Truyền thông Mỹ: Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple

CNBC, kênh truyền hình tin tức tài chính hàng đầu Mỹ, nhận định Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple.

Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook đã đến Hà Nội sáng 15.4 bằng máy bay riêng vào thời điểm Apple tìm cách tăng doanh số bán hàng tại các thị trường mới.

Tim Cook gặp gỡ nghệ sĩ, nhà phát triển và người sáng tạo nội dung của Apple trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 2 ngày.

Sáng 15.4, Giám đốc điều hành Apple đăng trên mạng xã hội X ảnh ngồi uống cà phê trứng cùng mẹ con ca sĩ Mỹ Linh - Mỹ Anh. Ngoài ra, ông còn dạo Hồ Gươm và gặp nhà sáng tạo nội dung Duy Thẩm, rồi đến nơi làm việc của Antiantiart để trò chuyện với đạo diễn Phương Vũ.

Đến chiều 15.4, Tim Cook nghe bản nhạc rap Dâu thiên hạ cùng Suboi, gặp hai nhà phát triển ứng dụng CollaNote và Elsa Speak để nghe họ chia sẻ về hành trình phát triển sản phẩm.

CollaNote và Elsa Speak là ứng dụng Việt ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế. Trong đó, Elsa Speak (ứng dụng học tiếng Anh) nằm trong trong 50 ứng dụng hàng đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, được hàng triệu người trên khắp thế giới sử dụng. Còn CollaNote nổi bật với các tính năng độc đáo như học ngoại ngữ bằng công cụ dịch, ôn bài bằng flashcard, cộng tác thời gian thực, đa dạng đầu bút lên đến 25 loại, ghi âm đồng bộ với chữ viết tay.

Tim Cook đi dạo gần hồ Gươm ở trung tâm Hà Nội sáng 15.4 - Ảnh: Getty Images

CEO Apple nghe bản nhạc rap Dâu thiên hạ cùng Suboi chiều 15.4 - Ảnh chụp màn hình

Chuyến thăm Việt Nam của Tim Cook diễn ra vào thời điểm khó khăn với Apple.

Hôm 14.4, dữ liệu từ công ty nghiên cứu IDC cho thấy doanh số smartphone toàn cầu đã tăng 7,8% lên 289,4 triệu chiếc trong quý 1/2024, với Samsung Electronics chiếm 20,8% thị phần, giành vị trí nhà sản xuất điện thoại hàng đầu từ Apple.

Doanh số iPhone của Apple đã giảm khoảng 10% trong quý 1/2024 do bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nhà sản xuất smartphone Android, đặc biệt là tại thị trường trọng điểm như Trung Quốc.

Theo IDC, Apple đã âm thầm phát triển thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ ba ở Việt Nam về doanh số, sau Oppo và Samsung Electronics. Việt Nam đã trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng khi Apple tìm cách đa dạng hóa hoạt động lắp ráp sản phẩm của mình ra ngoài Trung Quốc.

Vào năm 2022, các biện pháp ngăn chặn COVID-19 nghiêm ngặt ở Trung Quốc và tình trạng bất ổn do công nhân gây ra tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất. Foxconn là nhà lắp ráp chính iPhone của Apple.

Hồi tháng 12.2023, tờ Nikkei Asia đưa tin Apple đang chuyển một số nguồn lực kỹ thuật quan trọng của iPad sang Việt Nam.

Việt Nam đang tham gia vào việc phát triển và sản xuất MacBook, iPad, Apple Watch, thu hút hàng nghìn lao động.

"Việt Nam không chỉ quan trọng với Apple do lượng người hâm mộ ngày càng tăng ở đây, mà còn bởi ngành công nghiệp smartphone đang phòng ngừa rủi ro bằng cách đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Điều đó gồm cả các địa điểm quan trọng như Việt Nam, nơi Samsung từ lâu đã có mặt ở miền bắc đất nước. Những nỗ lực đa dạng hóa của Apple cũng gồm cả các thiết bị như máy tính xách tay, với những nhà sản xuất theo hợp đồng của họ như Quanta và Foxconn đã đầu tư vào Việt Nam", ông Bryan Ma, Phó chủ tịch nghiên cứu thiết bị khách hàng tại IDC, nói với kênh CNBC.

