Truyện ngắn đang là thế mạnh của văn học Việt Nam

Trước hết cần khẳng định: Có một nền truyện ngắn Việt Nam với truyền thống lâu đời từ trong văn học trung đại (thế kỷ 10-19). Các giá trị cổ điển của thể loại này được tiếp biến trong thời hiện đại (nửa đầu thế kỷ 20) và nhân lên mạnh mẽ trong thời kỳ đương đại (từ sau năm 1975). Dòng chảy của thể loại truyện ngắn là liên tục trong tiến trình lịch sử, trở thành thế mạnh của văn học Việt Nam. Trong 10 năm gần đây, truyện ngắn biến đổi linh hoạt, phù hợp với thời cuộc, tiếp tục có nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Một khúc của dòng chảy liên tục

Truyện ngắn hiện nay vẫn ưu trội (nếu không nói là thống ngự văn đàn), vẫn ở vị trí “mặt tiền” của văn học nói chung, văn xuôi nói riêng. Nếu trong thơ, trường ca được tái sinh, được độc giả quan tâm hơn thì trong văn xuôi, truyện ngắn đang “lên ngôi”. Vì sao? Có thể giải thích thực tiễn sáng tác này từ những nguyên nhân sâu xa sau: Một là, đây là thời đại của tân văn (báo chí), của mạng xã hội nên lượng thông tin thẩm mỹ cần có biệt sắc, đặc thù (ngắn gọn, tinh thông, nhanh nhạy, hiệu quả). Truyện ngắn phù hợp với báo chí vì tính năng động, hợp thời, dễ dàng đến với mọi nhà và mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Hai là, tính chất thời đại này của truyện ngắn có nhiều khả năng đáp ứng nhu cầu thị hiếu công chúng nghệ thuật (cơ chế đọc nhìn từ văn hóa đọc), đồng thời phù hợp với quỹ thời gian nhàn rỗi tối thiểu của con người hiện đại vận hành sống gắn với hai chữ “tốc độ”, “thời gian”. Thế nên những cái “ngắn gọn”, “hiệu quả”, “tiện ích” đều được ưa dùng. Ba là, đây mới là nhân tố tiên quyết-sự xuất hiện và tinh thần làm chủ văn đàn của các nhà văn thường xuyên đăng đàn, xuất hiện trên internet, mạng xã hội (còn gọi là “thế hệ f+”, gồm các nhà văn sinh thế hệ 7X, 8X, 9X). Thế hệ này được gọi là “văn trẻ”. Sự phát triển bền vững của một nền văn học bất kỳ chính là sự tiếp nối biện chứng thế hệ. Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 10 (tổ chức tại TP Đà Nẵng, tháng 6-2022) với khẩu hiệu “Vì sao chúng ta viết?” đã toát lên tinh thần chủ đạo của văn trẻ. Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan tâm và quan ngại khi lực lượng văn trẻ còn thưa, mỏng nếu tính về số lượng (hiện nay, Hội Nhà văn Việt Nam có hơn 1.000 hội viên đang sống và sáng tác, trong đó văn trẻ-với quan niệm dưới 35 tuổi-chiếm một tỷ lệ rất thấp). Ngay trong “thế hệ f+” cũng diễn ra sự điều chỉnh tự nhiên-lớp 7X dần dần nhường chỗ cho 8X, 9X. Thực tế đó cũng thuận theo quy luật “tre già măng mọc”.

Tọa đàm ra mắt sách “Truyện ngắn đặc sắc năm 2023” do Nhà xuất bản Văn học và Công ty Cổ phần Sbooks xuất bản. Ảnh: CÔNG SƠN

Theo quan sát và quan niệm của chúng tôi, đặc trưng và biệt sắc của truyện ngắn 10 năm gần đây “mang gương mặt nữ”. Trước khi dành ưu tiên cho “văn nữ”, thiết nghĩ cũng cần kể đến đóng góp của các cây bút truyện ngắn thuộc “phái mày râu” “thế hệ f+”, đó là: Đỗ Tiến Thụy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Đình Tú, Hoàng Công Danh, Hoàng Hải Lâm, Đinh Phương, Lê Vũ Trường Giang, Văn Thành Lê, Phan Đức Lộc, Lê Quang Trạng, Phát Dương, Tống Phước Bảo…

