Truyện ngắn: Muộn

Đã hơn 23h, Hưng bỗng nhận được cuộc điện thoại của mẹ. Thôi chết! Có chuyện rồi chăng? Chắc ở quê ai mất đây nên mẹ mới gọi khuya thế!

Ảnh minh họa cho bài viết

Gần 20 năm nay, đã thành lệ; cứ có đám tang trong dòng tộc, Hưng lại phải chủ trì. Hưng choàng dậy, tay cầm điện thoại; tay kia với cái sơ mi và sẵn sàng cho chuyến xe xuyên đêm để về lo công việc cho người đã khuất. Anh vội vàng: Con đây ạ! Mẹ ơi, ở nhà có ai mất đấy?

Vừa hỏi, vừa thấp thỏm: đừng nhá! Đừng có ai mất đấy, không thì khổ tôi! Giờ mà về, rét mướt lo xong đám đến nằm viện thôi! Đầu dây bên kia mẹ anh: - Không, có ai mất đâu, con! - Ơ, thế sao mẹ gọi con muộn vậy? Làm con đến đau tim thôi! – Thì khách vừa mới về, nên mẹ gọi luôn cho con! - Khách gì mà ngồi mọc rễ ở nhà mình thế ạ? - À, thím Tuyết con dâu cụ Tỵ vào. – Ơ, con đã bảo không quan hệ với nhà ấy lâu rồi cơ mà? Chuyện dài lắm, nhưng cụ Tỵ ốm nặng, có lẽ không qua khỏi; muốn gặp con xin lỗi. - Lỗi lầm gì với con mà xin lỗi. Con không về đâu! – Coi như mẹ nhờ con đi, con cứ về xem cụ ấy nói gì? Nghĩa tử là nghĩa tận con ạ!

Nghe lời mẹ, Hưng sắp xếp công việc để ngày hôm sau về sớm. Sắp đặt xong, Hưng trở lại giường nhưng không tài nào ngủ được. Chuyện về người bà cô họ qua lời kể của bà nội anh cứ văng vẳng đâu đây. Nó gợi nhắc cho anh một thời tủi cực của gia đình anh và cả bà cô ấy…

Bố mẹ Tỵ là chú thím thúc bá bên ông nội Hưng. Họ chết trong nạn đói năm Ất Dậu, lúc ấy Tỵ mới hơn 3 tuổi. Người ta bế Tỵ ra khỏi thân hình người mẹ đã lạnh cứng, khi cô bé còn đang say sưa nhay chiếc vú teo tóp. Cô bé được bà Chắt - bà nội Hưng đón về nuôi, cùng với con trai mình; với ý nghĩ cùng là con mồ côi, lại trứng gà trứng vịt như nhau, nuôi cho dễ; để bọn trẻ ganh nhau ăn mới chóng lớn, dù nhà chỉ có rau cháo…

Đến khi Tỵ 7 tuổi, chẳng hiểu bà cụ lý Tứ - một gia đình tạm gọi là khá giả trong dòng tộc rủ rê thế nào, Tỵ sang ở nhà ấy. Bà Chắt gọi thế nào cũng khăng khăng không chịu về, lại còn bảo: ở với chị ăn chẳng được no! Nghe thế, cụ lý Tứ lên giọng kẻ cả: Đấy chị thấy chưa, nhà mẹ góa con côi, cơm đã không có cho nó ăn; còn ra vẻ phúc với chả phận! Bà Chắt nuốt nước mắt vào dạ ra về. Bực với em lắm, nhưng nghĩ: thôi, nó còn trẻ con cũng giống như con mình không thèm chấp! Càng uất với bà thím họ, nhưng nhà người ta có bát ăn bát để; nói cũng chả lại!

Bẵng đi vài năm, một buổi chiều Tỵ xách bọc quần áo trở về. Người Tỵ còm nhom, đầu bù tóc rối. Hỏi, Tỵ thút thít khóc, nói lúc mới xuống nhà thím lý, thì còn được ăn no. Dần dần bắt ăn ít vì chưa biết làm gì. Con ở mà ăn như chủ sao được? Nhiều khi bị phạt nhịn đói, thậm chí bị đánh bởi quét cái nhà chưa sạch. Tỵ bảo: Chị ơi, nhờ chị dẫn em xuống chỗ anh Bằng (anh trai cô cũng đi ở đợ từ sau khi bố mẹ cô chết trong nạn đói), anh em em ở đợ cũng được. Nghe nói thế, bà Chắt chửi: Mày đi ở đợ 2 năm nay, mày có sướng không? Ở với chị với cháu có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, tao có bắt đe bắt nẹt mày đâu mà phải đi ở đợ? Tỵ bẽn lẽn: Giờ, em sợ chị chửi! Chửi gì? Thôi, ở nhà! Trẻ con, ai thèm chấp!

