Truyện ngắn Vũ Thanh Lịch: Đôi nét phác thảo

Vũ Thanh Lịch sáng tác trên nhiều thể loại (truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch bản sân khấu…), song đến thời điểm này, có lẽ truyện ngắn đã chọn chị để định danh nhà văn.

Lịch không viết quá nhanh, mà bền bỉ, với một nội lực mạnh mẽ và luôn cất cánh ở những thời điểm quan trọng nhất. Giải nhất truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2018-2019 là một sự tưởng thưởng xứng đáng cho truyện ngắn “Nhà thánh” và cũng là sự ghi nhận cao nhất cho một hành trình văn chương của chị.

Trong văn chương, chuyện “nghề” gắn “nghiệp” dường như đúng với khá nhiều nhà văn. Vũ Thanh Lịch là một trường hợp như vậy. Vốn xuất thân là nhà giáo, chuyển sang làm công tác văn hóa, rồi làm quản lý văn hóa, nếu nói Vũ Thanh Lịch có “căn” với các đề tài văn hóa tâm linh quả cũng không sai. Bởi, đọc truyện của chị, thấy ngồn ngộn nhân vật (thánh thần, thành hoàng, đồng Dựm, ông từ, cô Trinh, người gửi thân nơi cửa thánh…), không gian (đình Dạm, đình Đông, miếu, phủ, đền chùa, lễ hội…), sự vật (tượng, tháp chuông, đài âm dương, mâm lễ, hàng rào từ bi), hành vi, tâm thức (hầu đồng, viếng mộ, cúng cáo, hành lễ…) liên quan đến thế giới văn hóa tâm linh chìm nổi.

Trong truyện ngắn Vũ Thanh Lịch, văn hóa tâm linh trở thành một thực tại hiện hữu thường trực, một thực tại dường như chỉ có thể nhìn thấy, cắt nghĩa được bằng con mắt thứ ba. Một mặt khác, dầu không truy nguyên kỳ cùng triệt để, vẫn có thể nhận ra, chút thoáng hoài nghi của chủ thể về sự tồn tại của thế giới thánh thần. “Linh vật cũng là món đồ do tay ta làm ra” (Má đào). Thần thiêng do con người tạo nên, huyền thoại cũng do con người dệt mà thành (Bãi Thè Lẽ). Điều đáng nói là, cảm thức vừa tin, vừa giảo ảo này luôn song hành với tình yêu văn hóa sâu thẳm của nhà văn, thể hiện trước hết ở những âu lo, bất an về chuyển dịch văn hóa và những vận hành xung quanh thế giới tâm linh. Truyện ngắn Vũ Thanh Lịch luôn đậm chất luận đề là như thế.

Điều đáng chú ý là, trong truyện ngắn Vũ Thanh Lịch, nhân vật người bảo vệ, canh giữ văn hóa luôn yếu ớt trước hiện cảnh, có khi mù, khi câm điếc, cấm khẩu, già nua, mắt mờ, chân chậm (Thấm trong “Cổng chùa”; Sắng trong “Nhà thánh”; ông Biểu trong “Gió già”; Trinh trong “Tiếng chuông đền Diềm”). Truyền thống, cái đẹp tâm linh luôn thất bại trước sự xâm thực của văn hóa lai căng, kim tiền.

Truyện ngắn Vũ Thanh Lịch, do thế luôn gợi ra một thực tại chua xót, trớ trêu. Lễ hội đẹp trong tâm tưởng bao nhiêu lại nhếch nhác trong thực tại bấy nhiêu. Dường như con người càng giàu có về vật chất, càng nhạt phai văn hóa. Nhà thánh bị xâm hại, thánh thần bất lực, thậm chí không có đất dung thân (“Cổng chùa”, “Phố Cối”, “Tiếng chuông đền Diềm”). Trong “Nhà thánh”, kết truyện, “hai cổ tay đồng Dựm bị buộc vào nhau, toàn thân bất động”, “các vị thần bản thổ và đoàn tùy tùng của Thánh Mẫu cũng lầm lụi lên đường”.

Có thể nhận ra, sức nặng trong truyện ngắn về văn hóa tâm linh của Vũ Thanh Lịch nằm ở chỗ, đằng sau mỗi câu chuyện về thân phận, là một dụ ngôn thời thế, đồng thời cũng là một ẩn dụ chua cay. Nếu “Bãi Thè Lẽ” với chuyện Dứm thọt, chuyện sư tử thờ lố lăng, một sự giải thiêng huyền thoại (lão Dứm, cu Tĩm vẫn sống nhăn răng khi phá sư tử đá) thì trong “Cổng chùa”, người quê trở nên xa lạ trong không gian vốn dĩ thân thuộc của mình (đình, chùa, miếu phủ, nếp nhà…). Thấm cô đơn, lủi thủi chuyện mất đất, bất lực trước chuyện thiên hạ kinh doanh tâm linh, thậm chí làm tình cả nơi cửa Phật. Chùa to mà lạnh. Phật đi vắng khi con người thiếu nhân tâm. Truyện phảng phất buồn đau, tiếc nuối.