Truyện ngắn “mang gương mặt nữ”Trước hết, chúng tôi muốn được giới thiệu đội hình hùng hậu các cây bút nữ như măng mọc mùa xuân trên văn đàn (theo chiều dài đất nước suốt từ Nam ra Bắc): Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau), Nguyễn Thị Diệp Mai (Kiên Giang), Huỳnh Mẫn Chi (Tiền Giang), Võ Diệu Thanh (An Giang), Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận), Lê Vi Thủy (Gia Lai), Nie Thanh Mai (Đắk Lắk), Nguyễn Thu Hà, Bùi Tiểu Quyên (TP Hồ Chí Minh), Trần Thu Hằng (Đồng Nai), Lưu Thị Mười (Bình Định), Trần Thanh Hà, Diệu Ái (Quảng Trị), Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên, Trác Diễm (Quảng Bình), Tống Phú Sa, Trần Thị Tú Ngọc, Trần Ngọc Diệp, Trần Hải Vân (Hà Tĩnh), Hồ Thị Ngọc Hoài, Nguyễn Hồng, Kha Thị Thường (Nghệ An), Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Thị Duyên (Ninh Bình), Nguyễn Thị Mai Phương, Bảo Thương (Bắc Giang), Nguyễn Thị Việt Nga, Trương Thị Thương Huyền (Hải Dương), Nguyễn Thị Hồng Chính, Vũ Thị Huyền Trang, Tống Ngọc Hân (Phú Thọ), Đỗ Bích Thúy, Chu Thị Minh Huệ (Hà Giang), Chu Thanh Hương (Lạng Sơn), Đặng Thị Thúy, Trần Ngọc Mỹ (Hải Phòng), Lê Hà Ngân (Nam Định), Lưu Nga (Thanh Hóa), Như Bình, Nguyễn Phương Liên, Phong Điệp, Di Li, Nguyệt Chu, Kiều Bích Hậu, Chu Thùy Anh (Hà Nội)…

Biệt sắc của truyện ngắn nữ như liều thuốc giảm đau tinh thần cho con người hiện đại, nhất là “phái yếu”. Phụ nữ có cái khả năng trời cho bẩm sinh biết cách thuần hóa những nỗi đau, đôi khi như một thứ “bùa ngải” có thể phù phép, phòng hộ số phận như cách viết “Bùa yêu” của Như Bình. Cấu tứ này được Dạ Ngân-cây bút nữ lớp trước viết tinh tế trong thiên truyện “Nhà không có đàn ông”. Trở về với “gia đình bé mọn” như là văn mạch quan trọng của văn nữ. Thực sự thì gia đình không bé mọn, vì nó là một tế bào xã hội, một tổ ấm, chốn nương thân của mỗi con người. Trong quan sát của chúng tôi, các nhà văn Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Hương Duyên nghiêng viết về chủ đề gia đình với bao nhiêu chuyện nhỏ to, rắc rối, nhưng chính điều đó là sức hút của văn chương. Viết về gia đình là một cách “hướng nội” của văn chương đương đại. Kiểu viết “Nước như nước mắt” của Nguyễn Ngọc Tư-một thiên truyện đặc sắc đã lấy đi nước mắt của không ít độc giả.

Chạm vào bản thể nữ cũng có nghĩa là tìm vào “miền hoang”. Văn chương Việt Nam đương đại vận hành trên một lộ trình nghệ thuật từ miêu tả “tập thể” đến “cá thể”, cuối cùng cập bến “bản thể”. Với “thế hệ f+”, biệt sắc này càng đậm nét. Có thể họ đã viết theo tinh thần “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi”. Di Li, Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Thị Lê Na, Bảo Thương, Trần Quỳnh Nga, Trần Thị Tú Ngọc, Trác Diễm… là những cây bút có khuynh hướng lách sâu ngòi bút vào “bản thể” nhân vật nữ. Nhưng họ viết chừng mực, nghĩa là có “điểm dừng”. Đúng như chỉ giáo của đại văn hào Pháp H.de Balzac: “Điều dở nhất trong nghệ thuật và tình yêu là nói ra tất cả”.

Những tìm tòi nghệ thuật truyện ngắn

Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Nội dung tư tưởng gắn với hình thức nghệ thuật như hai mặt của một tờ giấy. Trong nghề văn, truyện ngắn không bao giờ là “bài tập văn chương” hay là “dao găm, súng lục” dùng để đánh gần như ai đó quan niệm giản đơn, phiến diện. Một nhà văn lớn thế giới đã viết: Tôi không có nhiều thời gian tập trung sức lực để hoàn thành tốt một truyện ngắn. Thế mới biết, truyện ngắn là một thể loại thử thách cao độ nhà văn khi viết.