Từ đó, Tỵ ở lại cùng chị dâu và cháu. Hai cô cháu cũng sàn sàn tuổi nhau nên cũng khá thân thiết. Được cái, Tỵ cũng chăm, biết làm việc vặt như quét nhà, quét sân, nấu cơm. Ngày hòa bình lập lại, Bằng trở về làng; bà Chắt với tư cách là chị dâu thúc bá gọi 2 anh em Tỵ bảo: Giờ chú lớn rồi, bố mẹ chú mất cũng đã lâu; phải lo cải táng đi. Mà chú cũng nên lấy vợ. Chú vừa mắt cô nào thì chị lo cho! Anh em Bằng mừng quýnh. Cải táng cho bố mẹ xong, Bằng lấy vợ cùng làng. Tỵ ở cùng anh chị, được nửa tháng lại sang ở với chị và cháu.

Năm Tỵ 17 tuổi, cô gặp chàng trai cũng mồ côi cha mẹ, họ phải lòng nhau rồi nên duyên vợ chồng. Bà Chắt bảo: Em lấy chồng, chị cho con lợn nái làm vốn! Tỵ sung sướng lắm. Con lợn nái chị Chắt nuôi đẻ được 3 lứa, lứa nào cũng sai; chị cho mình làm vốn vợ chồng chả mấy chốc ăn nên làm ra! Tỵ khoe với anh trai và chị dâu. Nghe em gái kể, Bằng hốt hoảng bàn với vợ: Chị Chắt còn cho cái Tỵ con lợn nái, vợ chồng mình lấy gì mà cho nó? Chị vợ bảo: Tôi vừa mới đẻ, làm gì có mà cho nó? Ăn còn chưa xong đây! - Ơ hay, thế thì trơ mắt ra mà nhìn à? Thì bố mày bàn với bác Hòa (ông Hòa là em chồng bà Chắt) xem sao? - Ừ nhỉ, để tôi hỏi ý kiến bác Hòa! Được em con chú hỏi ý kiến, lại biết chị dâu mình hứa cho em nhiều thế; Hòa cũng thấy ghen tị. Hòa nghĩ: Vợ chồng mình chả có, vợ chồng nhà Bằng thì đít rách như cái buồm. Cưới em mà không có gì cho nó thì cũng xấu hổ. Vậy thì phải tìm cách để mình cũng có phần trong con lợn nái kia. Hòa thực hành luôn, anh ta xui Bằng: cứ im lặng, khi nào cưới em thì nói nhỏ vợ chồng chúng mình cho em con lợn nái. Bằng trợn mắt lên: Thế sao được? Có mà bác Chắt chửi cho vỡ mặt! - Chả lo, lúc ấy ai đi đôi co? Mình vừa được tiếng, vừa chả mất gì! Tỵ nghe lén được lời bàn của 2 ông anh quý hóa, cô mách luôn cho chị Chắt.

Nghe thế, bà Chắt chỉ cười. Được thôi, muốn sống theo kiểu Lý Thông thì bà cho biết mặt. Bà lặng lẽ gọi người bán con lợn nái định cho em, thêm mấy đồng nữa; sắm cho em chỉ vàng. Bà Chắt lo đám cưới chu đáo như một người mẹ lo cho con.

Được nửa năm, chồng Tỵ đi bộ đội; cô ở cùng nhà với gia đình chú họ chồng. Sống với gia đình người chú họ đã từng nuôi nấng chồng từ năm 8 tuổi, lúc bố mẹ anh ta chết vì nạn đói; Tỵ siêng năng, làm đủ mọi việc phục vụ gia đình ấy. Mặc dù sở hữu thân hình khá nhỏ bé nhưng cô vẫn cố gắng hết mức. Ấy vậy mà ông chú bà thím vẫn xét nét, thậm chí có lúc còn sỉ vả cô, coi Tỵ như một đứa con ở. Không chịu nổi sự đành hanh của họ, cô quyết định trốn nhà ra đi. Nhưng đi đâu? Về quê ư? Họ sẽ vào bắt cô trở lại. Cô cứ đi như người mộng du trong đêm. Đến khi mệt rũ, đôi chân không lê nổi; Tỵ mới phát hiện trời gần sáng và trước mắt cô là ngôi chùa nhỏ nép dưới hàng cây. Đói, khát cô gục ngay lối cổng chùa. Và, Tỵ đã trở thành ni cô ngay từ hôm đó!...

