TS Nguyễn Mạnh Hùng: 'Sự tử tế luôn có sẵn trong mỗi chúng ta'

Kêu gọi lan tỏa ATM sự tử tế, TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng sự chung tay của mỗi người sẽ giúp sự tử tế được nhân rộng, hưởng ứng trong khắp xã hội.

Mùng 3 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books, người có nhiều đóng góp trong việc lan tỏa văn hóa đọc - đã phát động ATM sự tử tế, kêu gọi mọi người cùng thực hiện, lan tỏa sự tử tế trong xã hội.

TS Nguyễn Mạnh Hùng dành thời gian chia sẻ với Znews - Tri thức về quá trình phát triển ATM sự tử tế, làm sao để dự án được nhân rộng, lan tỏa hơn nữa trong xã hội.

Tự mình thực hiện sự tử tế rồi lan tỏa đến mọi người

- Từ năm 2021 đã xuất hiện nhiều hoạt động nhân đạo do ông khởi xướng như ATM gạo, ATM sách… giống như những hạt mầm đầu tiên của ATM sự tử tế. Lý do gì ông tái khởi động xây dựng ATM sự tử tế nhân dịp đầu năm Giáp Thìn?

Thực ra sự tử tế luôn có sẵn trong mỗi chúng ta, ngay cả trong tâm những người mà chúng ta cho rằng không tử tế, thậm chí là “người xấu”. Chúng ta là con người, tức là có cả chất “người” lẫn chất “con”. Tôi cho rằng chất “người” có sẵn đó, sự tử tế có sẵn trong tâm mỗi chúng ta đó cần được khơi dậy.

Là người làm công tác nghiên cứu lâu năm, tôi có thói quen quan sát, tổng kết và ứng dụng vào cuộc sống. Tôi thấy người Việt ta thật sự có tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” và nhất là tinh thần “cây tre” của chúng ta rất mạnh, đặc biệt. Và tôi ứng dụng ngay trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành.

ATM gạo tôi mở ra ban đầu chỉ với 10 tấn gạo của Thái Hà Books, dự định phát tặng cho bà con khó khăn một số khu vực tại quận Cầu Giấy, nhưng bất ngờ nhận được sự ủng hộ quá lớn từ mọi người, cả người dân và các cơ quan, chúng tôi cứ thế mở dần thêm ở Hòa Bình, Phú Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Tuyên Quang, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Buôn Ma Thuột, Thái Bình… và hơn 1.000 tấn gạo đã đến với bà con thật sự cần.

TS Nguyễn Mạnh Hùng (áo cam) tại một điểm ATM gạo trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành.

Lúc Covid-19 diễn ra, mọi người bị cách ly, nếu ra ngoài thì hạn chế tay xúc chạm. Tôi nghĩ ngay ý tưởng gửi sách tặng đi những nơi nào có thể, nhất là các nơi chăm sóc bệnh nhân hoặc cách ly tập thể. Rồi ý tưởng làm ATM sách xuất hiện, chế tạo máy rút sách tự động, ai cũng có thể chọn và thỉnh 1 trong 64 cuốn sách trong 64 ô tùy chọn, miễn phí, không tốn công sức. Kết quả lại hơn cả chờ mong.

Cứ thế tôi cho ra đời các ATM giếng nước, tặng giếng nước cho dân nghèo Ấn Độ thiếu nước, ATM cây gậy trắng, tặng cây gậy trắng cho người dân bị mù trên cả nước sử dụng, rồi ATM tủ sách (đã tặng gần 200 tủ sách trên khắp cả nước).

ATM sự tử tế xuất hiện là do khi đó Ấn Độ bùng phát dịch rất mạnh. Tôi thấy mình cần mang sự tử tế của người Việt sang cho các bạn. Thế là thực phẩm, khẩu trang được cung cấp, được tặng. Từ một điểm tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) cứ thế mở ra các điểm khác ở Ấn Độ. Từ Ấn Độ, tôi có duyên lành mở tiếp tại các nước như Nepal, Bangladesh, Myanmar, Srilanka, Campuchia. Tôi ấn tượng nhất là xây được cho các con ở Myanmar lớp học Karuna (tình yêu thương).

Hôm mùng 3 Tết, tôi được các học trò chúc Tết theo phong tục “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Tôi hạnh phúc lắm. Tự nhiên trong đầu tôi lại hiện lên suy nghĩ “Đời cho mình quá nhiều mà mình chưa làm gì được cho đời”.