Trong “Nhà thánh”, mẹ con bà Khín trở thành “chủ thể vô văn hóa” với bao chuyện thớ lợ, buôn thần bán thánh. Sắng, đứa trẻ bị bỏ rơi, được đồng Dựm nuôi nấng, suốt đời đau đáu câm lặng ghì giữ rặng từ bi, như ghì giữ lòng từ bi của con người, cuối cùng bất lực. Rặng từ bi bị tàn phá, thay bằng bức tường gạch vô cảm, vô hồn.

Nếu trong “Nhà thánh”, cổng sắt, tường cao, tiền âm, lễ vật lố lăng ngăn trở sự thông linh giữa phàm trần và tâm linh, cái văn hóa bị thay thế bằng cái vô văn hóa thì trong “Tiếng chuông làng Diềm”, tiếng chuông vốn dĩ để cứu rỗi nhưng cuối cùng chẳng cứu được ai, trở thành tiếng chuông vô vọng.

Bìa cuốn “Nhà Thánh” của Vũ Thanh Lịch.

Một trong những điểm nhấn giàu tiềm năng của Vũ Thanh Lịch là mảng truyện có đề tài lịch sử. “Mây vờn trên đỉnh Mã Yên” có thể xem là một áng văn xuôi tinh tế, pha chút xót xa về câu chuyện tình cảm nhiều khuất khúc của bộ ba nhân vật lừng danh: Dương Vân Nga - Đinh Bộ Lĩnh - Lê Hoàn. Ở đây, nhà văn chủ ý làm mờ vai lịch sử - xã hội mà tập trung khai thác nhân vật từ góc độ con người cá thể.

Vân Nga là con người cảm xúc, Đinh Bộ Lĩnh là một người chồng còn Lê Hoàn được xem như một tình nhân. Nhân vật lịch sử của Vũ Thanh Lịch không có nhiều mưu mô tàn độc, nhà văn cũng không đẩy họ vào trạng thái vô nhân. Bù lại, tác giả chăm chú chạm khắc cảm xúc, không gian hóa tâm lý nhân vật. Việc Vân Nga đến với Lê Hoàn bởi thế tự nhiên, không thô tục, không mang tính nhục dục hay bội tình. Họ Đinh làm vua mà không làm chủ tình huống; làm chồng mà không giữ được cảm xúc, cũng không đủ tàn nhẫn để chiếm đoạt nên tình thế bi đát, éo le là tất yếu. Vân Nga hiểu việc nước, nhưng cũng là một người đàn bà đa cảm, đầy khao khát. Câu chuyện bỏ lửng gợi chút tiếc nuối, chông chênh. Lịch sử ở đây không phải chuỗi sự kiện, cũng không phải chuyện binh đao mà chỉ như một lát cắt ngang qua số phận nhân vật.

Nếu “Mây vờn trên đỉnh Mã Yên” như một bài thơ phảng phất buồn, một hồi cố lịch sử bằng tâm trạng thì “Má đào” lại khắc họa thân phận mong manh của con người trong những nổi chìm khuất khúc của lịch sử. Phất Kim, thân là công chúa song cũng tự ý thức được mình chỉ là “thanh kiếm của cha”. Thấu lòng vua cha, tự nguyện hy sinh vì đất nước, cuối cùng nàng chấp nhận “gieo mình xuống giếng sâu, vùi lấp mọi tang chứng của những mưu đồ vương bá, của những dã tâm, của đau thương, thù hận”.

Cùng với mảng truyện về văn hóa, lịch sử, Vũ Thanh Lịch còn nặng lòng với chuyện nhà quê, người quê. Nhà quê êm đềm trong ký ức giờ được thế chỗ bởi sự xô bồ, vỡ vụn. Người dân lép vế, cô độc dưới sức ép của đô thị hóa. Kẻ có tiền phá hoại tự nhiên không thương tiếc, tàn phá lòng người không nương tay. Đó là những lo lắng vu vơ, mơ hồ, luyến nhớ bởi những mất mát của làng quê buổi giao thời, những vân vi giữa đi và ở, làng và phố, truyền thống và hiện đại, việc hóa giải những lời nguyền, bước qua ranh giới hay những rạn vỡ thầm thì của làng quê thời mở cửa trong “Phố Cối”. Đó là câu chuyện không đầu không cuối của bà Tịnh, ông Thịnh, của Lym trong “Dằng dặc trời trăng”. Đằng sau cái sự ông chẳng bà chuộc, tai ngược, óc áy đến khó chịu của bà Tịnh lại là tình yêu thương con cái vô bờ theo một cách riêng. Cứ thế, người quê lục bục sống đời mình.