Sáng ra, gia đình ông chú hốt hoảng vì không thấy đứa cháu dâu “con ở không công”. Họ chia nhau đi tìm. Rồi họ vào nhà ngoại. Cả hai họ cuống quýt chỉ sợ Tỵ nghĩ quẩn. Thuê cả người lên bến đò, nơi nhiều người thường quyên sinh… Nhưng tất cả chỉ là vô vọng, người thì vẫn xa vợi nơi đâu! Hết cách, bà Chắt nhờ người đi xem bói, nghe thầy phán Tỵ còn sống; bà kiếm chút lễ vật kêu với cụ Thủy Tổ trong họ gọi Tỵ về. May mắn làm sao, mấy tháng sau Tỵ xuất hiện.

Tỵ khăng khăng xin ở lại nhà bà Chắt, chờ khi nào chồng cô trở về sẽ quyết định. Tỵ nói với chị dâu: Ở với chị và cháu cả đời còn sướng gấp nghìn lần khi phải ở nhà bên chồng 1 ngày! Bà Chắt cười: thế cô muốn ở vậy suốt đời ư? Khi nào chú ấy về thì vợ chồng lo xin đất, đắp lấy ngôi nhà cũng tốt!

Chồng Tỵ trở về sau gần 5 năm đi bộ đội. Hai vợ chồng cô nghe theo lời chị dâu, cũng xin mảnh đất, làm được ngôi nhà nho nhỏ tường đắp đất, lợp rạ. Cuộc sống của họ cũng êm ả trôi qua. Rồi chồng cô được cử làm xã đội trưởng, tham gia công tác xã hội, làm nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương; 4 đứa con của họ lần lượt ra đời…

Cách đây hơn 30 năm, ngày tất niên bàTỵ xách cân thịt lợn, cặp bánh chưng vào tết chị. Ngập ngừng mãi, bà nói với chị dâu - người mẹ thứ 2 của mình: - Năm nay em vào Tết chị, những tết sau thì chẳng biết thế nào. Em còn sống thì em tết chị, chị nhé. Nghe thấy thế, Hưng gay gắt: Bà muốn tết thì tết, không thích thì thôi, sao phải rào đón làm gì? Thôi, năm nay cũng chả phải tết đâu! Bà cầm về đi. Từ sau không phải vào nữa nhé! Bà Tỵ thủng thẳng anh chê ít à? Hay anh muốn kể công bà nội anh nuôi tôi? Ừ, có nuôi đấy; nhưng toàn rau cháo; mà tôi cũng phải làm không công cho bà anh đấy thôi! Bà Chắt cười gượng rồi lườm Hưng: anh không phải xen vào!

Lúc còn lại hai bà cháu, bà nội Hưng bảo: bà nuôi người ta thật, cũng coi như con đấy; nhưng cần gì kể công, cũng chẳng phải nhắc người ta biết ơn đâu con ạ! Khi làm ơn mà kể lể thì làm ơn không còn giá trị nữa. Với lại, giờ nhà người ta giàu; đến với mình là quý rồi, không đến cũng chả sao; cháu không phải bực bõ nữa! Sống thế nào thì phải chịu hậu quả mà. Nghe bà đi! Bà nói thế, Hưng đành im lặng; nhưng anh quyết định: sau này, khi anh gánh vác công việc gia đình sẽ khác!

Sau mấy năm, bà nội Hưng mất. Tết đến, bà Tỵ chỉ nhờ con dâu đưa cặp bánh vào cúng bác. Hưng không nhận, nói không phải làm thế; vì bà nội tôi cũng qua đời rồi! Từ đó trở đi, Hưng không nhận bất cứ thứ gì mà con cháu bà Tỵ đưa cúng. Hàng gần chục năm nay, Hưng không nhìn thấy bà cô quý hóa ấy! Vậy mà…

Hưng trằn trọc mãi… Keng keng keng…tiếng reo từ máy điện thoại khiến anh sực tỉnh. Ồ, đã 5h15 sáng rồi. Thế là cả đêm mất ngủ! Đành dậy thôi!

