Truyện ngắn: Đôi chân

Thằng Quân đang ngồi trên bãi cát. Nó đưa tay bốc những nắm cát nhỏ, xây một ngôi nhà. Ngoài kia, lũ nhóc đang nô đùa râm ran.

Minh họa/INT.

Thằng Quân đang ngồi trên bãi cát. Nó đưa tay bốc những nắm cát nhỏ, xây một ngôi nhà. Ngoài kia, lũ nhóc đang nô đùa râm ran. Nó nhìn xuống đôi chân của mình, một chút chạnh lòng chảy trên khóe mắt.

Nó cũng muốn chạy ào xuống đó, nhảy ùm xuống vùng nước xanh ngắt, vùng vẫy nô đùa. Muốn được cùng lũ bạn bơi lội cho thỏa thích. Nhưng không thể. Nó đang hình dung ra bãi biển nhỏ xinh trên cát, vẽ thêm hình thù của đám bạn trên đó. Ở giữa là ngôi nhà nó vừa bốc cát tạo nên. Thằng bé thế mà có năng khiếu, những hình ảnh sống động hiện lên quanh chỗ nó ngồi. Khách đi du lịch qua ồ lên một cách thích thú.

Nhưng, niềm vui không được bao lâu. Một con sóng lớn đánh vào bờ. Cuốn một lần những cảnh đẹp thằng bé vừa vẽ nên. Nó ôm mặt khóc rưng rức, lê đôi chân tật nguyền xuống bãi cát gào trong tuyệt vọng.

Một bàn tay chạm vào vai Quân, nhẹ nhàng:

- Sao vậy cậu bé, bác có thể chơi cùng cháu không?

Nước mắt lăn dài trên gò má. Cậu bé quay lại, nhìn người đàn ông cũng đang khập khiễng phía sau lưng mình. Là một người đàn ông ngoại quốc cao to, lực lưỡng nhưng một bên chân cũng không còn. Cậu bé nín lặng, nhìn từ đầu tới chân người đàn ông xa lạ. Hình như đôi chân của ông khiến cậu có chút đồng cảm. Cậu thì thầm:

- Cháu không quen chú, liệu chúng ta có thể chơi với nhau được trò gì?

- Đơn giản thôi, nếu cháu thích vẽ trên cát, bây giờ chúng ta có thể vẽ cùng nhau. Mỗi đợt sóng đi qua, chúng ta lại có cơ hội để sáng tạo thêm một bức tranh. Chú thấy cháu vẽ rất đẹp, trên kia chú có đồ vẽ, hay hai chú cháu mình cùng lên đó lấy giá vẽ xuống bãi cát.

Cậu bé có vẻ phấn khích hơn. Một chút dè dặt trôi qua, cậu gật đầu đồng ý. Vậy là hai cái bóng, một cao một thấp dắt tay nhau về phía bãi cát trên biển.

Ở một quán ven biển, mẹ Quân đang lúi húi chế biến đồ ăn. Trước lúc ra bãi, bà đã dặn mấy đứa nhóc để ý đến cậu, nhưng vì mải vui chơi nên chúng không quan tâm đến cậu nữa. Thấy không yên tâm, một chốc bà chạy ra bãi biển, ngó nghiêng dáo dác tìm con.

Nhưng cậu bé đã không còn ngồi ở chỗ cũ, bà hoảng hốt chạy đi tìm. Cảm giác sợ mất con ùa về. Bà nhớ bảy năm về trước, khi nhận nuôi thằng bé tại một ngôi chùa, khi đó nó vừa trải qua một trận ốm. Thầy chùa bảo, mẹ nó bỏ rơi trong vườn cao su.

Có người đi cạo mủ sớm nên nghe tiếng khóc chạy tới. Lúc tới nơi thì kiến đã cắn một bên chân của nó gần mòn. Đau quá, nó chỉ biết khóc thét giữa đêm khuya thanh vắng. May thay, người đàn ông cạo mủ cao su đưa về chùa kịp thời, thầy chạy chữa được bốn tháng thì nó cũng hồi phục dần, nhưng cái chân thì chịu, không thể cứu vãn được.

Ngày mẹ nó nhận nuôi, nó mới tròn sáu tháng tuổi, đôi mắt tròn ngơ ngác. Chị không chồng, trải qua thời kì thanh niên xung phong trong chiến tranh. Về hưu và chuyển tới nơi này sinh sống, cũng có vài ba đám dạm hỏi nhưng chị đều lắc đầu. Tuổi xuân đã trải qua nơi chiến trường, bây giờ mắt mờ, tóc rụng.

