Truyện ngắn: Niềm vui của ông Mạnh

Tác giả: Việt Hà

Tháng Tư, tiết trời Tây Nguyên gắt gỏng, nắng cháy da người. Trên nương rẫy, cây trồng không có nước tưới héo khô. Giếng nước khoan chưa vào đỉnh hạn đã khô khốc. Ấy vậy nhưng hôm nay, bỏ qua những nhọc nhằn, vất vả, cả thôn 2 rộn rã tiếng cười, ai cũng xúng xính quần áo đẹp hướng về hội trường thôn. Ông Mạnh hồ hởi ra cổng đi qua, đi lại ngắm hội trường vừa mới xây xong đang còn mùi vôi vữa. Rồi ông lại tất tả đi quanh kiểm tra bàn tiệc chuẩn bị cho lễ khánh thành. Ông có lẽ là người vui nhất vì niềm trăn trở hơn 20 năm nay của ông giờ đã thành hiện thực.

 Minh họa: Ngọc Tâm

Minh họa: Ngọc Tâm

Cái thôn của ông có hơn 300 hộ, chủ yếu là người tứ xứ góp về đây. Các hộ dân chủ yếu vào theo diện làm kinh tế mới theo chủ trương từ những ngày sau giải phóng. Ngày ấy, rừng còn rậm rạp, bà con chủ yếu khai hoang trồng cây ngắn ngày, sau này trồng thêm cà phê, tiêu, cao su… canh tác nông nghiệp là chủ yếu. Khổ nỗi, thổ nhưỡng khí hậu vùng này lại khắc nghiệt hơn những vùng khác ở Tây Nguyên, nhất là mùa khô. Thôn của ông lại nằm ở khu vực cao nhất xã nên nước tưới cho cây trồng lại càng khan hiếm hơn. Ngay cả đến nước sinh hoạt, bà con mỗi nhà khoan vài ba cái giếng nhưng rồi cũng chẳng ăn thua. Bà con làm nông phụ thuộc nhiều vào giá cả nông sản nên cố gắng chắt bóp cũng chỉ đủ ăn. Nhiều gia đình, người trẻ thì bỏ đi làm công nhân dưới thành phố lớn, nhà còn lại mỗi người già và trẻ con. Biết bà con vất vả nên ông không dám vận động góp tiền xây dựng hội trường. 20 năm nay, mỗi lần có việc gì thì có khi mượn nhà ông, có khi ông phải mượn nhà nào rộng rãi một chút để họp hành.

Năm vừa rồi, nhờ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn ông được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng hội trường, lòng ông như mở hội. Công trình xây dựng do Nhà nước và Nhân dân cùng làm, thôn góp vốn thêm ít nữa là xong. Ông xông xáo chạy hết xóm trên, xóm dưới thông báo cho bà con trong thôn. Các đoàn thể trong thôn nghe nói cũng vui rồi bàn bạc số tiền cần đóng góp mỗi hộ bao nhiêu để vận động. Những nhà khá giả thì dễ rồi nhưng còn mấy hộ gia đình neo đơn, hộ nghèo thì cũng khó nghĩ. Ban vận động thôn họp dân thông báo chủ trương như vậy, bà con dù còn khó khăn nhưng nhất quyết đóng góp, ngặt nỗi hiện tại lại chưa có tiền, phải đi vay. Thấy người dân đồng lòng chung sức như vậy, nếu ông bảo ko nhận sợ bà con tự ái nhưng mà thấy bà con phải đi vay để góp thì ông không đành. Ông bàn với các đoàn thể trong thôn không lấy tiền của những gia đình neo đơn luôn bây giờ, mà đứng ra bảo lãnh với nhà thầu cho bà con trả dần dần. Đến mùa thu hoạch tiêu, cà phê hay điều góp được bao nhiêu trả một ít, một ít cho nhà thầu. Ông Mạnh xưa nay vốn uy tín nên nhà thầu đồng ý ngay. Mọi chuyện thế là thuận buồm xuôi gió.

Hội trường xây xong, ông Mạnh nghĩ phải có bữa tiệc mừng cho xôm cả thôn. Nhưng bà con đã đóng góp xây dựng hội trường rồi mà giờ vận động nữa cũng không hay. Ông bàn với các trưởng đoàn thể của thôn vận động một số doanh nghiệp, các hộ kinh doanh buôn bán ở thôn 2 hỗ trợ. Các doanh nghiệp thấy ông trình bày cũng vui vẻ đồng ý ngay. Bao nhiêu năm mới có được công trình to đẹp phục vụ hoạt động của thôn ai cũng mừng.