Đạt tới phong cách nghệ thuật là ở trình độ cao của sáng tác văn chương. Với “thế hệ f+”, chúng tôi nghĩ có thể nói đến cá tính hằn lên trên trang viết và con chữ. Nguyễn Ngọc Tư đem đến một không khí “nguyên chất Nam Bộ” nhờ khả năng “bấu chặt” lấy đời sống để viết nên những trang văn “ròng ròng sự sống”, kiểu như “Cánh đồng bất tận”. Phạm Duy Nghĩa (đã in 8 tập truyện ngắn) hướng tới một dòng “văn học xanh” kể từ khi đoạt giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ, năm 2003-2004, với thiên truyện “Cơn mưa hoa mận trắng”. Anh vẫn đang cùng thăng hoa với “Người bay trong gió xanh” (tập truyện ngắn nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, năm 2022). Độc giả đón đọc những trang văn giàu chất thơ, đượm phong vị trữ tình của một cây bút “từ núi xuống phố”. Nương theo bản làng, rừng núi để viết những trang văn diễm lệ đã nâng đẩy Đỗ Bích Thúy vượt lên tính bản địa để văn chương “hòa mạng” quốc gia. Trần Quỳnh Nga, Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Thị Kim Hòa đã “tái chế” chữ nghĩa để gọi lịch sử trở về, tạo nên hòa âm giữa quá khứ và hiện tại, khiến lịch sử thoát khỏi tình trạng “tĩnh” và “đóng băng”, trở nên “động” và “mở”. Di Li hiện đại và phá cách, là kiểu hình của nhà văn hiện đại, biết làm chủ sự viết, in và quảng bá tác phẩm của mình có hiệu năng, không ngồi chờ “hữu xạ tự nhiên hương” theo nếp nghĩ thông thường. Tống Ngọc Hân tả xung hữu đột, sống và viết đều khẩn trương, những trang văn nhễ nhại mồ hôi và mặn chát vị đắng của đời. Chu Thị Minh Huệ “ở ẩn” tận miền biên viễn Hà Giang như một “bông dẻ đẫm sương”, nhưng tác phẩm luôn phập phồng đập cùng nhịp đời hiện đại. Nguyễn Thị Lê Na có cái vẻ bề ngoài “dịu dàng quá không chịu nổi”, nhưng mỗi con chữ cứ “đắng ngọt đàn bà” như thiêu đốt độc giả…

Tương lai của truyện ngắn

Quá khứ xây đắp hiện tại. Hiện tại quyết định tương lai như một quy luật. Chúng tôi xin được chọn giúp độc giả một số tập truyện ngắn hay của các tác giả “thế hệ f+” trong vòng 10 năm gần đây: Phạm Duy Nghĩa (“Người bay trong gió xanh”), Uông Triều (“Bò hoang phố cổ”), Đinh Phương (“Mơ Lam Kinh”), Đỗ Bích Thúy (“Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”), Nguyễn Ngọc Tư (“Đảo”), Như Bình (“Bùa yêu”), Vũ Thanh Lịch (“Nhà Thánh”), Di Li (“Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường”), Nguyễn Thị Lê Na (“Đắng ngọt đàn bà”), Tống Ngọc Hân (“Hồn xưa lưu lạc”), Nguyễn Thị Kim Hòa (“Con chim phụng cuối cùng”), Chu Thị Minh Huệ (“Bông dẻ đẫm sương”). Trong vòng 10 năm có được chừng ấy tập truyện ngắn hay đáng đọc của các cây bút “thế hệ f+”, thiết nghĩ đó cũng là một “con số biết nói”.

Nếu nói không quá thì “thời của truyện ngắn” đang là hiện thực văn chương. Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2022-2024 đang vào hồi cao trào. Độc giả có quyền hy vọng. Các Tạp chí: Nhà văn và Cuộc sống, Văn nghệ Quân đội, Sông Hương, Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, Người Hà Nội… đang là những “sân chơi” cho các cây bút truyện ngắn độ sung sức thi đua sáng tác. Với các tạp chí văn học-nghệ thuật có thương hiệu thì truyện ngắn là “cốt lõi”, “căn cơ”, “chân tủy” tạo nên sức mời gọi độc giả ngày nay thông minh nhưng khó tính. Ngoài ra, các ban, bộ, ngành, thậm chí các công ty sách cũng tổ chức các cuộc thi truyện ngắn với những mục đích khác nhau.

Tin vào tương lai truyện ngắn là có cơ sở vững chãi từ truyền thống và hiện tại của văn chương, là tin vào nhà văn có ý thức xây đắp nền truyện ngắn Việt Nam giàu bản sắc dân tộc và hiện đại.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/truyen-ngan-dang-la-the-manh-cua-van-hoc-viet-nam-754580

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/629414-truyen-ngan-dang-la-the-manh-cua-van-hoc-viet-nam.html