Truyện ngắn Vũ Thanh Lịch khắc họa rất hay thế giới người già. “Gió già” là câu chuyện tinh tế, đầy cảm xúc về những rung động li ti, trong trẻo, rất con người của một cụ ông tuổi chín mươi. Cùng với những chiêm nghiệm sâu sắc về văn hóa, nhân sinh, người đàn ông đã có cháu dâu vẫn có rung động tình yêu khác giới. Nếu “Gió già” diễn tả vi tế những khát khao cộng cảm của người già thì “Nhớ cái đình Đông” lại là sự nặng lòng của ông cụ Khoan về gốc gác quê hương xưa cũ, xa mờ. Càng tuổi già, khi gần đất xa trời càng vọng động trong ông tiếng gọi sâu thẳm tìm về nguồn cội…

Có thể nhận ra, trên hành trình sáng tạo, việc “truyện hóa” của Vũ Thanh Lịch ngày càng trở nên gai góc, vọng động, dư ba. Ẩn sau mỗi câu chuyện thân phận, hình tượng truyện ngắn Vũ Thanh Lịch luôn nhức nhối các vấn đề xã hội, nhân sinh, đậm chất dụ ngôn và ý vị sâu xa.

Vũ Thanh Lịch thuộc típ nhà văn không ưa phiêu lưu bằng những thi pháp nghệ thuật tân kỳ. Diễn ngôn truyện kể của chị là sự “truyện hóa” hài hòa tự nhiên giữa cái được kể và cái kể. Vũ Thanh Lịch dường như ưu tiên hơn cách kể từ nội tâm nhân vật nữ. Dầu là một bà cô, một người phụ nữ gửi thân nơi cửa thánh, một hoàng hậu, một nàng công chúa hay một người đàn bà bình thường thì tất thảy đều là sự ngoại hiện hóa của một cái tôi tinh tế, đầy nội cảm, khao khát yêu đương và dâng hiến. Vũ Thanh Lịch có thế mạnh diễn giải tâm tư. Không phải ngẫu nhiên, nhà văn thường để nhân vật của mình vút cao khỏi hiện thực bằng những giấc mơ và tưởng tượng (“Thần cây thị”, “Má đào”, “Dằng dặc trời trăng”, “Mây vờn trên đỉnh Mã Yên”). Dòng tâm tư nhân vật là một cách thể hữu hiệu để khơi sâu thế giới nội tâm sâu kín, nhiều khuất khúc, xới lật những tầng vỉa khác nhau của lịch sử, văn hóa, của lòng người.

Vũ Thanh Lịch giỏi thiết tạo các câu chuyện bằng đối thoại trong tâm tưởng, dẫn dắt nội tâm, lồng ghép thế giới thực và tâm linh, hồi tưởng, đồng hiện quá khứ và hiện tại (“Thần cây thị”, “Giăng chiều gọi bạn”, “Má đào”). Nếu “Cây đa đình Đông” khéo léo sử dụng các “truyện xen” để chạm khắc tâm tư nhân vật thì “Thần cây thị” lại là một tâm sự đàn bà yêu đương trong khắc khoải, kiêu kỳ, hờn dỗi. Một tiếng cười “mang theo nước mắt”, một tình yêu thanh khiết, u uẩn, sương khói mơ hồ. Ngoài ngôn ngữ đặc trưng mang phong vị đình - chùa - miếu - phủ, Vũ Thanh Lịch còn khéo chắt lọc và tái tạo sinh động ngôn ngữ nhà quê, người quê. Gắn với đối tượng thẩm mỹ và cảm hứng đặc thù, giọng điệu truyện ngắn Vũ Thanh Lịch thường có sự xen cài tự nhiên giữa cái xót xa mơ hồ pha chút bỡn cợt sắc sảo, mang một phong vị riêng có của một nhà văn đã sâu rễ bền gốc với ngôn từ…

Có thể nói, con đường văn học phía trước của Vũ Thanh Lịch còn rất dài, và không ai có thể tiên lượng trước mọi điều ở chị. Tuy nhiên, căn cứ thực tiễn sáng tạo qua một chặng đường dài, có thể khẳng định, Vũ Thanh Lịch đã tạo dựng được vị thế vững chắc của mình trong bản đồ truyện ngắn Việt Nam đương đại.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/truyen-ngan-vu-thanh-lich-doi-net-phac-thao-i665229/