Ấn Độ cũng nổi lên như một trung tâm sản xuất iPhone quan trọng.

Trang Bloomberg đưa tin Apple đã lắp ráp số iPhone trị giá 14 tỉ USD tại Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào tháng 3.2024), tăng gấp đôi sản lượng so với năm trước, trong dấu hiệu cho thấy hãng đang đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết gã khổng lồ công nghệ Mỹ hiện sản xuất tới 14% hoặc khoảng 1 trong 7 iPhone của mình ở Ấn Độ.

Apple bắt đầu lắp ráp dòng iPhone mới nhất của mình tại Ấn Độ vào năm 2022 với iPhone 14 và năm ngoái là iPhone 15. Ấn Độ cũng là thị trường tiêu dùng khổng lồ của Apple.

Theo Bloomberg, Foxconn lắp ráp gần 67% và Pegatron Corp lắp ráp khoảng 17% số iPhone ở Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua. Những chiếc iPhone còn lại được sản xuất tại nhà máy của Wistron Corp ở bang Karnataka phía nam Ấn Độ. Nhà máy này được Tata Group (tập đoàn đa ngành Ấn Độ từ muối đến phần mềm) tiếp quản vào năm ngoái. Tata Group đang có kế hoạch xây dựng một trong những nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất Ấn Độ.

Con số 14 tỉ USD đề cập đến giá trị ước tính của iPhone khi rời khỏi nhà máy, thay vì thẻ giá bán lẻ.

Apple tăng cường cam kết với Việt Nam

Ngay khi vừa đến Hà Nội, Tim Cook đã hào hứng chia sẻ: "Không có nơi nào như Việt Nam, một đất nước sôi động và xinh đẹp. Tôi vô cùng hào hứng khi được tới đây kết nối với sinh viên, nhà sáng tạo và khách hàng, hiểu hơn về sự đa dạng trong cách họ sử dụng sản phẩm của chúng tôi để làm nên những điều phi thường".

Với sự xuất hiện của Tim Cook tại Việt Nam, Apple cũng thông báo tăng cường cam kết với nước ta, bao gồm nâng các khoản chi cho nhà cung cấp, tài trợ cho sáng kiến nước sạch tại các trường học địa phương.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cho biết gần đây đã hợp tác với tổ chức nước sạch toàn cầu Gravity Water để lắp đặt hệ thống trữ nước mưa tại các trường học ở tỉnh Hòa Bình. Dự án sẽ tiếp cận 131 trường học vào cuối tháng 4 này, cung cấp nguồn nước an toàn, ổn định quanh năm cho hơn 42.000 học sinh cũng như giáo viên và gia đình.

Trước đó, Apple đã áp dụng sáng kiến Power for Impact giúp đưa năng lượng sạch đến các trường học ở vùng nông thôn Việt Nam, bao gồm hợp tác với TRE Foundation để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời tại 20 trường học ở vùng nông thôn Việt Nam. Nhà sản xuất iPhone cũng hỗ trợ chương trình giảng dạy cho trẻ em về phát triển bền vững và STEM.

STEM là thuật ngữ tiếng Anh được viết tắt từ bốn chữ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Maths (Toán học). STEM là mô hình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn.

Ngoài ra, Apple cam kết hỗ trợ các nhà cung ứng địa phương đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2023, đồng thời hợp tác để giảm thiểu rác thải điện tử và khai thác vật liệu có trách nhiệm.

Vào tháng 11.2023, Tim Cook đánh giá nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều hãng điện tử, công nghệ hàng đầu thế giới và Mỹ đã triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam với số lượng ngày càng lớn. Tim Cook cho biết Việt Nam sở hữu đội ngũ kỹ sư, nhân viên công nghệ trình độ cao.