Những năm tháng trong rừng đã khiến mái tóc đen mượt của chị giờ chỉ còn lơ thơ mấy cọng. Dọc đường Trường Sơn bom đạn, thanh niên xung phong đào ụ, đào hầm, làm đường cho bộ đội. Khi trở về, nhận được một lần trợ cấp của Nhà nước, rồi từ đó tới nay hàng tháng cũng được một vài đồng lương ít ỏi trang trải qua ngày.

Chị không dám bước thêm bước nữa. Chị sợ mình sẽ thành gánh nặng cho ai đó lúc tuổi xế chiều. Những năm tháng quần mình cùng bạn bè, hết lượt chúng đều chia năm sẻ bảy, đứa về quê sinh sống, đứa hi sinh nơi chiến trường, đứa tìm nơi khác để trú ngụ.

Ngày nhận thằng nhóc về nuôi, chị lấn cấn nhiều thứ lắm, nhưng nhìn thấy nó, nước mắt cứ trào ra. Nỗi thương xót dâng lên. Chị xin thầy chùa cho mình rước nó về, chăm sóc. Bao giờ nó lớn, chị sẽ tìm cha mẹ ruột của nó. Hai mẹ con nương nhau từ đó, ngôi nhà nhỏ xinh giữa cánh đồng hôm nào cũng o oe tiếng trẻ.

Vụt cái thằng bé nay đã học lớp Hai, mẹ đưa đón tới trường hằng ngày. Vượt qua nỗi mặc cảm tự ti và sự động viên thường xuyên của mẹ, nó chăm chỉ học hành và đạt thành tích rất cao. Năm nay, trường cho đi du lịch ở biển, nên thằng bé cũng vui vẻ xin mẹ đi cùng các bạn.

Tiếng chị gào lên:

- Quân ơi, Quân à, con ở đâu rồi?

Một vài khách du lịch đi qua, chị níu áo hỏi rối rít. Một người chỉ tay lên phía trên bãi cát, bảo hồi nãy thấy nó đi lên đó cùng với một người đàn ông. Chị nghe vậy, chạy băng băng lên phía trên. Đập trước mắt chị là hình ảnh người đàn ông cao to, đang cúi xuống chỉ cho thằng bé những nét vẽ. Chị không kìm nổi bực tức, chạy đến bên to tiếng:

- Con có biết là mẹ tìm con nãy giờ không?

Thằng bé giật mình quay lại. Người đàn ông cũng quay lại. Họ sững sờ nhìn nhau. Người đàn ông ấp úng:

- Liên… có đúng là Liên không? Cô thanh niên xung phong ngày ấy…

Chị ngờ ngợ:

- Ông Thom, có phải cựu tù binh năm đó, tôi… đã từng bắt ông đi qua rừng Sác?

- Đúng… đúng… là tôi đây!

Thằng bé đứng ngẩn ngơ nhìn mẹ và người đàn ông kia trò chuyện. Nó không ngờ rằng chính mẹ mình và ông Tây cao lớn kia đã từng gặp nhau trong chiến tranh. Nó quay ra nhìn mẹ vẻ mặt hối lỗi:

- Con xin lỗi mẹ, nãy ở dưới kia con không bơi cùng các bạn được nên chú này rủ con lên đây vẽ tranh, nhưng con chưa xin phép mẹ mà tự ý đi, nên làm mẹ phải đi tìm.

Chị nhìn đứa con âu yếm:

- Không sao, mẹ biết chú Tây này.

* * *

Hai người ngồi với nhau bên bờ biển. Kể về ngày ông bị quân đội Việt Nam bắt. Sau đó đưa về căn cứ, rồi cấp trên chuyển ông đi. Ngày ông bị bắt, chính bà là người dẫn ông đi qua rừng về tới căn cứ.

Hồi đó, một ông Tây cao lớn và một cô thanh niên xung phong bé nhỏ đi kề kề bên nhau. Người ta bắt gặp được ánh mắt tự tin, cương quyết của nữ thanh niên xung phong và vẻ sợ sệt của một anh lính Tây. Lúc đó, nếu ngấp nghé chạy, chắc anh ta sẽ bị ăn ngay một phát đạn.

