TS Lê Xuân Nghĩa: Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, căn cơ là phải cho nhập khẩu vàng

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn, còn việc xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế phải cần tới biện pháp thương mại.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chuẩn bị cho phiên đấu thầu vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung vàng cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Mục tiêu đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo NHNN, hiện có 26 đơn vị bao gồm cả các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN. Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Đây sẽ là lần đầu tiên sau 11 năm NHNN đấu thầu trở lại đối với vàng miếng SJC. Trước đó, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.

Ngân hàng Nhà nước sắp đấu thầu vàng miếng SJC

Bình luận về động thái này, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng việc đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp có thể tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn. Trong khi xóa bỏ chênh lệch vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Tức sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.

Về những lo ngại về ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, vị chuyên gia cho rằng điều này ảnh hưởng không quá lớn. “Thực tế, vàng nhập lậu xảy ra thời gian qua cũng cần đến ngoại tệ. Hơn nữa, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước tính không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Về diễn biến giá vàng thế giới tăng kỷ lục, ông Nghĩa cho rằng, lý do chính là các ngân hàng trung ương dồn dập mua vào để tăng dự trữ. Trong bối cảnh đó, theo ông, NHNN lẽ ra nên nghiên cứu tăng mua vàng dự trữ hơn là đưa vàng ra bán đấu thầu. “Đây có thể là giải pháp tình thế ngắn hạn chứ không phải là biện pháp có tính căn cơ, dài hạn” – ông nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc đề cập đến vàng hóa là không cần thiết. “Chúng ta chỉ gọi là vàng hóa khi vàng đi vào hệ thống ngân hàng (vàng trở thành tiền gửi, cho vay). Trong khi đó, NHNN đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng. Chúng ta đã cấm sử dụng vàng như phương tiện huy động và cho vay, nên vàng hóa đã kết thúc. Kể cả dùng vàng để mua bất động sản, đó cũng không gọi là vàng hóa", ông nói.

Vấn đề chênh lệch giá vàng trong nước (SJC) và giá vàng thế giới, vị chuyên gia cho rằng từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời đến nay, nguồn cung vàng bị cắt đứt, doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn cao dẫn đến mất cân bằng cung cầu. Để bù đắp lại sự mất cân bằng đó thì một là buôn lậu, hai là tăng giá vàng trong nước lên.

Vị chuyên gia cho rằng, trên thế giới chỉ còn mỗi Việt Nam là Ngân hàng Trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng, vì vậy cần xóa bỏ sự độc quyền này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ts-le-xuan-nghia-dau-thau-vang-chi-la-giai-phap-tinh-the-can-co-la-phai-cho-nhap-khau-vang-post573623.antd