TS Lê Hồng Sơn: “Bổ nhiệm người nhà cũng là tham nhũng”

“Tôi cho rằng để tồn tại tình trạng bổ nhiệm người nhà làm quan ở các địa phương, các ngành cũng là một dạng tham nhũng”.

Ngày 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra công vụ các phản ánh liên quan tới việc lãnh đạo địa phương “bổ nhiệm người nhà” vào các đơn vị do mình phụ trách, quản lý và báo cáo trước ngày 30/10.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPPL (Bộ Tư pháp) đã bày tỏ nhiều băn khoăn, trăn trở cũng như đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng lãnh đạo bổ nhiệm người nhà “đúng quy trình” vào các cơ quan nhà nước.

Đất Việt xin đăng tải toàn bộ ý kiến của TS Lê Hồng Sơn!

Cả xã hội lo lắng

Thủ tướng sốt ruột trước tình trạng lãnh đạo các địa phương bổ nhiệm người thân, người nhà vào các vị trí do mình phụ trách , quản lý và có sự chỉ đạo như vậy là đúng. Hiện tượng này không phải là mới, và lại càng không phải là hiếm lâu nay. Tôi biết ở nhiều nơi, nhiều cơ quan, đơn vị, người ta kéo đàn, kéo lũ con cái, thân thích vào biên chế, vào cơ quan, đơn vị mình quản lý. “Một người làm quan, cả họ được nhờ” là câu nói không hề xa lạ.

Thực tế, không chỉ Thủ tướng, tôi nghĩ cả xã hội đều băn khoăn, lo lắng về hiện tượng lạm quyền, bất chấp kỷ cương, phép nước để đưa những người thân thích ruột thịt vào các cơ quan, đơn vị mình, bất chấp tiêu chuẩn, trình độ, yêu cầu bằng cấp. Mà kể cả yêu cầu về bằng cấp cũng được họ lợi dụng chính sách chung, sử dụng ngân sách Nhà nước để cho đi đào tạo theo dạng chuyên tu, tại chức, kể cả đi đào tạo ở nước ngoài cho đầy đủ “mác mỏ”, “hàm cấp”.

Quản lý của chúng ta đang thiếu nhiều thứ quá, quá nhiều kẽ hở, bất cập về vấn đề này để cho kẻ xấu, kẻ bất lương lạm dụng.

Theo TS Lê Hồng Sơn, để tồn tại tình trạng bổ nhiệm người nhà làm quan ở các địa phương, các ngành cũng là một dạng tham nhũng. Ảnh minh họa

Có thể nói đây là chùm khế ngọt cho những kẻ thoái hóa, biến chất, thậm chí cá biệt có những kẻ đã bị lưu manh hóa trong hệ thống bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị lạm dụng.

Nhìn nhận được vấn đề tiêu cực đó, yêu cầu kiểm tra xử lý vụ việc là một bước tiến trong nhận thức, trong quyết tâm chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ vào cuộc. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ Bộ Nội vụ muốn làm cũng không nêu ra được sai trái mang tính bản chất của vấn đề. Bởi lẽ bao nhiêu thủ tục trình tự, bao nhiêu hàng rào ngăn chặn, kể cả lấy phiếu của tập thể cơ quan đơn vị, người ta cũng dễ dàng vượt qua bằng đủ các thủ đoạn, mánh lới. Và khi kiểm tra nếu chỉ vào kiểm tra qua hồ sơ, giấy tờ, hời hợt, hình thức thì kết luận cuối cùng luôn luôn làm đúng quy trình chứ không phản ánh được bản chất của sự việc. không khéo, lại giúp cho hợp thức hóa việc sai trái, tiêu cực.

Cá biệt, trong nhiều cơ quan tổ chức hiện nay còn có tình trạng bao che cho nhau, còn dĩ hòa vi quý, mũ ni che tai, thậm chí là vô cảm. Cũng giống như hiện nay ngoài xã hội trước những hiện tượng tiêu cực bất công vi phạm pháp luật thì thái độ của phần đông vẫn là hững hờ, vô cảm, thiếu những hành động anh hùng theo kiểu “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”. Mà cho dù có đi nữa cũng khá ít, khá cá biệt.

Với 1 xã hội như thế thì trong cơ quan đơn vị cũng dễ hiểu tâm lý chung muốn dĩ hòa vi quý, không dám đấu tranh, không dám bảo vệ kỷ cương pháp luật, bảo vệ lẽ phải, càng làm cho tiêu cực nẩy nở, sinh sôi.

Thiếu cơ chế giám sát xã hội

Ở đây tôi muốn nói rõ hơn và đi sâu vào phân tích vấn đề giám sát xã hội vốn đang thiếu và rất yếu ở Việt Nam.

Ở rất nhiều nước, cơ chế giám sát của xã hội trên nền tảng công khai, minh bạch khách quan đã được thực hiện khá tốt. Do đó mà hiện tượng đưa con cháu, những người thân thích vào cơ quan quan lý do mình lãnh đạo, nếu có cũng khá hiếm, khá hy hữu và dễ bị vạch mặt, chỉ tên.

Tuy nhiên ở Việt Nam tình hình có vẻ như ngược lại và đáng buồn là đang trái ngược với những gì cha ông ta trong lịch sử đã làm, đã ngăn chặn được.

Thực tế, từ xa xưa, các bậc tiền nhân đã chú ý đến việc phòng ngừa hiện tượng tiêu cực, thoái hóa biến chất trong việc này bằng những quy định có tính chất ngăn ngừa từ xa như không cho phép làm quan tại quê hương, bản quán, không cho phép đưa anh em, họ hàng thân thích vào nơi mình làm quan.

Nói rộng ra, cơ chế về “cáo tỵ, hồi tỵ” trong công tác nhân sự đã được cha ông ta hình dung và xử lý, ngăn chặn tương đối tốt, không để tình trạng “hóa mù ra mưa” như hiện nay ở một số nơi.

Nhìn rộng ra thế giới, để đưa một con người vào bộ máy người ta chịu rất nhiều cơ chế ràng buộc. Trước hết nếu quan chức đó thuộc 1 Đảng cầm quyền nào đó, thì cơ chế giám sát trong Đảng, của các Đảng, của các lực lượng đối lập, của xã hội hết sức chặt chẽ. Chỉ cần sơ sẩy 1 tí là bị phát hiện, bị lật tẩy. Và cái giá phải trả là khá lớn, khá nghiêm khắc.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ts-le-hong-son-bo-nhiem-nguoi-nha-cung-la-tham-nhung-3321655/