Ông Thom nhìn người phụ nữ năm nào, giọng hồ hởi:

- Rồi xong chiến tranh, em đi đâu? Tôi tình nguyện ở lại đất nước em, nhưng tìm thông tin của em thì không thấy.

Nghe ông Tây nói tiếng Việt sành sỏi, lại xưng tôi và em nhẹ nhàng, bà Liên ngượng chín mặt. Bà bảo:

- Xong chiến tranh tôi về quê, cũng sửa soạn chăm lo cho cha mẹ già rồi mới chuyển vào Nam sinh sống.

- Rồi chồng con của em đâu?

- À… tôi… không lấy chồng, chỉ nhận nuôi thằng bé đó, từ lúc nó mới sáu tháng tuổi. Mà sao ông bị thương, hồi tôi giải ông về căn cứ Việt Nam, ông vẫn lành lặn mà.

- Chiến tranh mà em, may mà hồi đó tôi sớm nhận ra cuộc chiến tranh phi nghĩa giữa đất nước tôi đối với Việt Nam, nên khi được trở lại đơn vị, gặp gỡ vài người bạn, tôi đã khuyên can họ nhưng họ không nghe.

Khi tôi rời đi thì chuyện không hay đã xảy ra, chính là một trong số đồng đội đã bắn vào chân tôi, khiến bây giờ tàn phế một bên như thế này. Họ bảo tôi là một kẻ hèn nhát, dù có như thế nào thì phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, phụng sự cho đất nước.

Nhưng em biết không, tôi đã quá căm phẫn khi thấy đồng đội của mình dùng lửa đốt cháy nhà dân, dùng chính sách tàn bạo để bắt bớ những người dân vô tội. Những con người nước Nam nhỏ bé nhưng kiên cường bất khuất.

Chính đôi chân này của tôi còn giữ được một bên cũng là do bộ đội, y tá Việt Nam cứu giúp. Nếu không, tôi đã chết khi bò trong rừng tìm thuốc rồi.

- Thì ra là vậy, chính vì thế mà ông đã quyết định ở lại Việt Nam và không trở về nước nữa.

- Đúng, tôi có vợ và hai cô con gái. Chúng đều ở Việt Nam. Lâu lâu, tôi có đưa cả gia đình qua Mỹ, nhưng chúng tôi lại quay trở về đây. Đối với tôi, Việt Nam là quê hương rồi.

* * *

Sau một lúc trò chuyện, người đàn ông tên Thom đưa bà Liên cùng cậu nhóc đến khách sạn của mình. Ông bảo đây là nơi ông kinh doanh khách sạn du lịch, gia đình ông đều phục vụ trong khách sạn này.

Ông kéo mẹ con bà Liên đến bên vợ mình, giới thiệu rành rọt về thời gian gặp gỡ nhau của ông và bà trong chiến tranh. Trông ông thật hào hứng. Người vợ của ông Thom nhìn bà Liên đầy ngạc nhiên, bà bảo:

- Người phụ nữ bé nhỏ này, từng đánh giặc và áp giải quân đội Mỹ sao?

Bà Liên ngập ngừng:

- Thời chiến mà em, ai cũng tinh thần xông pha chiến trận.

Như đã gặp nhau thân quen tự lúc nào. Ông Thom và gia đình kéo mẹ con bà Liên ở lại khách sạn gia đình để tham quan du lịch mấy hôm. Rồi ông ngỏ ý cho mẹ con bà Liên ở lại lâu lâu hơn. Nhưng bà không đồng ý. Bà bảo còn về nhà, tranh thủ ruộng vườn, cây cối. Bà bỏ bê đi mấy hôm đang nhờ người nhà chăm sóc gà vịt.

Chia tay nhau ở bến tàu, thằng bé rón rén tặng ông Thom một bức tranh. Nó vẽ bầu trời trong xanh, có đàn chim hải âu bay lượn, ở đó có bạn bè, những đứa trẻ đang nô đùa dưới rặng phi lao. Ông Thom ôm cậu nhóc vào lòng. Hẹn một ngày không xa hai chú cháu sẽ lại gặp nhau.

Hai con người bước đi trên đường dẫn ra bến tàu. Phía sau là bà Liên, vợ ông Thom và hai đứa trẻ. Tiếng còi hú dài, ngân vang một hành trình mới…

Truyện ngắn của Ngô Nữ Thùy Linh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-doi-chan-post668214.html