Kể từ năm 2019, Apple đã chi gần 400.000 tỉ đồng thông qua chuỗi cung ứng địa phương và tăng hơn gấp đôi mức chi hằng năm cho Việt Nam trong cùng kỳ. Apple cũng tạo ra hơn 200.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp ở nước ta.

Công ty liên tục giới thiệu các dịch vụ mới như mở Apple Store Online vào tháng 5.2023, dịch vụ thanh toán Apple Pay hồi tháng 8.2023 và triển khai công việc chụp ảnh đường phố Việt Nam để phát triển Apple Maps vào tháng 2.2024. Ngoài ra, Apple cũng đăng tuyển việc tìm kiếm nhân sự cho nhiệm vụ phát triển trợ lý giọng nói Siri bằng tiếng Việt.

Theo thông cáo báo chí của Apple, Tim Cook làm việc tại Việt Nam trong 2 ngày, sẽ gặp gỡ nhiều nhà sáng tạo nội dung, lập trình viên và có một số hoạt động liên quan tới giáo dục.

Tim Cook nói: “Tôi hào hứng khi được tới đây kết nối với các sinh viên, nhà sáng tạo và khách hàng, hiểu hơn về sự đa dạng trong cách họ sử dụng sản phẩm của chúng tôi để làm nên những điều phi thường”.

Ông cũng khẳng định Apple cam kết lâu dài tại Việt Nam thông qua việc tăng cường hỗ trợ nhà cung ứng địa phương, đầu tư vào giáo dục và các sáng kiến bảo vệ môi trường.

“Tại Apple, chúng tôi luôn nỗ lực để xây dựng những mối liên kết sâu sắc và mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân ở nơi chúng tôi hoạt động. Từ việc hợp tác với các nhà cung cấp địa phương, đến hỗ trợ các dự án cung cấp nước sạch và các cơ hội giáo dục, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục tăng cường các kết nối tại Việt Nam”, ông nói.

Apple cho biết đang mở rộng các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động, bao gồm cả chương trình Đào tạo nghề cho người khuyết tập và Quỹ phát triển nhân viên của nhà cung cấp trị giá 50 triệu USD. Trong đó, hơn 38.000 người tại Việt Nam đã tham gia chương trình giáo dục về sức khỏe cho nhân viên của nhà cung cấp của Apple.

Về giáo dục, nhà sản xuất iPhone hỗ trợ học sinh và giáo viên trên cả nước tiếp cận với giáo dục thông qua các nguồn tài nguyên bằng tiếng Việt.

Khách hàng ở Việt Nam có thể mua sắm trực tiếp với Apple và trải nghiệm dịch vụ với đội ngũ nhân viên có kiến thức chuyên môn bằng tiếng Việt.

Sự đầu tư và hỗ trợ liên tục nêu trên thể hiện cam kết lâu dài của Apple với Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giáo dục và bảo vệ môi trường tại đây.

Hồi tháng 11.2023, Tim Cook cho biết Apple xác lập kỷ lục doanh thu trong một quý tại thị trường Việt Nam. Theo doanh nhân 63 tuổi người Mỹ, doanh thu của Apple tăng vọt đặc biệt là tác động từ động thái mở cửa hàng online tại Việt Nam và nâng cấp thành thị trường cấp 2.

"Chúng tôi đạt kỷ lục doanh thu ở Ấn Độ, cũng như kỷ lục quý ở một số quốc gia như Brazil, Canada, Pháp, Indonesia, Mexico, Philippines, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Việt Nam", Tim Cook nói.

Trong cuộc gặp với nguyên thủ Việt Nam, Tim Cook khẳng định Việt Nam là quốc gia nằm trong chiến lược kinh doanh đặc biệt của Apple.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/truyen-thong-my-viet-nam-la-mot-trong-nhung-trung-tam-san-xuat-quan-trong-nhat-cua-apple-216112.html