham gia nhiều hoạt động chung với các bạn trong lớp. Những người nào có mục đích xấu sẽ làm lộ thông tin của những đứa trẻ khác. Mỗi đứa trẻ đều có quyền không cho người khác xâm phạm hình ảnh của bản thân", ông Nam nói.

Tại trường Mầm non - Tiểu học quốc tế BRIS, hệ thống camera được lắp đặt có tác dụng ghi nhận lại tình hình của buổi học để nhà trường đánh giá, quản lý vì đôi lúc bộ phận quản lý của trường không thể kiểm soát được hết.

"Khi phụ huynh được theo dõi camera từ xa, đồng nghĩa với việc quyền riêng tư của các con đang bị công khai trên toàn hệ thống mạng xã hội. Phụ huynh không phải chỉ coi một mình con của họ mà những người khác cũng có thể coi con của họ. Cha mẹ có muốn hình ảnh sinh hoạt của con từ đầu tuần đến cuối tuần bị người khác theo dõi hay không? Nếu xét về sự riêng tư và bảo vệ trẻ em, tôi thấy rằng không nên cho phụ huynh theo dõi camera lớp học từ xa", bà Hằng nói.

Hiện tại, trường không cho phép phụ huynh theo dõi camera lớp học từ xa. Những phụ huynh nghi ngờ khi con về nhà sau giờ học có những biểu hiện bất thường sẽ đến trường để được trích xuất camera.

Nhóm trẻ Lê Minh cũng đang thu thập thêm tài liệu, thông tin để thuyết phục phụ huynh không nên theo dõi camera ở lớp học từ xa. Nhà trường dự kiến trong năm học mới chỉ sử dụng camera vào mục đích quản lý. Phụ huynh có nhu cầu trích xuất camera sẽ đến trường để xem lại. Tuy nhiên, bà Trang dự đoán trường sẽ giảm số lượng phụ huynh đăng ký, vì nhiều cha mẹ không đồng ý gửi con khi họ không được theo dõi camera từ xa.

Nguyễn Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ts-tran-thanh-nam-camera-khong-the-phan-anh-het-tinh-hinh-lop-hoc-post1310071.html