Tôi giật mình thấy rằng tôi, các học trò và bạn bè, người thân cần làm thật nhiều việc tử tế. Không những chỉ âm thầm mà cần lan tỏa và kêu gọi cả cộng đồng tham gia mới tuyệt vời! Thế là thầy trò chúng tôi bắt đầu!

- Ông định nghĩa thế nào là sự tử tế?

Tôi thì nghĩ rất mộc mạc và đơn giản. Tử tế là xuất phát từ lòng biết ơn, sự tri ân, mình muốn cám ơn đời. Về ngữ nghĩa thì “Tử Tế” là một từ gồm 2 chữ vô cùng đơn giản: “tử” là kỹ lưỡng, cẩn thận; còn “tế” là mịn, nhỏ, tỉ mỉ, cẩn trọng kỹ càng. Nôm na chúng ta hiểu rằng chúng ta sống với nếp sống tử tế, cẩn thận, kỹ lưỡng, chu đáo trong từng việc, dù là rất nhỏ, nhỏ nhất, đối với chính mình và mọi người xung quanh. Chúng ta cùng nhau sống trong sự tử tế, trong tình yêu thương vô điều kiện, với tâm từ bi hỷ xả, với tấm lòng rộng mở khoan dung.

Chúng tôi muốn thực hành và kêu gọi cả xã hội cùng triển khai ATM sự tử tế bằng từng suy nghĩ, lời nói và việc làm thiện lành. Chúng ta cùng nhau cho đi một cách tự động những suy nghĩ tốt, những lời nói ái ngữ, những việc làm tử tế. Và chúng ta cùng trải nghiệm, thân chứng rằng khi thể hiện sự tử tế, tự động niềm an vui và hạnh phúc xuất hiện ngay bây giờ ở đây cũng như dài lâu.

Chúng ta hãy tự mình thực hiện sự tử tế qua suy nghĩ, lời nói và việc làm mỗi ngày. Rồi sau đó mỗi người tự chia sẻ, lan tỏa những sự tử tế ấy đến những ai có thể.

Việc dù nhỏ đến đâu mà thật đông người cùng chung tâm làm thì sẽ thành việc lớn và việc dù lớn đến đâu mà có thật nhiều người cùng mở tâm ra, chung tay thì sẽ thành việc nhỏ. ATM sự tử tế cũng vậy, cũng giống như ATM gạo, ATM sách, ATM giếng nước, ATM cây gậy trắng, ATM tủ sách… chắc chắn thành công.

- Theo ông, mỗi người trong xã hội có thể thực hành sự tử tế như thế nào? Có phải cứ có tiền mới có thể làm việc tử tế, giúp đỡ người khác?

Tử tế đầu tiên xuất phát từ tâm, từ suy nghĩ, từ trái tim. Chỉ cần có suy nghĩ tốt, tích cực đã tỏa ra năng lượng tốt lắm rồi. Ví dụ, sáng ra, ngủ dậy, chỉ cần ta nghĩ rằng mình khỏe mạnh vui vẻ. Mình nghĩ về sự bình an, hạnh phúc, hỷ lạc cho mình và người thân, gia đình, bạn bè, hàng xóm, cơ quan... thì ngay lập tức có năng lượng tích cực.

Đấy đơn giản là hãy nghĩ tốt, nghĩ thiện lành. Hơn thế nữa từ nghĩ, ta sẽ nói ra và hành động.

TS Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi mọi người lan tỏa sự tử tế. Ảnh: Hoàng Đông.

Chúng ta có thể nói những lời nói dễ thương, ái ngữ, những câu động viên khen ngợi nhau, những lời nói tử tế mang lại niềm vui cho nhau. Rồi cố ý tránh xa, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói đâm thọc, không nói làm người khác đau khổ, tổn thương, không nói những lời phù phiếm, vô nghĩa.

Rồi làm những việc rất nhỏ như dắt một người tàn tật qua đường, thấy chân xe máy chưa gạt lên, ta nhắc họ, thấy rác trên đường ta nhặt cho vào thùng rác, thấy ai đó quanh mình cần sự giúp đỡ dù lớn hay nhỏ mà trong khả năng thì ta làm ngay. Thậm chí một cái ôm, cái bắt tay, một ánh mắt thân thương, một tin nhắn, đăng một tin vui, tin tích cực lên mạng xã hội mỗi ngày thôi. Đâu có to tát gì, đâu có mất nhiều thời gian, đâu có mất tiền!

Nhiều người cùng làm việc nhỏ sẽ thành việc lớn

- Ông từng chia sẻ khi chúng ta suy nghĩ tử tế, làm điều tử tế, người được lợi đầu tiên là chính bản thân chúng ta?

