Truyền thông chính sách - kinh nghiệm Việt Nam và Hàn Quốc

Hiểu biết đầy đủ về truyền thông chính sách; nhận diện và xử lý truyền thông trong một số tình huống bất thường, khủng hoảng; vấn đề cấp bách trong chiến lược cho truyền thông chính sách... Đó là những khuyến nghị rất đáng để học hỏi được đúc rút kinh nghiệm qua các bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế về 'Truyền thông chính sách - Kinh nghiệm Việt Nam và Hàn Quốc' do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Đại biểu Nhân dân và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức năm 2016.

Trong bài viết “Truyền thông chính sách từ lý luận đến thực tiễn” của PGS. TS Trương Ngọc Nam, truyền thông chính sách được hiểu là quá trình quảng bá, phổ biến, thông tin về chính sách đến người dân thông qua các phương tiện truyền thông. Tại Việt Nam, báo chí và truyền thông có chức năng thông tin và tuyên truyền chính sách nhằm đưa chính sách vào cuộc sống và tạo ra đồng thuận xã hội. PGS. TS Trương Ngọc Nam cũng đặt ra vấn đề đó là: tính chiến lược, tính khoa học và tính chuyên nghiệp của công tác truyền thông chính sách tại Việt Nam còn là câu hỏi mở. Với những câu hỏi liên tục đặt ra mà chưa thể trả lời đơn giản bằng phương án có hoặc không như: Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp có chiến lược truyền thông rõ ràng hay không? Các đơn vị có chức năng truyền thông của các bộ, ngành có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp hay không? Công tác truyền thông chính sách của cán bộ chuyên trách có dựa trên phương thức được soi sáng bởi các lý thuyết khoa học và được đúc rút từ thực tiễn sinh động hay không?

Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng, nhất là về văn hóa. Tuy mỗi nước có điều kiện đặc thù về chính trị và kinh tế, do vậy truyền thông mỗi nước có điểm khác biệt. Nhưng như quan điểm của hội thảo quốc tế đó là sự khác biệt này tạo nhu cầu trao đổi và học hỏi lẫn nhau.

Trong bài viết “Những vấn đề cơ bản trong truyền thông chính sách” của TS Uhm Seung - Yong, chuyên gia KOICA, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có đề cập đến 8 nội dung. Đáng lưu ý, tác giả nêu rõ: Truyền thông chính sách không chỉ truyền tải thông điệp mà Chính phủ muốn gửi đến người dân mà kêu gọi sự hợp tác của người dân trong quá trình thực thi chính sách. Mục tiêu cuối cùng của truyền thông chính sách là tăng niềm tin của người dân với Chính phủ. Luận giải cách tiếp cận đa chiều về niềm tin chính trị, tác giả chỉ rõ đối tượng chịu sự tác động trước tiên của thái độ công chúng là bản sắc chính trị và hệ thống chính trị của quốc gia. Đối tượng thứ hai là cấu trúc của Chính phủ, điều hành của hoạt động chính trị. Đối tượng của niềm tin chính trị ở chiều thứ ba là chính sách công, dự án công được Chính phủ quyết định và thực thi. Đối tượng cuối cùng và quan trọng nhất là các nhà hoạch định chính sách hay các nhà lãnh đạo. Cũng theo tác giả Uhm Seung - Yong, truyền thông chính sách nghĩa là trong quá trình thông tin chính sách đến người dân phải công khai minh bạch đầy đủ thông tin cả ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của chính sách đó và thúc đẩy họ tham gia hợp tác và đưa ra ý kiến. Những chiến lược truyền thông chính sách được hoạch định tốt sẽ khuyến khích người dân tham gia truyền thông chính sách như một thành viên tích cực, chứ không chỉ là đối tượng tiếp nhận thụ động.

Câu hỏi đặt ra, đâu là những điểm vướng cần được quan tâm tháo gỡ, giải quyết của truyền thông chính sách ở Việt Nam hiện nay.

Trong bài viết “Truyền thông chính sách ở Việt Nam: thời cơ và thách thức”, TS Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sau khi nêu những thuận lợi, thời cơ đã thẳng thắn chỉ rõ các thách thức như: Do tính chất đặc thù lý luận chính trị nên truyền thông chính sách thường gặp trở ngại nhất định từ tâm lý tiếp nhận của công chúng. Hơn nữa, cách thức tuyên truyền còn gặp khó khăn trong nội dung và hình thức. Tiếp đó là sự xuất hiện của tin rác, báo lá cải, trang mạng xã hội có thông tin thiếu lành mạnh, nhà báo bán linh hồn, hám danh cầu lợi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác này. Trình độ nhận thức không đồng đều của người dân ở các vùng miền cũng là một trở ngại.

Đúng như TS Nguyễn Huy Phòng nhận định: Thời đại của truyền thông, công nghệ đòi hỏi những cách làm, chiến thuật mới để thu hút và chinh phục đối tượng khán, thính giả. “Phát huy hiệu quả sức mạnh của truyền thông, nhất là truyền thông chính sách với những bước đi cụ thể theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với tâm lý, truyền thống dân tộc sẽ góp phần tạo ra những năng lượng mới, kích thích sức sản xuất, sáng tạo hướng tới những giá trị nhân văn, cộng đồng”.

Nhằm trả lời câu hỏi: vai trò của báo chí Việt Nam trong truyền thông chính sách, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang đã khẳng định: “Báo chí với tư cách là một phương tiện truyền thông đại chúng chủ yếu nhất, có sức mạnh to lớn nhất trong việc thông tin rộng rãi, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân... thông qua các tác phẩm báo chí được đăng tải trên các loại hình báo chí, báo chí liên kết xã hội, tạo nên dư luận xã hội và biến thành sức mạnh mềm buộc các cơ quan công quyền phải vào cuộc”.

Sức mạnh mềm, sự hấp dẫn, thuyết phục, chính trực của các tác phẩm báo chí chân chính luôn là nguồn thông tin quý giá để mỗi người dân thêm củng cố niềm tin vào các chính sách công; đồng thời thông qua các tác phẩm báo chí, tiếng nói, diễn đàn của Nhân dân luôn là nguồn thông tin phản ánh trở lại để các chính sách công có cơ sở điều chỉnh và thực thi hiệu quả hơn. Báo chí vừa là cây cầu, vừa là khối óc, con tim, là tâm hồn và tấm lòng của triệu triệu người dân Việt Nam đóng góp vào sự hoàn thiện của chu trình chính sách công của Việt Nam. Ngẫm lại, truyền thông chính sách công: truyền sao cho thông, thông sao cho tới đích là một quá trình liên tục, mà mỗi khâu ở đó, báo chí đều có mặt và đóng một vai trò xứng đáng.

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/truyen-thong-chinh-sach-kinh-nghiem-viet-nam-va-han-quoc/27951.htm