Truyền thông về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép cho phụ nữ Trạm Tấu

Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Yên Bái vừa tổ chức sự kiện truyền thông về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép cho hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.

Diễn tiểu phẩm về chủ đề về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép tại sự kiện truyền thông.

Sự kiện nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa của mọi người dân vào công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại sự kiện truyền thông, thông qua hình thức sân khấu hóa với sự tham gia của các diễn viên Trung tâm văn hóa huyện Trạm Tấu và trò chơi dành cho khán giả, hội viên, phụ nữ và nhân dân được trang bị thêm kiến thức về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép; nhận biết những phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiệm trọng của tội phạm mua bán người; nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện ra các hành vi phạm tội mua bán người; đồng thời, góp phần thay đổi nhận thức, hành động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay đẩy lùi nạn mua bán người, mang lại xã hội an toàn cho tất cả mọi người.

Trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người cả chiều rộng và chiều sâu. Bên cạnh việc truyền thông trực tiếp, Hội LHPN Việt Nam tích cực triển khai tuyên truyền trực tuyến qua hệ thống tin, bài, các triển lãm, chiến dịch truyền thông, livestream các chương trình trên các kênh truyền thông số, báo chí, mạng xã hội của các cấp Hội thu hút hàng triệu lượt tiếp cận và tương tác.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã triển khai nhiều chương trình, mô hình có ý nghĩa nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho chị em hội viên cũng như tổ chức các hoạt động hỗ trợ tư vấn, trợ giúp pháp lý để chị em nói chung và các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Có thể kể tới những mô hình truyền thông hiệu quả tại các tỉnh, thành như: truyền thông tại các phiên chợ vùng cao, truyền thông "5 biết" ( biết văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; biết tình trạng sức khỏe; biết hoàn cảnh gia đình của đối tượng sẽ kết hôn và hiểu biết pháp luật về hôn nhân gia đình; biết về thực trạng những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài thành công và thất bại của chị em đi trước ); truyền thông di cư an toàn "nghĩ trước bước sau” và hàng nghìn câu lạc bộ, tổ nhóm truyền thông đã cung cấp nhiều biện pháp chủ động phòng, chống mua bán người cho người dân, nhất là các chị em phụ nữ.

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN các cấp triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em” đã hỗ trợ, triển khai các mô hình, hoạt động đặc thù phù hợp với địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó đẩy mạnh các hoạt động, mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người rất hiệu quả.

Thu Hạnh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/300723/truyen-thong-ve-phong-chong-mua-ban-nguoi-va-di-cu-trai-phep-cho-phu-nu-tram-tau.aspx