Cái này ai làm tự biết, ai thân chứng tự thấy. Ví dụ, tôi nghĩ tốt về bạn, tôi mỉm cười với bạn. Ai được hưởng lợi đầu tiên? Bạn đâu có biết tôi nghĩ tốt về bạn. Bạn đâu có thấy tôi đang mỉm cười với bạn. Nhưng khi tôi nghĩ tốt về bạn, tôi mỉm cười với bạn có phải chính tôi được vui, được bình an, khuôn mặt tôi an vui, thư giãn hạnh phúc không?

Khi bạn khen tôi một câu, khi bạn nói lời dễ thương với ai đó dù một câu, ai được hạnh phúc, vui tươi đầu tiên? Chính bạn, đúng không.

Hôm mùng 10 tháng giêng, tôi và một bạn học trò tặng 150 suất cơm chay cho bệnh nhân nghèo tại bệnh viện Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Mỗi suất cơm chay chỉ có 25.000 đồng thôi. Khi nhận ảnh, nghe kể về niềm vui của 150 bệnh nhân nghèo khi nhận được suất cơm, tôi vui vô cùng. Vui lắm. Niềm vui cứ kéo dài mãi. Vui đến mức tôi quyết định mở ATM cơm chay. Cứ mùng 1 và ngày rằm, chúng tôi sẽ tặng cơm chay, trước mắt đến các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện.

- Mục tiêu của ATM sự tử tế là gì? Ông có kế hoạch gì để mọi người duy trì sự tử tế lâu dài, tự giác?

Tôi không có mục tiêu gì lớn lao cả đâu. Tôi cứ làm thôi. Tôi là thầy giáo nên các học trò của tôi tin theo, trải nghiệm hạnh phúc khi có suy nghĩ, lời nói, việc làm tử tế. Dần dần, tự các em hình thành lối sống tử tế. Lúc đầu chỉ các bạn trong nước, sau dần đã có nhiều người ở Mỹ, Nhật, Đức, Séc, Hàn Quốc hưởng ứng.

Ngoài những đóng góp trong khuyến đọc, TS Nguyễn Mạnh Hùng được biết đến với nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.

Cứ thế lan tỏa thôi. Mình cứ tùy sức, tùy thời gian của mình mà làm, cứ nhỏ nhỏ và lớn dần. Tôi chưa dám nghĩ đến kết quả gì quá lớn lao mà chỉ biết hàng trăm học trò, bạn bè và người thân của tôi đã thay đổi lối sống, sống tử tế. Họ cứ thế lan tỏa đến gia đình họ, cơ quan họ, hàng xóm họ.

- Ông kỳ vọng rằng dự án sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với cộng đồng và xã hội?

Tôi không kỳ vọng gì cả. Tôi tin mỗi ngày sẽ thêm vài chục người thay đổi lối sống sang tử tế. Tôi tin rằng các bạn trẻ thích và tham gia ngày càng đông. Tôi nhắm đến giới trẻ vì học trò của tôi phần lớn là người trẻ, bạn bè của họ lại trẻ nữa. Nếu các bạn trẻ thay đổi và có lối sống tử tế, tự động xã hội sẽ thay đổi, tự động tương lai Việt Nam thành quốc gia tử tế. Việc này rất nhỏ nhưng thật đông người tham gia, cùng làm sẽ tự động thành việc lớn.

- Theo ông, chúng ta cần làm gì để lan tỏa rộng hơn ATM sự tử tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay, đôi lúc những tin tức tiêu cực lại được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội hơn là những điều tích cực?

Tôi được học từ năm 1998 tại Mỹ rằng, theo nghiên cứu, 1 tin tốt sẽ lan đếtoản 3 người nhưng 1 tin xấu sẽ lan tỏa đến 10 người. Khi đó, tôi giật mình và làm các nghiên cứu ngay tại Việt Nam và thấy đúng vậy. Chỉ có cách duy nhất là nghĩ tử tế, nói tử tế, hành động tử tế thôi. Cần làm ngay bây giờ và ở đây thôi. Bởi không bây giờ thì khi nào? Không ở ngay đây thì ở đâu? Bởi nếu ta không làm thì ai làm? Cứ ngồi đợi ngồi chờ, ngồi nghe ngóng thì ai làm.

Tôi nghĩ nếu mỗi người quanh tôi cứ làm, cứ lan tỏa qua lời nói, qua các câu chuyện, trên mạng xã hội đã tốt lắm rồi. Nếu có báo đài chung tâm nữa thì tuyệt vời.

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/ts-nguyen-manh-hung-su-tu-te-luon-co-san-trong-moi-chung-ta-post1461364.html