Ăn sáng xong, Hưng về quê. Tiết đầu đông trời se se lạnh, Hai bên dọc con đường dẫn về làng, người ta đã gặt hết, chỉ còn trơ gốc rạ. Đâu đó, những bông lúa mọc lên đang chín vàng ươm như gợi nhắc cho anh một thời thơ ấu đẫm nước mắt. Những cánh đồng này, Hưng đã mê mải với cái rá đựng từng chẽ thóc; từng chạy khi bị dân quân đuổi đến mức thở không ra hơi… Anh cho xe chạy chầm chậm mà lòng trào lên bao xúc cảm với bao kỷ niệm buồn vui…

Đến đoạn rẽ sang nhà bà cô rồi.. Đoạn đường này đã bao lần mẹ và Hưng từng qua, để gặt giúp, để trồng khoai cho bà cô ấy. Và, cũng bao lần mang nỗi tủi nhục khi họ tư chối cho vay vài ba chục cân thóc; dù nhà họ có điều kiện… Chính từ đó, nỗi uất ức đã khiến Hưng phản ứng mãnh liệt đến vậy!

Không hiểu thị sẽ nói gì với mình đây? Hưng tự nhủ. Dựng xe trong chiếc sân nhỏ hẹp, anh thổn thức: Ô, nhà cán bộ chủ chốt một thời đây! Ngày xưa rộng mênh mông, giờ đứa con dâu đồng bóng ngồi hầu đồng; nợ vài ba tỷ, chủ nợ người cắt mất 2/3 rồi mà có thấm vào đâu? Hưng đang lặng nhìn mảnh vườn lưa thưa mấy cây cỏ dại chợt nghe tiếng chào: - Cháu chào bác, bác mới ra ạ? A, cháu nội của bà Tỵ! Nó chỉ biết anh là người nhà bà ngoại nó, nhưng không biết ngôi thứ; chỉ thấy anh già hơn bố nó nên gọi thế. Hưng cũng ừ cho qua. Cần gì phải phân ngôi thứ cho mệt. Nó đáng tuổi con mình! Bà cháuđâu? – anh hỏi. - Dạ, bà cháu nằm trong nhà. Mấy hôm nay tỉnh lắm, chỉ muốn gặp bác thôi.

Hưng vào nhà. Bà Tỵ đang nằm trên chiếc giường ọp ẹp, cái chăn bông Tàu đắp trên người, như muốn đè bẹp cái thân hình còm cõi. Nghe tiếng Hưng, bà thều thào: Hưng đấy à? Cô mong con mãi! – Ơ, sao bà lại xưng là cô nhỉ? Bà ngoẹođầu: Đúng ra, con nên gọi thế! Cô như con của bà nội con. Bà con không đẻ ra cô nhưng có công nuôi từ tấm bé. Cô hối hận lắm! – Bà có gì mà phải hối hận? Con cháuđầy nhà, công ăn việc làm đủ cả!

Nghe Hưng nói thế, bà Tỵ khóc. Rồi xen trong tiếng nấc nghẹn, bàbảo: Tại cô hết, cô ngu; chú mày thì hiền màđần. Cô sai rồi, con cho cô xưng hô thếđi. Đừng trách cô nữa, cô xin lỗi con! Bà nội con nuôi cô khôn lớn mà cô thì vôơn. – Bà có lỗi gì với cháuđâu mà phải xin lỗi? – Cô nợ bà cháu, bố cháu một lời xin lỗi; giờ họ mất cả rồi, cô chỉ biết mong con tha thứ để cô cònđược yên tâm nhắm mắt! Cô mệt lắm rồi, cứ mong được gặp con! Cô xin lỗi con, Hưng ơi!

Nhìn khuôn mặt nhăn nheo như trái táo tàu, Hưng thảng thốt: Ôi, lá sắp rụng về cội. Cái tai cũng hơi vẹo dần về phía gáy. Anh tự nhủ: thôi, đà này chỉ ngày một ngày hai là theo chân các cụ; giận hờn làm gì nữa. Dù sao cũng giọt máu của nhà mình. Bỏ qua vậy!… Nghĩ lại đời bà ấy cũng bất hạnh lắm rồi!

Hưng cầm bàn tay gầy guộc và cúi xuống bên khuôn mặt nhăn nheo của bà Tỵ. Anh nhỏ nhẹ: Chuyện cũ qua rồi! Cô yên tâm đi. Cháu thay mặt cho bà và bố cháu nhận lời xin lỗi! Đừng nghĩ ngợi gì nữa, cô nhé! Nghe được lời của Hưng, đôi mắt vẩn đục của bà Tỵ bỗng ánh lên rạng rỡ: Cô biết mà… Con cũng nhân hậu như bà và bố con! Cô yên tâm lắm rồi…

Dọc đường trở về nhà, Hưng cứ bâng khuâng, tiếc cho một lời xin lỗi

Nguyễn Hoàng Nguyên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/truyen-ngan-muon-a23032.html