- Bác Mạnh, bác làm gì mà ngây người ra thế, con gọi mấy tiếng rồi mà bác không trả lời.

Tiếng của thằng Nam làm ông giật mình, quay lại nhìn, cười nói:

- Bác đang mải nghĩ quá, xin lỗi cháu, mà có việc gì không?

- Dạ, cháu hỏi bác xem sắp xếp chỗ ngồi, để bục phát biểu và để loa như vậy đã được chưa ạ?

Ông Mạnh nhìn quanh một lượt rồi vui vẻ nói:

- Được lắm, giao cho cậu làm những việc như vậy khi nào tôi cũng yên tâm.

Nam là cháu bà cụ Hạnh ở mãi tận cuối thôn. Gia đình khó khăn, bố mẹ bỏ nhau, Nam ở với bà cụ từ nhỏ. Nhà có hai bà cháu. Bà cũng bận chợ búa kiếm đồng ra đồng vào lo cho cháu ăn học nên không có thời gian dành cho Nam. Biết bà vất vả nên Nam cũng ra sức học hành, năm nào cũng được học sinh giỏi. Năm Nam lớp 11, Nam nghe mấy đứa bạn ở thị trấn rủ rê chơi game, rồi đâm nghiện, bỏ bê học hành. Ông Mạnh phải thay bà cụ đi tìm khắp các quán game mới thấy. Rồi ông phân tích nặng, nhẹ cho Nam hiểu. Ban đầu, Nam còn cự cãi ông Mạnh. Có lúc đang chơi bị ông kéo về, Nam còn định lấy gậy đập ông và trợn mắt nói ông là người dưng không được xía vào chuyện của nó. Nhưng ông Mạnh vẫn kiên trì, nhẫn nại, mưa dầm thấm đất, dần dần Nam cũng hiểu ra rồi từ bỏ. Cuối năm lớp 12, Nam đậu tốt nghiệp rồi xin gia nhập quân ngũ. Ra quân, Nam trở về thôn ở nhà với bà cải tạo vườn tiêu, trồng thêm xoài. Cây xoài hợp với thổ nhưỡng nên hai bà cháu cũng có thu nhập khá hơn. Ông Mạnh thấy Nam có chí làm ăn, tố chất thông minh lại rất nhiệt tình nên đã đề nghị cho Nam làm Bí thư Chi đoàn thôn. Với sự giúp sức của Nam, phong trào thanh niên ở thôn 2 cũng mạnh dần lên. Thôn có việc gì cần đến đoàn thanh niên thì việc gì cũng đâu vào đấy.

- Thằng Nam được vậy là nhờ cả vào ông Mạnh đấy, nên giờ ông bảo gì lo mà làm cho tốt nghe chưa cháu.
Tiếng bà cụ Hạnh vang lên phía sau.

- Dạ, con biết rồi bà. Không có bác Mạnh, không có con ngày hôm nay. Con sẽ học gương bác Mạnh, đồng lòng với bác giúp thôn ta ngày càng phát triển.

Ông Mạnh quay lại nhìn bà cụ Hạnh:

- Ấy ấy, cụ không phải nói thế. Trách nhiệm của trưởng thôn là phải quan tâm tới từng gia đình, từng người, nhất là thế hệ trẻ. Đứa trẻ nào trong thôn mà hư hỏng là trách nhiệm của trưởng thôn. Cháu cũng vì cái chung cả thôi ạ. Con cháu thôn ta lớn lên có ích cho xã hội thì mình cũng mới vui được. Lớp trẻ mà trưởng thành, phát triển hơn mình đó mới là điều tự hào nhất phải không cụ?

- Phải, phải. Cậu thật tốt, không nhớ chuyện cũ mà còn giúp bà cháu tôi.

- Chuyện ngày xưa, bà cụ nhớ làm gì. Làm công việc “vác tù và hàng tổng” nhiều lúc cũng phải có hiểu lầm chứ cụ.

- Biết là vậy nhưng nghĩ ngày xưa tôi cũng quá đáng, chưa hiểu ngọn ngành thế nào đã cư xử không phải rồi.

- Cũng tại cháu không tuyên truyền tốt từ trước nên chúng ta hiểu lầm nhau thôi ạ.

Chuyện xảy ra cách đây cũng lâu lắm rồi. Ngày ấy, bà con ở thôn toàn người miền Bắc, miền Trung vào lập nghiệp. Người dân vào thấy đất rừng là khai phá làm màu không nắm rõ quy hoạch của Nhà nước. Những năm đó, khu vực Tây Nguyên có dự án phát triển cây cao su tiểu điền. Trên thông báo xuống sẽ khảo sát đất đai, lập danh sách các hộ nằm trong vùng dự án để trồng cao su. Ông Mạnh khi đó mới làm trưởng thôn. Xã thành lập đoàn mấy người rồi cùng ông đi thực địa tận nơi, tới tận nương rẫy của từng người chỉ ranh giới rồi báo cáo tình hình đất đai, nước tưới… Bà con khi đó nghe nói đất đai của mình lâu nay khai phá được, giờ Nhà nước thu hồi làm dự án nên rất tức giận. Ông Mạnh làm trưởng thôn mà không bảo vệ bà con lại còn đưa đoàn đi hết chỗ nọ chỗ kia khảo sát lấy đất của dân. Bà cụ Hạnh khi đó là người lớn tiếng nhất, cầm loa đi dọc thôn hét lớn “đả đảo Lê Quang Mạnh, đả đảo Lê Quang Mạnh”. Bà còn xúi giục một vài hộ nữa trong thôn qua nhà ông Mạnh chửi bới mất mấy ngày. Ông Mạnh khi đó vẫn luôn nhẫn nại cùng với các cấp chính quyền của xã, huyện xuống từng nhà giải thích cho bà con hiểu về chủ trương của Nhà nước. Bà con sau này hiểu đã đồng thuận thực hiện dự án cùng với Nhà nước.

- Bác Mạnh ơi có đoàn của xã mang hoa chúc mừng thôn, cháu để chỗ nào ạ.

Tiếng thằng Nam cắt ngang dòng suy nghĩ của ông Mạnh và bà cụ Hạnh. Ông Mạnh quay sang chào bà cụ rồi tiến lại chỗ thằng Nam đang ôm lẵng hoa. Ông bảo thằng Nam đưa hoa lên trên bục rồi đon đả bắt tay anh Vân, Phó Chủ tịch xã, đại diện UBND xã xuống chúc mừng.

- Quý hóa quá, các chú bận rộn vậy mà cũng tới chia vui với thôn.

- Phải đi chứ bác Mạnh. Thôn mình là thôn đầu tiên của xã hoàn thành xong hội trường thôn sớm hơn so với dự kiến. Bác làm rất tốt đấy. Cả xã này thôn nào cũng được như thôn bác thì xã khỏe lắm đấy ạ.

- Có gì đâu chú, Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, thì người được lợi là bà con nông thôn chúng tôi. Có chút việc cỏn con vậy mà không đồng thuận thực hiện thì coi sao được.

- Dạ bác, thôn mình làm tốt như vậy, sau này có nguồn vốn về, cháu sẽ đề xuất thêm công trình nước sạch cho thôn ta. Bà con ở thôn cùng chung tay góp sức thêm thì chắc chắn tiêu chí nước sạch… của thôn ta sẽ hoàn thành sớm thôi bác.

- Đúng, đúng, thôn bác bây giờ cái gì cũng đủ tiêu chuẩn rồi, giờ còn mỗi nước sạch nữa là hoàn thành thôi.
Đến giờ, từng đoàn, từng đoàn người tiến vào hội trường. Ông Mạnh gương mặt hân hoan, lên bục dõng dạc phát biểu bắt đầu cho buổi khánh thành hội trường thôn. Ngoài kia, bầu trời cao vời vợi, không gian ươm màu nắng vàng như mật, từng đàn bướm sâu muồng bay dập dìu. Tháng Tư khi đàn bướm sâu muồng bay cũng là lúc hoa cà phê đã được thay thế bởi những quả non mới nhú, báo hiệu cho một khởi đầu mới tốt đẹp đang đến.

1,862

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/van-tho/truyen-ngan-niem-vui-cua-ong-manh-85824.html